KHẢO SÁT PHONG THỦY ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY
HÀ NỘI.
HÀ NỘI.
LỜI TỰA : Đường Lâm - Sơn Tây - HÀ NỘI là một vùng quê có địa hình còn khá hoang sơ , chưa bị nhiều những công trình xây dựng tàn phá. Đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng. Là một vùng quê có nhiều người thành đạt như vậy nhưng trong khoảng 50 năm gần đây , nhân tài của Đường Lâm hầu như vắng bóng . Lý do nào đưa đến sự việc như vậy ? Chúng ta thử cùng nhau khảo sát về mặt Phong thủy để tìm nguyên nhân. Trong loạt bài này , dienbatn có sử dụng một số tư liệu trên Internet và những tư liệu của dienbatn sau nhiều năm điền dã. Những kết luận riêng của dienbatn còn thô thiển, rất mong được các cao nhân giúp đỡ. Thân ái. dienbatn.
Đầu tiên , dienbatn xin giới thiệu một bài viết khá đầy đủ về Đường Lâm từ nguồn : http://duonglam.vn.
Đường Lâm là một địa danh cổ thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Xã Đường Lâm hiện nay gồm có chín làng là: Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu. Vì thế, làng cổ ở Đường Lâm là tên gọi chung của di tích. Trong đó, trọng tâm của làng cổ ở Đường Lâm được định vị là làng Mông Phụ, còn các làng Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm chọn lựa nhà cổ tiêu biểu cùng với các di tích của làng, cảnh quan đặc trưng để khoanh vùng bảo vệ nhằm tạo ra không gian bổ trợ cho làng cổ (Sau đây gọi chung làng cổ trọng điểm ở Đường Lâm là làng Mông Phụ và các làng cổ phụ cận như Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm là làng cổ ở Đường Lâm)
Trong tâm thức của nhiều người, nói đến Đường Lâm người ta thường liên tưởng địa danh "Kẻ Mía","Một ấp hai vua". Địa danh này xuất hiện khá sớm trong các thư tịch cổ như: Việt điện u linh, Thiên ngữ lục, Lịch triều hiến chương loại chí... Hồ sơ di tích này viết về làng cổ ở Đường Lâm.
Làng cổ ở Đường Lâm là tên gọi chính thức của di tích.
Địa điểm phân bố
Xã Đường Lâm nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa danh:
- Phía Đông: Giáp phường Phú Thịnh
- Phía Tây: Giáp xã Cam Thượng (huyện Ba Vì)
- Phía Nam: Giáp xã Thanh Mỹ và Xuân Sơn
- Phía Bắc: Giáp sông Hồng( bên kia sông là tỉnh Vĩnh Phúc)
Trong đó, làng cổ trọng điểm ở Đường Lâm là làng Mông Phụ được xác định như sau:
- Phía Đông: giáp làng Cam Thịnh
- Phía Tây: giáp làng Đoài Giáp
- Phía Nam: giáp làng Yên Mỹ, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây
- Phía Bắc: giáp quốc lộ 32 và làng Đông Sàng
Các làng cổ phụ cận ở Đường Lâm tiếp giáp với làng cổ trọng điểm Mông Phụ là:
- Phía Đông: làng Cam Thịnh
- Phía Tây: làng Đoài Giáp
- Phía Bắc: làng Đông Sàng
Trong đó, làng Cam Lâm tiếp giáp với phía Tây của làng Đoài Giáp
Khu vực này, nguyên là phần đất thuộc địa danh xứ Đoài - vùng bán sơn địa, được nhắc đến nhiều trong sử sách. Trong các làng cổ thuộc Đường Lâm, làng cổ trọng điểm Mông Phụ là trung tâm nghiên cứu, khảo sát của hồ sơ di tích này.
\ờng đến di tích
Từ thị xã Hà Đông tới làng cổ ở Đường Lâm, ta có thể đi theo hai đường:
- Một là: Từ thị xã Hà Đông theo đường 32 đi khoảng 40 km đến thị xã Sơn Tây, đi tiếp 4,5 km là tới di tích.
- Hai là: Từ thị xã Hà Đông xuôi theo cao tốc Láng - Hoà Lạc khoảng 20 km tới ngã ba Hoà Lạc, rẽ phải theo đường 21A lên thị xã Sơn Tây, đi tiếp 4,5 km là tới nơi.
Có thể tới làng cổ ở Đường Lâm bằng các phương tiện giao thông như: Ô tô, xe máy, xe đạp đều rất thuận tiện.
SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Theo cố GS sử học Trần Quốc Vượng thì Đường Lâm là địa danh có vị thế đắc địa theo thế "Toạ sơn vọng thuỷ", tức là lưng tựa vào núi Tản, mặt ngoảnh ra sông Hồng. Đây là vùng đất cổ, một ấp hai vua và cũng là "Tứ giác nước", được bao bọc bởi sông Đà, sông Tích - Một chi lưu nối với sông Đà, sông Đáy.
Trong địa phận Đường Lâm có 36 đồi gò là vùng trước núi của non Tản, còn rất nhiều địa điểm, di tích mà ở đó chứng tỏ sự phát triển của đường Lâm ngày nay gắn liền với sự phát triển của thị xã Sơn Tây.
Theo những tư liệu đã nêu ở phần I thì địa danh này đã xuất hiện cách đây trên dưới 1000 năm. Năm 1496, trấn sở Sơn Tây đóng tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai (nay thuộc Tản Hồng, Ba Vì) và thời đó gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên. Đến thời Lê Cảnh Hưng( 1740 - 1786) do bị ngập lụt, nước làm lở thành, trấn sở được dời về Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm). Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), trấn sở dời về thôn Thuần Nghệ, huyện Minh Nghĩa lúc đó (nay thuộc nội thị Sơn Tây). Năm 1831, trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây và trấn lị trở thành tỉnh lị. Năm 1924, thực dân Pháp đổi trấn sở Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây. Tuy là thị xã nhưng vẫn là thủ phủ của hai phủ Quốc Oai, Quảng Oai và bốn huyện Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất và Bất Bạt.
Theo Tiến sỹ sử học Đỗ Đức Hùng thì Đường Lâm là cái tên Hán hoá vào thời thuộc Đường. Đầu thời Đường, tên Đường Lâm được biết đến là một trong ba huyện của quận Phúc Lộc, gồm Nhu Viễn, Đường Lâm, Phúc Lộc. Đến năm Chí Đức thứ 2 nhà Đường (757) chính quyền đô hộ lại đổi lại thành quận Đường Lâm. Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, một tài liệu viết vào thời Trần thì lại ghi là châu Đường Lâm. Về sau, những cái tên gọi như Cam Giá, Cam Tuyền, Cam Đường, Cam Lâm, Cam Giá Thượng... đều thuộc vùng đất Kẻ Mía mà ra.
Đến thời Lê, vùng Kẻ Mía được tách ra làm hai, đặt tổng Cam Giá Thượng thuộc huyện Tiên Phong( nay là xã Cam Thượng) và tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Lộc (sau gọi là Phúc Thọ), tức là địa bàn xã Đường Lâm ngày nay.
Từ sau Cách mạng tháng 8, tổng Cam Giá Thịnh có tên mới là xã Phùng Hưng. Đến ngày 21/11 năm 1964 xã Phùng Hưng đổi thành Đường Lâm, trực thuộc huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Năm 1965 tỉnh Sơn Tây sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Cùng năm đó, chính quyền Trung Ương quyết định sáp nhập ba huyện là Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện thành huyện Ba Vì. Năm 1976 sáp nhập Hà Tây với Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Ngày 29/12/1978 Quốc hội thông qua đề nghị chuyển huyện Ba Vì về thủ đô Hà Nội. Năm 1982 Đường Lâm được sáp nhập vào thị xã Sơn Tây vẫn thuộc thành phố Hà Nội. Ngày 1/11/1991, thị xã Sơn tây lại được chuyển về tỉnh Hà Tây. Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây cho đến ngày nay.
Nhiều chặng đường lịch sử của dân tộc còn ghi dấu ấn tại Đường Lâm. Thời Hùng Vương, ở đây, cùng mấy làng lân cận còn rất nhiều địa danh được nhắc trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Thời Hai Bà Trưng, có đến hơn 10 vị tướng của Bà. Đây cũng là quê hương, là đất thang mộc của hai vị vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền. Quê hương của Lý Đế cũng quanh quất đâu đây. Đất này còn có các danh nhân như bà chúa Mía, Giang Văn Minh, Kiều Oánh Mậu...
Về mặt di tích, nơi đây còn một quần thể trải đều liên hoàn trong tất cả các làng với đủ loại hạng mục như đình, chùa, đền, phủ, miếu, am, quán, lăng mộ, nhà thờ danh nhân, di chỉ cổ đại với hàng vạn hiện vật của thời kỳ đồ đá mới. Việc khai quật khảo cổ học năm 1971 ở Bến Mả (Văn Miếu) là một minh chứng cho vấn đề này.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, từng thành tố đơn lẻ của làng cổ có bị thay đổi và có niên đại xây dựng không sớm, nhưng về tổng thể, khu vực này vẫn bảo lưu được cơ cấu không gian làng của một làng cổ thuần Việt.
Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng, thấy được giá trị đó mà các cấp Ban ngành Trung Ương và tỉnh Hà Tây đã có định hướng cụ thể để bảo tồn và phát huy tác dụng của làng cổ ở Đường Lâm.
Dựa vào nội dung, giá trị của làng cổ ở Đường Lâm, căn cứ vào cách phân loại hiện nay, làng cổ ở Đường Lâm thuộc loại hình di tích Lịch sử - Văn hoá.
KHẢO TẢ DI TÍCH
Tổng quan làng cổ
Làng Mông Phụ .
Từ thị xã Sơn Tây xuôi theo quốc lộ 32 khoảng 4,5 km, rẽ trái theo con đường đã được trải nhựa uốn khúc mềm mại chừng 400 m, ta bắt gặp cổng làng Mông Phụ - một biểu trưng truyền thống đặc sắc của ngôi làng Việt cổ truyền. Có thể nói, cổng làng Mông Phụ là cổng làng duy nhất còn lại ở Đường Lâm. Cổng này đủ rộng để một chiếc xe tải có thể chạy qua. Cổng được làm theo kiểu "Thượng gia hạ môn" - trên là nhà, dưới là cổng. Cổng này được xây bít đốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui, trên mái lợp ngói. Thượng lương còn rõ dòng chữ khắc trên gỗ:"Thế hữu hưng nghi đại", nghĩa là: Cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi. Đó là phương châm xử thế của người xưa truyền lưu. Qua cổng đi tiếp theo hương lộ là tới trung tâm của làng. Nhìn một cách tổng thể, làng Mông Phụ nằm trên thế đất hình con rồng: Đầu rồng chính là nơi toạ lạc của đình Mông Phụ, hai mắt là hai giếng cạnh đình, râu toả ra các ngõ xóm, đuôi vắt về xóm Sải.
Theo học giả Dân tộc học người Pháp gốc Việt Nguyễn Tùng thì Mông Phụ là một làng bán sơn địa, toạ lạc trên đồi gò. Làng này tựa lưng vào thềm núi Tản, xung quanh có sông Tích uốn lượn quanh co. Làng nhìn - hướng mở - ra sông Hồng.
Theo sách Đại nam nhất thống chí thì lị sở của trấn Sơn Tây được rời từ xã La Phẩm, huyên Tiên Phong đến địa phận xã Mông Phụ vào thời Cảnh Hưng (1740-1786). Trước Cách mạng tháng 8, Mông Phụ còn có Văn Miếu của tỉnh Sơn Tây nằm kế cận phố Văn Miếu. Theo hương ước 1921 của làng, phố này có trưởng phố đứng đầu. Sau năm 1954, Văn miếu trở thành một xóm vẫn thuộc Mông Phụ. Xưa kia một số người dân trong các họ ở làng Mông Phụ chuyển ra sinh sống rồi sau hàng thế kỷ thì trở thành làng Phụ Khang ngày nay. Về kinh tế thì Mông Phụ là một làng thuần nông, với đầy đủ các thiết chế của một làng Việt cổ truyền với sự quần tụ đông đúc bởi các dòng họ như họ Nguyễn, họ Hà, họ Giang, họ Phan, họ Đỗ, họ Kiều, họ Bùi (chỉ có một gia đình về đây lập cư khoảng vài chục năm nay). Trong các dòng họ này thì dòng họ Giang và họ Phan là hai dòng họ trâm anh thế phiệt, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài đã được sử sách ghi nhận, ca tụng. Chính vì thế người dân nơi đây đã kiến tạo nên đời sống văn hoá đặc sắc đến ngày nay.
Sau những đợt khảo sát, điều tra thực địa giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, gần đây Bộ V.H.T.T và U.B.N.D tỉnh Hà Tây đã nhất trí chọn sự bảo tồn và phát huy làng cổ ở Đường Lâm bao gồm trọng tâm là làng Mông Phụ và phạm vi điều chỉnh bảo tồn các làng Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm cùng tất cả các di tích Lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng. Nhìn trên bản đồ xã Đường Lâm "làng cổ ở Đường Lâm" là làng Mông Phụ.
Trước đây di tích thường lấy đơn chiếc là ngôi đình, chùa, đền, miếu... Sự định hướng bảo tồn gần đây là làng Mông Phụ gồm tất cả các ngôi nhà cổ của dân, từ cổng làng, tường rào, đường đi, giếng nước, bờ ao, điếm canh... đến phong tục tập quán, nghề thủ công, cảnh quan và tổ chức không gian làng sẽ là một đơn vị di tích mang tính phức hợp giống như phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã được UNESCO xếp hạng hoặc phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Khác phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội, làng cổ ở Đường Lâm ngoài những ngôi nhà cổ, nhiều ngôi nhà được xây dựng ở đây mang đậm phong cách truyền thống về kiến trúc cũng như thẩm mỹ. Có ngôi nhà năm hàng chân cột, bốn hàng chân, ba hàng chân và quá giang trốn cột với những vì kèo kẻ chuyền, chồng giường, cửa bức bàn bằng gỗ đặc... với những hoạ tiết hoa văn dân giã. Ngoài nhà chính (nhà trên) là nhà phụ - nhà ngang, nhà bếp. Ý niệm "lấy vợ hiền hoà làm nhà hướng nam", vào nhà bếp "ngồi đông mông tây", sân lát gạch, tường đá ong, vườn cây ăn quả, cây cảnh... đều được người dân sống trong ngôi nhà cổ 6 - 7 đời người giữ gìn, bảo vệ. Nhà ở Mông Phụ sẽ được phân loại ít nhất thành 4 loại theo tiêu chí khoa học để xác định giá trị và đầu tư tu sửa trên cơ sở "nhà nước và nhân dân cùng làm". Các thành viên tham gia dự án này đã đến từng nhà chụp ảnh, vẽ kiến trúc, ghi chép niên đại tạo dựng, vật liệu xây dựng vốn có. Việc bảo tồn hình thái làng mạc cũng đã được đặt ra với phương châm không mở rộng mặt đường làng, giữ gìn cây cổ thụ, giếng nước cổ... để tổng thể cảnh quan không biến dạng. Công việc trước mắt là phải lập hồ sơ di tích làng cổ trình Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng, phải có Quy chế quản lý xây dựng ở Đường Lâm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để ngăn chặn tình trạng xây dựng mới làm làng cổ bị phá vỡ cảnh quan.
Ngõ
Ở Mông Phụ các ngõ khá rộng và thường lát gạch ở phần giữa, hai bên có tường xây bằng đá ong hay gạch chạy dọc theo, nên khi đi trên đường ta chỉ thấy hai bờ tường và các mái nhà. Vào vụ gặt (tháng 6 và 11 dương lịch), các ngõ nhộn nhịp hơn, vì dân làng phơi ở đó rơm rạ để dùng làm chất đốt hay thức ăn cho trâu bò. Cũng như ở cá làng khác ở vùng đồng bằng sông Hồng, hai bên đường có đào rãnh nhỏ cho nước thải của các nhà hai bên ngõ chảy vào. Do dân làng ngày càng dùng nhiều hoá chất và nhất là do chăn nuôi lợn phát triển, các rãnh là nguồn ô nhiễm cần khắc phục.
Xóm
Làng Mông Phụ bao gồm các xóm: xóm Đình giang, xóm Hè, xóm Sui, xóm Chim, xóm Sải, xóm Trại, xóm Trung hậu. Trong các xóm này, xóm Trại là xóm mới được hình thành từ khu trại chăn nuôi thời HTX nông nghiệp trong quá trình giãn dân của làng mấy chục năm qua. Trong đó, xóm Trung hậu là nơi còn tập trung khá nhiều những ngôi nhà cổ xây bằng chất liệu gạch đất nện và tường đá ong. Mỗi xóm xưa kia đều có cổng xóm. Đường đi trong xóm quanh co, nhưng đều có thể ra được trục đường chính của làng và nối thông ra các làng phụ cận.
Giếng
Ở Mông Phụ, mỗi xóm đều có một giếng mang tên của xóm. Các giếng xóm Hè, xóm Giang xưa kia nổi tiếng là giếng có nước rất ngon như hai câu tục ngữ sau đây đã nhắc đến:
- Nước giếng Hè, chè Cam Lâm
- Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường
Giếng ở làng cổ Mông Phụ được cổ nhân đào có đường kính từ 3 - 5 mét, sâu trên dưới 10 mét. Một số giếng không phải xây phần thành giếng vì đào trên nền đá ong, chỉ xây phần cổ giếng. Do đào ở vùng đất đá ong nên mạch nước rất trong và mát. Tương truyền, hai giếng ở hai bên đình Mông Phụ là hai mắt của con rồng chột, một giếng nước trong và một giếng nước hơi đục, chính vì thế đã tạo nên vị thế đắc địa cho ngôi đình Mông Phụ - Nằm giữa ngã ba trung tâm của làng nhưng ở vị trí này người đi ngược về xuôi không ai quay lưng vào đình cả.
Ngày nay, giếng xóm Giang vẫn còn dùng cùng với các giếng xóm Xui và xóm Xây; các giếng xóm Đình, xóm Sải, xóm Miễu thì không dùng vì đa số nhà dân có giếng khoan nên từ lâu không được nạo vét; còn giếng Hè đã bị lấp từ lâu.
Nhìn một cách tổng thể, các giếng ở Mông Phụ tương đối bề thế, nhất là giếng xóm Đình có thành hình tròn xây bằng đá ong nên có dáng vẻ cổ kính và đẹp.
Điếm
Các điếm canh ở Mông Phụ đều được xây bằng gạch và lợp ngói, phân bố ở các khu xóm trong làng. Đây là nơi để các phiên tuần trú ẩn tuần tra mỗi đêm.
Hiện nay, ở xóm Sui và xóm Đình của làng Mông Phụ còn ba điếm dùng làm nhà kho. Ngoài ra, còn có điếm ở xóm Hè, xóm Giang. Điếm ở Mông Phụ thường được xây dựng cạnh trục đường chính trong làng. Nội thất bên trong điếm thường có bệ xây làm bàn thờ. Trên ban thờ có mũ thờ thổ công, bát hương, vàng mã, mõ gỗ và con ngựa giấy. Ngày rằm, mùng một dân làng vẫn ra thắp hương.
Đình Mông Phụ
Đình Mông Phụ toạ lạc ở vị trí cao nhất của làng. Hiện nay vẫn còn nguyên vẹn. Ở trước đình, phía tay phải từ đình nhìn ra có nhà Xích hậu - có chức năng làm phòng tiếp khách mỗi khi mọi người vào đình dự lễ.
Tam quan của đình gồm bốn trụ vuông xây gạch, hai trụ lớn và hai trụ nhỏ, bốn đầu trụ tạo tác lồng đèn hình vuông có chạm nổi tứ linh, trên đỉnh hai trụ lớn có hai con sư tử ngồi nhìn ra phía giữa, đỉnh hai trụ nhỏ đội hai bình hoa. Ba mặt trụ có các câu đối chữ Hán chạm nổi.
Sân đình lát gạch Bát tràng, hai bên có Tả hữu mạc, mỗi nhà có năm gian nhỏ. Nhà Tả mạc là nơi thờ tổ tiên các dòng họ trong làng, còn nhà Hữu mạc là nơi thờ quan ôn, quan đương niên.
Đình được thiết kế theo kiểu chữ Công. Đình chính gọi là đình ngoài gồm năm gian hai trái; Hậu cung hay đình trong là một toà nhà nối ba gian giữa của đình ngoài kéo dài ra phía sau như cán chày. Hai bên đình có hai giếng mà người ta gọi là hai mắt con rồng; trước đình đặt một bể nước tượng trưng cho cái ao hoặc phòng khi hoả hoạn.
Mái đình hình võng nhẹ, hai đầu nóc có chạm hình hai con rồng; góc mái, thường gọi là đao đình, uốn ngược lên thành hình rồng và đầu nghê nhìn lên bờ dải có viền hoa thị. Mái đình lợp ngói mũi hài.
Các vì kèo được thiết kế theo kiểu giá chiêng chông dường, dựa trên sáu hàng chân. Những đầu dư của các xà ở gian chính và những kẻ hiên là những trọng điểm để trang trí. Những mô típ trang trí rồng, hổ, cá chép, chim, hoa lá, mây... được chạm nổi, chạm lộng hoặc chạm ren. Xét về kiểu dáng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc thì đình Mông Phụ được làm vào thời Lê trung hưng và được tôn tạo, tu sửa vào hai thế kỷ XIX và XX.
Đình chính không có tường vách ngăn che, tất cả đều để trống, chỉ có một lan can có chấn song hình con tiện bao quanh ba mặt đến tường của Hậu cung. Đình có sàn ở hai gian bên, ở gian giữa có cửa võng hình lưỡng long chầu nguyệt sơn son thếp vàng. Một ban thờ lớn trang trí bằng tượng rồng, hổ phù ngậm chữ Thọ, mây... Hậu cung chỉ có sườn gỗ bào trơn, có tường xây kín ba mặt. Bệ thờ đặt giữa Hậu cung, có ngai và bài vị (Xem Hồ sơ di tích đình Mông Phụ).
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh
Nhà thờ ở gần đình Mông Phụ. Trên cổng có ghi:"Giang Thám Hoa Công Từ". Nhà thờ được người trong họ xây bằng gạch từ thời Tự Đức(1847 - 1883), bốn mái lợp ngói mũi hài, kiến trúc theo kiểu chữ "nhị", hướng . Tiền đường là một ngôi nhà gồm năm gian nhỏ, có bệ gạch dùng làm nơi hội họp và giỗ tiệc, có cửa kép kín. Sân hẹp, lát gạch, có bồn hoa ở giữa. Hậu đường gồm ba gian, gian giữa có bức hoành phi:"Giang Thị Từ Đường". Bàn thờ đặt theo cửa võng; trên khám thờ có bài vị ghi tên Tằng tổ đến cụ Thám Hoa Giang Văn Minh và tên các chi kế tiếp. Hai gian bên có bệ thờ tổ tiên. Đồ thờ gồm: Binh khí, bốn bàn nghi tượng và các đôi câu đối, ca tụng sự nghiệp của vị sứ thần họ Giang. Cột nhà, bàn thờ, đồ tế tự đều sơn son thếp vàng (Xem Hồ sơ di tích nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh).
Nhà thờ họ
Nhà thờ của họ Hà, họ Nguyễn (Khắc Nguyên) cũng là nhà ở của hai hộ thành viên. Nhà thờ họ Phan( chính) trước đây do hợp tác xã dùng làm kho chứa thóc, được trả lại cho họ vào năm 1991. Nhà thờ họ Phan nằm ngay phía trước đình Mông Phụ, đối diện với U.B.N.D xã Đường Lâm hiện nay. Ở Mông Phụ, các nhà thờ này đều không có gì khác so với các nhà cổ trong làng.
Văn chỉ
Thực ra đó chỉ là một miếng đất được đắp cao ở gần bên giếng xóm Xây. Mỗi năm, hai buổi lễ cúng Khổng tử được tổ chức tại đây vào ngày 13/02 và 13/08 âm lịch, do hội tư văn chia thành hai phe đảm nhận. Cách đây vài chục năm, chính quyền xã đã cấp văn chỉ cho một hộ chuyển thành vườn rau.
Nhà thờ của phường thợ mộc
Nằm gần nhà hội đồng, nhà thờ này là nơi thờ phụng Lỗ Ban, vị tổ sư của nghề thợ mộc. Như ta biết, trước Cách mạng tháng 8, khá đông dân làng Mông Phụ làm nghề này, trong số đó có vài người nổi tiếng trong vùng nên được tặng danh hiệu là Mục xứ.
Nhà thờ công giáo
Ở Mông Phụ có một nhà thờ Công giáo xây theo kiểu các nhà thờ châu Âu, có tháp chuông. Nhà thờ này được trùng tu vào năm 1953. Họ Công giáo ở đây hiện còn khoảng 30 gia đình. Những gia đình khác đã di cư vào năm 1954. Nhà thờ được đặt dưới sự bảo trợ của quan thầy Bản mạng thánh Giu Se. Các đồ thờ và ảnh tượng có kiể mẫu màu sắc thường thấy trong nhà thờ Công giáo Pháp thế kỷ XIX.
Nhà truyền thống
Nằm bên cạnh phía đông của đình Mông Phụ, nhà truyền thống vốn là trường tiểu học được xây dưới thời Pháp thuộc, mà hương ước của Mông Phụ lập năm 1921 có nhắc đến. Cũng như trong các nhà truyền thống khác ở nông thôn, hiện vật được trưng bày ở đây không phong phú lắm: Một số tư liệu cũ như ảnh, bản đồ hoặc bảng giới thiệu sơ lược về lịch sử của xã Đường Lâm, về Phùng Hưng và Ngô Quyền, một số hiện vật phát hiện được trong các cuộc khai quật khảo cổ học của xã.
Trường Mẫu giáo
Nhìn ra khoảng không gian trước đình và đối diện với nhà Xích hậu, cho đến cách đây chừng vài năm là nhà hội đồng của làng Mông Phụ. Cũng như trường tiểu học, nhà hội đồng được xây theo phong cách kiến trúc phương Tây trong những năm 30, tiếp theo các cuộc cải cách hương chính ở Bắc kỳ lập ra hội đồng tộc biểu. Trong mấy thập niên, nhà hội đồng được dùng làm trường mẫu giáo. Năm 1998, xã trùng tu lại và làm trụ sở của U.B.N.D, thay thế cho trụ sở cũ ở Đông Sàng dành cho các sinh hoạt văn hoá xã.
Ao
Không gian cư trú của làng cũng được các ao bảo vệ. Trong chừng mực nào đó, ta có thể nói làng truyền thống, đặc biệt ở đồng bằng sông Hồng, được qui hoạch như một thứ thành trì: Hàng rào tre là luỹ, còn các ao là hào. Việc người Việt dùng hai chữ "Thành Hoàng" để chỉ vị Phúc thần được thờ ở đình là việc rất có ý nghĩa. Trong tiếng Hán Việt, Thành Hoàng vốn chỉ vị thần của một thành trì.
Mông Phụ có 3 - 4 ao to đào ở bên ngoài và kề cận không gian cư trú. Ao nằm ở bên phải con đường từ cổng đình vào làng được gọi là"Ao Các Cụ", bởi vì nó được làng giao cho người cao tuổi khai thác. Ao làng lớn hơn nhiều nằm ở phía của không gian cư trú. Thời xưa dân làng thả cá Mè ở đây. Mỗi năm vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch, dân làng tổ chức đánh các ở ao làng từ rạng đông. Họ chọn những con cá đẹp nhất để làm gỏi cá, cúng Thành Hoàng ở đình. Số cá còn lại được chia cho dân làng.
Ở Mông Phụ, ít khi thấy có ao ở bên trong không gian cư trú. Trước hết là vì địa thế khá cao so với ruộng nước nên phải tốn tiền đào ao sâu mới dẫn nước vào được. Hơn nữa, nếu đào sâu như thế thì "dễ chạm long mạch" là điều tối ỵkị theo tín ngưỡng phong thuỷ ở vùng này.
Cuối cùng, cũng vì Mông Phụ có địa thế cao nên người dân không cần lấy nhiều đất để đắp đường mà nhất là để đắp nền nhà,hai nguyên nhân chính của sự hình thành từ phần lớn các ao. Mông Phụ cũng có vài "Ao nhà", nhưng hầu hết đều nằm ở rìa làng.
Luỹ tre
Làng cổ trọng điểm Mông Phụ trong những năm 1930 thường có luỹ tre mọc khá dầy vây quanh. Nó có chức năng bảo vệ dân làng chống lại trộm cướp. Do đó, mọi người tuyệt đối không được tự tiện đốn tre hay cắt măng ở đó.
Luỹ tre còn là "một giới hạn thiêng liêng của cộng đồng làng xã, dấu hiệu của tính cá biệt và sự độc lập của nó. Nếu trong thời loạn lạc, một làng tham gia phiến động hay chứa chấp những kẻ gây bạo loạn, thì hình phạt đầu tiên mà triều đình hay quan trên thi hành là bắt phải triệt hạ luỹ tre làng. Đó là một sự tổn thương nghiêm trọng cho danh dự của làng, một sự điếm nhục lớn; làng đó cảm thấy như ở vào tình huống của một người bị cởi hết áo quần và bỏ trần truồng giữa một đám đông vẫn ăn mặc bình thường".
Tách rời không gian cư trú, được xem là bên trong của làng, ra khỏi không gian canh tác, một bộ phận của thế giới bên ngoài, luỹ tre làng là hàng rào ma thuật chính yếu đầu tiên bảo vệ làng trước sức mạnh của ma quỷ, yêu tinh.
Ở Mông Phụ, trước chiến tranh và hiện nay dường như vẫn thế, tuyệt đối cấm đem xác người làng chết ở bệnh viện hay đi đường vào trong làng: Trong khi chờ chôn cất, quan tài của người chết phải quàn ở Quán Rô, nằm bên cạnh cổng đình. Chắc vì tập tục này mà một quán đã được xây gần địa giới phía đông của làng để quàn linh cữu của Thám hoa Giang Văn Minh chết trên đường đi sứ ở Trung Quốc. Quán đó ngày nay vẫn còn và được gọi là đình Giang.
Theo tâm thức của những bậc cao niên, trước chiến tranh, luỹ tre của làng Mông Phụ dầy đến độ một con chim sẻ cũng không bay lọt qua. Ngày nay, do sự nới rộng của không gian cư trú và sự phát triển dân số nên luỹ tre hầu như đã biến mất, chung quanh làng chỉ còn sót lại một số bụi tre. Bên trong làng, tre cũng hiếm khi được trồng làm hàng rào, nhường chỗ cho các bức tường xây bằng đá ong hoặc bằng gạch.
V.1.1.15. Nghĩa địa
Ngoại trừ các thửa ruộng quá thấp nên bị ngập nước thường xuyên, không gian canh tác của làng Mông Phụ có khá nhiều mồ mả được đặt vào những chỗ đất tốt theo quan niệm phong thuỷ. Người quá cố được chôn theo cùng qui tắc với việc định hướng nhà "Toạ sơn vọng thuỷ". Dân làng vẫn nhắc đến mấy câu thơ miêu tả vị trí đắc địa của ngôi mộ thân phụ Phan Kế Toại, theo đúng qui tắc nói trên:"Đầu đội nhành quạt , chân đạp lý ngư: Thượng thư, tổng đốc".
Theo câu tục ngữ mà nhiều người ở Mông Phụ còn nhớ "Sống ở làng, chết Lồ Cang Áng Độ". Lồ Cang, Áng Độ là hai khu đất có rất nhiều mồ mả. Thông thường dân làng chôn người chết ở Lồ Cang. Đây là khu đất tương đối ẩm thấp nên tử thi tiêu huỷ nhanh. Sau ba năm thì làm lễ cải táng, công việc này được tiến hành vào ban đêm. Xương người chết được bốc nên, rửa sạch bằng nước có hương thơm, rồi bỏ vào một cái tiểu bằng đất nung, thường ở Áng Độ - Một khu đất đồi cao ráo nên xương được bảo tồn khá lâu. Khi việc cải táng xong thân chủ thường làm một bữa cơm mời những người đã tham gia dự. Điều đáng lưu ý là ở Mông Phụ các gia đình công giáo cũng giữ tục cải táng này.
V.1.2. Các làng phụ cận
Bốn làng cổ phụ cận ở Đường Lâm là Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm nằm hỗn cư với làng cổ trọng điểm Mông Phụ, còn có làng Cam Lâm nằm ở phía Tây Đường Lâm. Xưa kia các làng Mông Phụ, Đoài Giáp, Cam Thịnh có các cổng làng riêng. Mỗi làng ngày trước còn có luỹ tre bao bọc. Nay luỹ tre không còn, vì vậy nhà cửa của những hộ dân ở các làng này sát kề với nhà cửa của dân làng Mông Phụ.
Về mật độ nhà ở của những làng Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh cũng cao hơn làng Cam Lâm. Ở đây, hầu như tất cả các tường rào đều được xây bằng đá ong hay gạch cao chừng 02m. Phần lớn các nhà ở đều được xây bằng hai loại vật liệu nói trên. Riêng gạch đất nén (nện) thì ở làng Mông Phụ có nhiều hơn cả. Hiện nay, các làng này vẫn còn hiện hữu các con đường hẹp, hai bên có tường, thỉnh thoảng có cổng bằng gỗ đóng kín. Sự hiện hữu của các bức tường bao quanh khuôn viên trước hết là do nhu cầu an ninh. Thời xưa, các bức tường này có chức năng bảo vệ các gia đình vì vùng này gần đồi núi, có nhiều rừng rậm nên bọn trộm cướp - nhất là vào thời loạn lạc, thường quấy rối tại đây. Riêng ở Cam Lâm vì vườn tược tương đối rông nên người ta thường trồng cây xanh để làm hàng rào, trong vườn có nhiều loại cây ăn quả như bưởi, ổi, chanh, chuối... Làng Mông Phụ cây ăn quả ít hơn, chủ yếu là sân gạch.
V.2.1. Đình
Với hai chức năng là cơ sở hành chính và cơ sở tôn giáo, mỗi ngôi đình gắn bó trực tiếp với cộng đồng dân cư đã xây dựng nên di tích.
Cũng giống như nhiều đình khác, mỗi làng cổ ở Đường Lâm đều có một ngôi đình gọi là đình làng. Nhưng điều đặc sắc tại làng cổ ở Đường Lâm còn thêm một ngôi đình Tổng ở làng Đông Sàng (nay không còn nữa).
Theo một nguyên tắc bất di bất dịch là đình được xây dựng ở một nơi đắc địa trong phạm vi của làng, trừ trường hợp những làng Vạn chài hay dân Hạ bạn phải mượn đất làng khác để xây đình. Hướng của các đình tại làng cổ ở Đường Lâm là do sự thích nghi với thế đất hơn là do thuật phong thuỷ quyết định.
Thông thường, người ta xem đình là nơi hội họp, sinh hoạt, liên hoan của nam giới. Nhận xét đó tuy đúng nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Ví như ở Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội), phụ nữ cũng tham gia cúng lễ ở đình; ở Nam Bộ, vợ các hương chức cũng có thể thay chồng tham gia cúng tế ở đình. ở Mông Phụ, các vãi là một trong 13 ngôi thứ ở đình.
Về phương diện kiến trúc, có hai loại đình: đình nhà sàn và đình nhà trệt. Đa số đình ở Đường Lâm như đình Cam Thịnh (Xem Hồ sơ di tích đình Cam Thịnh), Đoài Giáp (Xem Hồ sơ di tích đình Đoài Giáp), Cam Lâm đều thuộc loại đình nhà trệt; đình Mông Phụ (Xem Hồ sơ di tích đình Mông Phụ) thuộc loại đình nhà sàn. Ở Đường Lâm, không đình nào mang hoành phi "Thánh cung vạn tuế" như một số đình ở đồng bằng Bắc Bộ.
Đình làng không chỉ là nơi quản lý hành chính, hội hè, mà còn là nơi phụng thờ Thành hoàng làng. Có lẽ vai trò tôn giáo quan trọng của đình đã đi sâu vào tiềm thức dân gian nên ở Đường Lâm xảy ra hiện tượng lẫn lộn Từ với Đình như "Ngô Vương từ" cũng được gọi là đình Quốc Tế và "Bố Cái Đại Vương từ" cũng được gọi là đình Cả.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Dân tộc học, ở Đường Lâm cũng như các làng xã quanh vùng này từ thế kỷ XVII, các Thành hoàng làng được phân ra làm ba loại theo trật tự phong kiến: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Những thần không được xếp hạng sẽ bị liệt vào hạng Tà thần, Yêu thần, Đê tiện thần. Thành hoàng nhiều khi được triều đình phong tước nhưng không phải là thần địa phương mà là thần được dân làng tôn thờ từ lâu. Vì thế, một mặt họ chấp nhận thần là do nhà nước chỉ định, một mặt họ bí mật tiếp tục thờ thần riêng của mình. Thành hoàng chính thức của làng Đông Sàng là Tản Viên, nhưng dân chúng vẫn thờ thần riêng của mình là "một người đánh cá chết trôi" (theo GS Diệp Đình Hoa).
Thông thường, khi tách làng, người làng mới phải rước Thành hoàng làng cũ về làng mới. Nhưng làng Đoài Giáp lại thờ Phùng Hưng chứ không thờ Tản Viên như Cam Thịnh, làng gốc của mình, và làng Phụ Khang cũng chọn Phan Khắc Dị làm Thành hoàng, chứ không thờ Tản Viên như Mông Phụ.
Lễ vật và nghi lễ của mỗi làng cũng có vài chi tiết giống nhau. Làng Cam Đà gần Đông Sàng có tục chọi trâu trước khi vào lễ tế thần; ở Đông Sàng, trước khi tế thần, người ta tổ chức đuổi lợn. Ở Cam Thịnh, lễ vật tế thần "có thêm món chuối pha chế một cách đặc biệt".
Nghiên cứu đình làng giúp ta hiểu thêm lịch sử văn hoá của làng cổ ở Đường Lâm. Sự trường tồn và bản sắc của làng xã, nhất là làng cổ trọng điểm ở Đường Lâm là làng Mông Phụ được khẳng định qua những đạo sắc phong thần làm Thành hoàng làng trong nhiều thế kỷ. Quan niệm Làng - Nước được thể hiện qua những sắc phong thường gắn liền sự bình yên của làng xã với vận mệnh của đất nước.
V.2.2. Chùa Mía và một số ngôi chùa khác .
Chùa Mía có tên chữ là "Sùng Nghiêm Tự". Chùa này được trùng tu vào thế kỷ XVII, nhờ sự bảo trợ của một cung phi của chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657). Theo văn bia còn dựng trong chùa, Tam bảo trước chùa được dựng vào năm 1621 có lẽ chùa cũng được trùng tu lớn vào thời điểm đó.
Bà cung phi họ Nguyễn có rất nhiều tên: Liệu, Diệu, Dong, Giao, Leo, Keo... có lẽ do kiêng tên sau cùng nên dân làng tránh từ "Reo" nên thay thế bằng từ "Hò".
Chùa Mía, chợ Tam bảo và đình Đông Sàng xưa kia có lẽ là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá quan trọng của toàn vùng.
Chùa đã được tu sửa nhiều lần qua nhiều thế kỷ. Lần trùng tu sớm nhất vào năm 1632. Năm 1750, xây thêm Tiền đường; năm 1843, xây cửa Tam quan và biến nhà Tổ thành hành lang bây giờ... Trong những năm 1853, 1916, 1928 chùa được mở rộng hai hành lang và Thượng điện.
Chùa Mía được kiến thiết theo kiểu "Nội công ngoại quốc", gồm Tiền đường, chùa chính, Hậu đường và chùa Trung, tất cả 17 gian. Chùa hướng Nam, cửa Tam quan có mái cao 7m; cửa chính rộng 2,5m và hai cửa bên mỗi cửa rộng 1,75m. ở tầng trên Tam quan, phía trái treo một chuông thời Tây Sơn, phía phải treo một khánh, ở giữa là một tượng Tam Châu xoay mặt vào chùa. Sau Tam quan là vườn cây, phía trái cổng chùa là nhà khách và nhà Tổ, mỗi nhà rộng 5 gian. Đây là phòng hội họp của tín đồ; đi vào chùa, ta thấy ở phía bên phải bàn thờ Mẫu và Quan Âm; ở phía trái, là bàn thờ các vị ân nhân và một bia đá tóm ghi lại lịch sử xây dựng chùa. Chùa chính song song với Tiền đường, bốn mái; tiếp theo là Thượng điện hay Tam bảo, nơi đặt tập trung rất nhiều tượng thờ.
Chùa Mía còn bảo tồn một số tượng và đồ thờ khá lớn: Hiện có 287 pho tượng chưa kể những tượng đã mất hay chưa kiểm kê. Riêng chùa chính có: 08 tượng Kim Cương đặt sát tường, 07 tượng Thích Ca sơ sinh, 06 tượng Quan Âm và Quan Âm toạ sơn, 01 tượng Quan Âm tống tử, 06 tượng Quan Âm chuẩn đề, 12 tượng Minh Vương, 05 tượng Di Lặc, 09 tượng Tam Thế, 07 tương Phạm Thiên đế thích, 02 tượng Thiện ác và 04 tượng Bồ Tát.
Phần sau của điện dành cho các tượng Đức Ông, Thánh Hiền, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng; còn tượng Pháp Vân, Pháp Lôi thì đặt ở hành lang (từ ngoài đi vào).
18 tượng La Hán ở hai hành lang nối nhà chính và chùa Trong. Chùa này được bố trí nhiều động miêu tả hành trình tu chính của Đức Phật Thích Ca và Quan Âm như động Tây Vực sơn, động Nam Hải.
Ngoài ra, còn có những tượng không liên quan tới Phật giáo như tượng, các Thánh Mẫu... Các hiện vật khác cũng đáng lưu ý như lư hương, bát nhang bằng đồng, bình hoa...
Qua những dòng chữ ghi trên Thượng lương, đầu cột, xà ngang, bài vị, chúng ta biết thêm về sự liên quan giữa chùa Mía và chùa Sùng Ngiêm, Vĩnh Phú, về sự đóng góp của nhân dân địa phương, của những hộ đồng tập thiện ở các tỉnh khác như Phúc Yên, Hà Nội, Hải phòng... đến tận Thanh Hoá, Bình Định...
Chùa Mía vừa đóng vai trò tôn giáo, vừa bảo tồn những hiện vật nghệ thuật dân gian. Nhiều tượng và đồ thờ của gia đình, cá nhân được cúng cho chùa; những tượng và đồ thờ các Am, Miếu, Đền, đều đã bị tàn phá, đổ nát cũng được đem vào chùa, như trường hợp đình Đông Sàng bị cháy, ngai thờ, bài vị, long khám, bát bửu được gửi vào chùa. Do đó, sự xếp đặt vị trí những tượng ở chùa Mía không theo một qui luật định sẵn như Phật giáo chính thống từng quan niệm.
vui đình, nữ vui chùa, nhận xét đó phù hợp với thực tế. Chính phụ nữ đã đem Liễu Hạnh vào thờ trong một số chùa ở miền Bắc. Hiện tượng này minh chứng cho sự khoan dung hoà hợp của Phật giáo, không bài xích những tôn giáo tín ngưỡng khác. Chùa Mía thờ Mẫu, thờ Quan thánh tức là đi theo khuynh hướng chung của nhiều chùa ở miền Bắc: Tiền Phật, hậu thánh và ngược lại. Có lẽ thờ Mẫu đã được đưa vào chùa dưới triều Nguyễn, thế kỷ XIX (Xem Hồ sơ di tích chùa Mía).
Nếu chùa Mía có kiến trúc qui mô thì những chùa khác ở Đường Lâm là những ngôi chùa nhỏ bé, không xưa lắm và ít có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Chùa Ón rất nhỏ, được xây giữa đồng. Ngày xưa, hội chùa Ón thường thi vật, thi thả diều vào ngày 3/3 âm lịch. Thi vật cũng được tổ chức ở đền thờ Phùng Hưng, đền thờ Ngô Quyền ở Cam Lâm và ở một vài nơi khác trong vùng. Hội vật chùa Ón có ảnh hưởng lớn trong vùng, thu hút được nhiều đô vật về đây thi tài.
V.2.3. Đền phủ .
Đền phủ ở Đông Sàng thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Liệu, cung phi của chúa Trịnh Tráng. Theo Kiều Oánh Mậu, công đức của bà thật lớn: Góp công tu sửa đình Mông Phụ, đền Và, đền Nam, đền Bắc, chùa Mía, chùa Viễn Sơn, chợ Tam bảo, mở bến Hà Tân, đào rạch thông với sông Hồng.
Đền phủ hiện nay còn hai cửa Tam quan, nhà Tiền bái và Thượng điện. Cửa ngoài gồm ba khối độc lập được trang trí hình lân, long chầu nguyệt ghép bằng mảnh sành mầu da trời; sau cửa là vườn cây; cửa trong gồm bốn trụ cao, đầu trụ hình lồng đèn đội rồng cuộn mây. Một sân nhỏ dẫn đến nhà Tiền bái có kiến trúc trang nhã, các hình đầu rồng, mây, lá khắc nổi và tường sơn vẽ hình rồng mây... có mầu sắc rực rỡ. Thượng điện có bàn thờ bà chúa Mía và nhiều đồ thờ cổ: Ngai thờ, bàn, lư hương, chân đèn, bát bửu...
Nổi tiếng linh thiêng, đền phủ ở Đông Sàng được sự kính tín của nhân dân địa phương và vùng lân cận. Đền còn thờ bố mẹ, ông bà của bà chúa Mía. Mồng 1 tháng Giêng âm lịch là lễ Bà, 12/3 lễ thân mẫu, 1/8 lễ ông nội, 14/12 lễ bà nội, 18/12 lễ thân phụ.
V.2.4. Đền thờ và lăng Ngô Quyền .
Toạ lạc ở thôn Cam Lâm, nơi thờ tự được xây bằng gạch lợp ngói mũi hài, quay mặt về hướng đông, có tường bao quanh. Cổng vào kiểu Tam quan, hai bên có Tả hữu mạc, mỗi dãy gồm năm gian nhỏ. Đại bái được khởi công năm 1857, gian giữa có treo hoành phi mang chữ:"Tiền Vương Bất Vong " chạm khắc năm 1907. Ngày nay Đại bái được dùng làm nhà triển lãm chiến thắng Bạch Đằng. Hậu cung kiến trúc kiểu chữ Đinh, được tu tạo vào năm 1877(Xem Hồ sơ di tích Đền thờ Ngô Quyền).
Lăng Ngô Quyền được xây dựng vào đời Thành Thái. Trước nhà thờ, tương truyền mộ Ngô Quyền được đặt ở đây, xung quanh lăng có tường bao, cổng lăng có hai trụ lớn. Nhà bia có mái che, cao 1,50m; bia đá được dựng thời Tự Đức có ghi:"Tiền Ngô Vương Lăng" (Xem Hồ sơ di tích Lăng Ngô Quyền).
Trước năm 1945, đền thờ có hai mẫu ruộng, do ba xóm của làng Cam Lâm (Đông, Tây, Nam) thay phiên nhau mấy năm cấy để sửa soạn lễ tế, gồm một con lợn nặng 50 kg, 30 đấu gạo nếp để thổi xôi, trầu, cau, rượu, hương... Trong hai ngày lễ lớn làng cử một thủ từ và tám tuần phiên để canh gác nhà thờ. Hiện nay, lăng chỉ còn hai sào ruộng để phụng sự hương đăng, cúng tế. Quốc tế lễ xưa kia cử hành vào ngày 14.15/8 âm lịch.
V.2.5. Đền thờ Phùng Hưng .
Xây theo kiểu chữ "nhị", hướng Nam, được trùng tu vào thời Thành Thái (1889 - 1907), nhà thờ nằm trên đồi, phải leo sáu cấp thang mới đến sân. Sân có tường vây quanh; hai bên cửa vào có Tả hữu mạc, mỗi dãy gồm năm gian nhỏ. Nhà đại bái nằm trước, trong có ghi bức hoành phi niêu hiệu Tự Đức. Giữa sân hẹp có đặt cột cờ. Trong Hậu cung có bài vị Bố Cái đại Vương và bức hoành phi "Đông Cung Điện" và hai câu đối. Lễ hội cử hành vào ngày 8/1 âm lịch. Trước đây trong đồ tế lễ phải có một con lợn sống 100 kg và một con gà sống 2 kg. Ngày hội có đấu vật. Xung quanh nhà thờ có trồng nhiều cây Tép (hay Chò Nâu, Dipterocarpus, Chev), lá dùng để gói lộc mang về cho con cháu (Xem Hồ sơ di tích Đền thờ Phùng Hưng).
Chợ là nơi hội họp, buôn bán của một cộng đồng dân cư, làng xã. Làng cổ ở Đường Lâm có chợ Mía nổi tiếng trong vùng. Chợ được họp ngay trước cửa Tam quan của chùa Mía. Xưa kia, chợ này người buôn kẻ bán tấp nập với những sản phẩm phong phú đa dạng của địa phương.
Trong tiềm thức của người dân nơi đây, hình ảnh của ngôi chợ này là linh hồn của cuộc sống vui nhộn, ấm no của mọi người. Chợ thường họp vào các phiên. Đến những phiên chính thì những cư dân trong vùng lại mang những sản vật của địa phương tới bán.
Ngoài ra, những khách hành hương về lễ Phật tại chùa Mía cũng có dịp thưởng thức những món quà dân dã như bánh Tẻ, kẹo Bột... tại đây. Chính vì thế, ngôi chợ này đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Ngày nay, chợ Mía đã được qui hoạch rộng rãi, khang trang.
V.2.7. Đường xá và bờ vùng bờ thửa .
Không gian canh tác của Mông Phụ có nhiều con đường xuyên qua. Con đường nối liền Đông Sàng với quốc lộ 11A và đi ngang trước đình Mông Phụ (đã được bê tông hoá vào năm 1995), còn con đường nối Mông Phụ với Phụ Khang thì vẫn bằng đất. Không gian canh tác còn được chia thành hàng nghìn ô, với nhiều hình dáng bởi các bờ vùng bờ thửa phần lớn được đắp trong thời kỳ tập thể. Trước đây các bờ vùng tương đối rộng nên hai chiếc xe bò có thể tránh nhau dễ dàng. Nhưng từ khi được giao đất, các hộ nông dân thường xắn bớt mỗi mùa một ít để nới rộng thêm đôi chút phần ruộng của họ nên chúng ngày càng hẹp lại, gây trở ngại cho việc vận tải, đặc biệt vào mùa gặt khi chở lúa về nhà bằng xe thô sơ.
V.3. Cơ cấu tổ chức hành chính và đời sống văn hoá cộng đồng
V.3.1. Cơ cấu tổ chức hành chính .
Trong số tám làng thuộc xã Đường Lâm hiện nay, có bốn làng được xem là rất xưa mặc dù chưa xác định được năm thành lập: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm, Cam Thịnh. Do vị trí địa lý, do sự cổ kính hoặc do uy tín nên ba làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng trở thành hạt nhân trung tâm của tổng Cam giá thịnh trước đây.
Tổng Cam giá thịnh do một viên Chánh tổng đứng đầu, có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người dân trong tổng, thi hành các Trát của quan trên, phân bổ và thu thuế má để nộp lên cấp trên và giữ gìn trật tự an ninh trong tổng. Thông thường, Chánh tổng có sự phụ tá của một phó tổng, và trong các Tổng đông dân, của một Bang biện hay Sung biện phó tổng - là một người quan trọng nhờ tài sản và thế lực.
Dưới tổng là các xã. Đứng đầu các xã là Lý trưởng, có quyền hạn và chức năng cai quản và điều hành mọi hoạt động, sinh hoạt trong xã. Dưới Lý trưởng có phó lý và hội đồng hương chính. Hội đồng hương chính bao gồm các chức sắc kỳ mục, quan viên, hộ lại ... Những thành phần này chịu sự điều hành trực tiếp của Lý trưởng.
Vào khoảng đầu nhà Nguyễn, tổng Cam Giá Thịnh có sáu xã gồm Cam Giá Thịnh, Cam Tuyền, Đông Sàng, Mông Phụ, Phú Nhi và Yên Mỹ; một giáp là Đoài Thượng; một phố Tân hội. Theo Ngô Vi Liễn thì vào năm 1927 tổng Cam Giá Thịnh gồm bảy xã: Cam Giá Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, Đông Sàng, Mông Phụ, Phú Nhi và Yên Thịnh. Trong các xã này, Mông Phụ là nơi có dân số đông hơn cả. Như vậy, trong hơn một thế kỷ, tổng Cam Giá Thịnh đã có những biến đổi lớn: Phố Tân Hội biến mất, Yên Mỹ tách khỏi tổng Cam Giá Thịnh nhập vào tổng Cam Giá Thượng, xã Yên Thịnh được thành lập. Từ đây, Mông Phụ trở thành Trung tâm kinh tế văn hoá, chính trị của tổng Cam Giá Thịnh. Việc di dời trụ sở của tổng về đóng tại Mông Phụ là một bằng chứng cho vấn đề này.
Sau nhiều thế kỷ tồn tại tương đối ổn định, tổng Cam Giá Thịnh đã tạo cho mình một bản sắc riêng biệt vì người dân nơi đây ý thức được quá khứ huy hoàng của mình bởi đây là quê hương của hai vị anh hùng dân tộc - "Một ấp hai vua" và nhiều nhân vật nổi tiếng. Ngoài ra, đây là nơi có mạng lưới giao tế rất dầy được tạo ra chung quanh đình tổng, chùa Mía, đền phủ và chợ Mía.
Có thể nói rằng, cơ cấu tổ chức hành chính ở làng cổ Đường Lâm xưa kia có nhiều nét riêng biệt như ngôi thứ, các tổ chức bên trong của làng... Trong đó, hạt nhân của các tổ chức này dựa trên sự cố kết cộng đồng giữa các dòng họ, tạo nên hình ảnh điển mô của một làng Việt cổ truyền ở vùng Trung du Bắc bộ.
V.3.2. Đời sống văn hoá cộng đồng .
Bên cạnh những giá trị vật chất, làng cổ còn là nơi hội tụ văn hoá tinh thần, văn hoá ẩm thực phong phú với nhiều sản vật dân gian cùng lối sống, nếp sống của cộng đồng dân cư khu vực đã tạo nên phần hồn cho làng cổ ở Đường Lâm. Đó chính là giá trị phi vật thể của di tích đáng được trân trọng giữ gìn.
Trong tâm thức của người dân xứ Đoài, mọi người vẫn còn nhớ những câu ca dao gợi lại kýý ức xưa.
- Kẻ Mía kéo mật hộn đường
- Dưa hấu, dưa gang là làng Mông Phụ.
- Chẳng đi nhớ cháo dốc Ghề
Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên.
Về ẩm thực, xưa kia Đường Lâm cơm gạo cũng khan hiếm như các xã quanh vùng nhưng cũng có những đặc sản như mía, mật, tương, gà Mía... V.3.2.1. Ăn uống thường ngày
Sắn tươi luộc: Tách bỏ vỏ sành, chặt từng khúc luộc chín
Sắn tươi dỡ về phơi khô: Cạo vỏ, thái mỏng thành lát, phơi khô, nấu độn với gạo.
Khoai lang: Luộc tươi hoặc thái mỏng, phơi như sắn khô. Bảo quản và nấu với gạo để độn nồi cơm.
Gạo đặc sản có gạo Rí. Giống lúa Rí ngày nay không còn, đây là loại lúa chịu hạn, cấy ở đồng cao. Lúa chín sớm vào cuối tháng 8 âm lịch, mùa chim ngói về. Gạo Rí trắng trong, nấu cơm rất rẻo và thơm nhưng năng suất thấp, thường chỉ hai thúng thóc (40 kg) trên một sào.
Cánh đồng chiêm ở Đường Lâm, xưa thường cấy lúa có tên là lúa Sọc, lúa Sòi. Loại lúa này hợp với vùng đất bán sơn địa nơi đây. Gạo mầu đỏ ăn cứng và hơi khô cơm.
Thức ăn thường xưa kia thường dùng bao gồm:
Rau: Rau muống, quả bầu, bí ...
Dưa: Dưa cà, dưa cải - cải củ và cải hoa vàng. Cà làm sảo ăn ngay và làm dưa nén cả quả.
Đặc biệt có cà dầm tương. Cách làm như sau:
Cà trắng to vừa phải, không non quá hoặc quá già. Rửa sạch phơi qua cho ráo nước, ướp muối cho vào vại nén cho chua. Khi đã chua, lấy ra ép nước ( để trên gỗ hoặc cánh cửa, đè gỗ nén đá ong lên) rồi thả vào chum tương. Cà dầm tương có thể để 3 - 4 tháng. Thường tháng 8 tháng 9 mùa gió heo may về, với cà ra, dùng dao thái từng miếng. Mầu trong lòng quả cà "Đỏ au như hổ phách ", cơm chan với nước luộc rau, ăn với cà dầm tương là thức ăn phổ biến của nhà nông.
Các thức ăn ngâm tương còn có:
Dưa hấu non( tận thu cuối mùa) làm dưa muối cả quả như muối cà, khi chua ăn không hết cũng ngâm vào chum tương.
Củ cải ngâm tương: Củ cải rửa sạch, chẻ làm bốn (bổ dọc), phơi khô, ngâm vào tương.
Thịt lợn luộc, để cả miếng, luộc kỹ, để nguội ngâm vào tương ăn dần.
Các loại thực phẩm trên, khi ngâm vào chum tương, vị ngọt đậm đà của tương ngấm hết vào thực phẩm. Chum tương ấy "hết chất" không thể dùng được, kể cả kho nấu.
Xưa kia vùng này còn trồng nhiều Kiệu. Lá Kiệu non còn dùng để nấu canh cua. Củ Kiệu làm dưa. Kiệu trồng vào tháng 3, thu hoạch tháng 6. Làm dưa có thể ăn dần đến cuối tháng 10.
Do vị trí các làng đều ở khá gần sông Tích nên xưa kia nguồn cá sông, cá đồng rất phong phú. Công cụ đánh bắt của người dân Đường Lâm thường có: Chũm (loại lưới có bốn gọng, buộc vào sào kéo lên bằng tay), đánh xiếc, úp nơm, đánh dập sào, đơm đó, chắn đơm các cửa rộc đổ ra sông, ra mương...
"Cơm cày cá kiếm ", nguồn thực phẩm từ tôm cá là thức ăn phổ biến hàng ngày. Tôm có thể dùng để rang muối, ướp muối làm mắm tôm ăn dần, làm nước chấm. Cá to như chép, mè... luộc rán. Có loại cá quí như cá trình (vùng này gọi là trạch trấu) có thể om nấu chuối giả ba ba, nướng hoặc dim nước mắm, kho tương, loại cá này thịt dẻo, có thớ như thịt gà, không có mùi tanh.
Các loại cá đồng như rô, diếc, chạch và các loại tép khi đánh bắt được nhiều, xưa kia người dân còn kho nấu chín rồi phơi khô để ăn dần trong mùa mưa.
Ngoài nguồn thuỷ sản, người dân Đường Lâm xưa còn săn bắt các loài chim để ăn thịt. Chim chóc xưa kia rất nhiều ở các làng đồi. Chim ngói đồ xôi, thịt cò sáo măng, cò thuôn rau dăm...
V.3.2.2. Những ngày giỗ tết, đám thứ .
Tết Nguyên đán: Ngoài những món ăn cổ truyền ra, ở Đường Lâm còn có đặc sản gà Mía. Gà nuôi để tế Thành hoàng làng và sử dụng trong ngày giỗ tết và biếu xén. Gà Mía khi luộc chín có mầu trắng, mỡ vàng ăn giòn và không nát, thịt chắc, vị ngọt đậm.
Thịt lợn, thông thường thường luộc. Các ngày đám giỗ chạp thường làm cỗ rau dấm(cỗ dấm gém): Thịt lơn luộc, xương luộc hoặc om, nem (thịt lợn chần qua thái ướp thính), thịt gà, vịt ... rau thường dùng cây chuối hột thái mỏng, ngâm rửa và ăn sống .
V.3.2.4. Cơm phố Mía, tương, kẹo bột
Câu ca dao "Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên" là nhớ về ký ức ẩm thực ở đây. Theo các cụ già kể lại, xưa phố Mía có hai dãy hàng cơm.Thực khách là các dịch tá, phu trạm và những người buôn bán ngược xuôi"Với những lời giới thiệu hay mời chào khéo léo và ngọt ngào của các bà, các cô bán hàng sẽ phải nhớ đời vì các hương vị ngon, tinh khiết mang sắc thái riêng biệt của vùng quê đất Mía".
Chè Đông Viên thì được nấu bằng đậu đen bung rừ, mật mía Re Đường Lâm và bột lọc từ bột củ đao hoàng tinh. Chè nấu đặc, cắt ra đông đặc như miếng thạch.
Người làng Cam Lâm thường uống nước chè xanh,"Nước giếng Nghè, chè Cam Lâm ". Giếng Nghè ở gần khu lăng Ngô Quyền. Các làng khác như Phụ Khang, Mông Phụ... thường uống nước nụ vối, lá vối tự trồng trong vườn nhà.
Trong các thứ nước chấm ở Đường Lâm, tương là một thứ nước chấm được người Đường Lâm ưa dùng trong bữa ăn. Tương dùng để chấm rau muống luộc, tương gừng chấm thịt trâu, bò, kho cá và để ngâm một số thức ăn để dành.
Ngoài ra, ở Đường Lâm còn có đặc sản kẹo bột. Kẹo được làm bằng mật mía Đường Lâm, được các nghệ nhân làng Đông Sàng nấu mật bằng kĩ thuật gia truyền, quật và cắt, rắc bột gạo nếp hoa vàng thơm phức, phủ mỏng bên ngoài chiếc kẹo. Kẹo bột Đông Sàng ăn giòn, thơm, có thể để được vài ba tháng trong hũ kín.
V.3.3. Lễ hội và nghi lễ truyền thống
Hội là một phạm trù của lễ do lễ sinh ra. Nói đến lễ hội, người ta bao giờ cũng liên tưởng tới sự linh thiêng, tín ngưỡng và các trò chơi nhuốm màu dân gian.
Lễ hội dân gian cổ truyền của làng cổ Đường Lâm trước Cách mạng tháng 8/1945 - nhất là từ thế kỷ XIX trở về trước không những có một quá trình lịch sử lâu dài mà còn phát triển mạnh mẽ và giữ vai trò của loại hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng quan trọng trong khu vực. Hạt nhân của lễ hội làng cổ ở Đường Lâm là nghi thức lễ tiết nông nghiệp.
V.3.3.1. Lễ hội truyền thống
Hội làng và những sinh hoạt cộng đồng trong những ngày làng vào đám ở Đường Lâm bên cạnh những nét chung của hội hè vùng Bắc Bộ còn có những nét riêng, nét riêng này phản ánh lịch sử, tập quán, tục lệ, các quy tắc tổ chức, tập hợp và liên kết cộng đồng ở Đường Lâm, liên quan đến sự tích nhân vật được tôn thờ. Ngay giữa các thôn làng trong xã ít nhiều lại cũng có sự khác biệt, từ việc chuẩn bị, cắt đặt người cày ruộng, nuôi lợn thờ, việc chia mâm để hưởng phần "nhang ẩm" tại đình chung...
Công việc chuẩn bị cho ngày lễ hội trong làng cổ ở Đường Lâm thường được giao về cho các giáp, trực tiếp từng năm là giáp đương cai. ở Mông Phụ, để chuẩn bị cho ngày làng vào tiệc năm sau, giáp "đương cai" năm đó phải nuôi "anh ỉ" - tức lợn thờ từ năm trước. Số lợn thờ mà một giáp đương cai phải nuôi là 3 con, được chia thành 3 hạng: loại 1, loại 2, loại 3, tuỳ thuộc vào số cân và hình thức, loại 1: khoảng 160 kg/con; loại 2: 120 kg/con; loại 3: 100kg/con.
Lợn thờ bắt đầu được nuôi từ khoảng tháng 8 âm lịch năm trước, đặc biệt giống lợn phải là con lợn đen tuyền.
Người nuôi lợn thờ là người trong giáp "đương cai" và do giáp chỉ định. Người này sẽ được nhận ruộng lợn - đó là phần ruộng dành riêng để cày cấy lấy hoa lợi bù vào chi phí nuôi lợn (lợn loại 1 được 1 mẫu 5 sào; loại 2: 1 mẫu 2 sào; loại 3: 8 sào) và cũng theo nguyên tắc "thừa giả, thiếu dân bù do".
Lợn thờ phải nuôi ở chỗ sạch sẽ, nếu trong nhà có nuôi lợn thường của gia đình thì phải làm chuồng riêng cho "anh ỷ", con lợn thờ này có thể được chăn thả ngay trong sân, được cho ăn ngô, gạo, cám gạo. Nếu lợn ốm phải sửa lễ lên đình vì quan niệm cho rằng người nuôi để xẩy ra sơ xuất nên thành hoàng quở. Trong trường hợp lợn không đảm bảo số cân theo yêu cầu thì con lợn đó có thể bị đổi thành loại thấp hơn, đã từng có trường hợp con lợn thiếu hai cân, từ loại 1 bị đổi thành loại 2. Với trường hợp lợn nuôi đến gần ngày việc làng không may lại bị bệnh hoặc bị chết, không còn cách nào khác, người nuôi lợn phải tìm mua bằng được con lợn tương tự để thay thế. Những trường hợp không đạt như trên tuy không bị phạt nặng nhưng người trực tiếp nuôi lợn và giáp đương cai năm đó sẽ tự cảm thấy xấu hổ, “mất mặt” với làng, với các giáp khác, có lỗi với thành hoàng.
Ngày cúng thành hoàng, 3 "anh ỷ" chỉ được chọc tiết, làm sạch lông và nội tạng rồi cứ thế đặt lên giá tế lợn sống. Theo tục lệ, ngày 8 tháng giêng tế “tỉnh sinh”, lợn sẽ được "vớn" vào cũi và 1 cũi 1 lợn do 8 người khiêng ra sân đình để chấm lợn, con lợn loại 3 (bé nhất) được dùng để cúng tại ban thờ tiên tổ 16 họ bên nhà tảo mạc. Sau khi tế, thịt con lợn này dùng để giã giò và làm nhân bánh. Hai con còn lại dùng cho hai ngày 9 và 10/1, thịt được luộc để chia các mâm ăn ngay tại đình và chia cho các đinh trong làng, gọi là "chia phần nhang ẩm".
Nhiều quy định mang tính tập tục còn được cụ thể hoá thành văn bản. Chẳng hạn, ở Mông Phụ, hàng năm khi làng vào đám, theo nội dung điều khoản lập ngày 26 tháng 1 năm Tự Đức 13 (1859) trong Mông Phụ xã tục lệ quy định về các món cỗ và việc chia cỗ ngày chính tế 10 tháng 1 ở đình như sau: lệ này có từ xưa, nay tiếp tục duy trì: trong ngày chính tế 10/1 hàng năm, số lượng và các món trong mâm cỗ được sắp đặt và phân chia:
Cỗ soạn đầy đủ và chu tất là 11 mâm. Mỗi mâm bày:
Bánh tròn lớn: 10 kiện
- Giò: 20 miếng
- Chả: 24 miếng
- Tim, gan: 2 đĩa
- Cơm: 1 đấu gạo
- Cá rán: 1 con
- Trầu cau: 1 phong
Trong đó: trước khoa tràng 1 mâm, nay thêm bánh lớn nhỏ: 6 kiện, vai lợn 3 kiện, chân giò: 3 kiện, thận: 3 đôi, cau 1 buồng.
Hương lão 3 bên đặt 2 mâm, nay thêm: bánh lớn nhỏ: 12 kiện, thịt lớn trước bày 1 phiến nay bày phiến rưỡi, cau: 1 buồng, bình quân mỗi người được 1 quả.
Tư văn đặt 2 mâm, nay thêm bánh tròn 12 kiện, thịt lợn 1 phiến đầy đủ, cau: mỗi quan viên trong Tư văn 1 quả. Lợn 1 con chia cả xương và chân giò biếu quan viên đương chức: một nửa lợn, Tư văn 1 nửa lợn.
Tứ khu xếp 2 mâm, nay thêm bánh 6 kiện, thịt 1 phiến, lấy 6 kiện xương sườn làm chuẩn, cau 1 buồng khoảng 100 quảt trở lên. Gà 1 mỏ (tức nguyên 1 con), sôi 1 mâm, rượu 1 vò, trầu cau 1 phong.
Hương vãi 1 mâm, nay thêm bánh 6 kiện, thịt 1 phiến lấy 3 kiên xương sườn làm chuẩn, cau 1 buồng.
Hội Bổn binh: Bánh tròn lớn 2 kiện, giò 5 miếng, cau 14 quả, 1 đĩa tim gan lợn.
Lễ biếu tế chủ: bánh tròn lớn 2 kiện, giò 4 miếng, 1 đĩa tim gan.
Lễ biếu chánh cai: bánh to 5 kiện, giò 10 miếng, 1 đĩa tim gan, chả 10 miếng, chân giò lợn 1 kiện.
Phần cỗ bàn còn lại (sỏ lợn, chân giò, tim gan lòng lợn 2 bộ, cau 1000 quả) đem chia thành các mâm, mỗi mâm bày 4 bát cơm (bằng 1 đấu gạo) mời tất cả quan viên bản xã quang, cớ đều ngồi ăn tại đình, riêng về rượu giáp đương cai đặt 3 mâm 1 vò, không được quá số lượng quy định.
Về 3 người nuôi lợn thờ sẽ được ba kiện bánh nhỏ, ba phiến thịt.
Điều khoản lập ngày 26 tháng 1 năm Tự Đức 13 (1859) lại quy định cụ thể hơn về việc gói bánh và chia phần lợn thờ: theo đó thì lệ này có từ trước, nay tiếp tục duy trì: trong các ngày tế lễ, việc gói bánh được sắp đặt và phân chia như sau:
- Hàng năm gói bánh to, tròn là 140 kiện, mỗi kiện 1 đấu gạo nếp. Loại nhỏ 200 kiện, mỗi kiện nửa đấu gạo nếp.
- Ba con lợn thờ: “lợn anh” số 1 (con được chấm hạng nhất) được dùng vào ngày chính tế 10/1. “Lợn anh” thứ 3: thịt lọc hết xương để làm nhân bánh. “Lợn anh” thứ hai được dùng để tế lễ tiên tổ 16 giáp. Việc này được giao cho Tư văn đứng ra tổ chức tế lễ, sau khi tế lễ tiên tổ xong, thịt lơn giao giáp “đương cai” thái, bày đều mâm của 16 giáp, xương lợn cũng giao cho giáp cai chia đều.
V.3.3.2. Phong tục và các sinh hoạt tín ngưỡng trong gia đình và dòng họ
Uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên là một đặc điểm nổi bật, thể hiện đạo lý, tình cảm của người Việt. Trong mỗi gia đình người dân tại làng cổ ở Đường Lâm, vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà là nơi đặt bàn thờ thờ cúng tổ tiên ông bà. Điều khá đặc biệt là cho đến tận hiện nay, khá nhiều gia đình ở Đường Lâm ngoài ban thờ gia tiên còn có riêng một bàn thờ (nhiều nhà còn gọi hẳn là điện) thờ mẫu theo tín ngưỡng Tam phủ và thờ Đức Thánh Trần - tức Trần Hưng Đạo và bàn thờ thổ công ở gian cạnh nhưng lại đặt cao hơn cả bàn thờ tổ tiên bên gian chính. Kết quả điều tra tháng 12 năm 2005 vừa qua cho thấy những ngôi điện thờ này tuyệt đại đa số đã tồn tại trong các gia đình đều từ 3 đến 4 đời trở lên, nhiều người nhà có điện thờ thường làm cả công việc của một thầy cúng, xem ngày giờ. Tại những điện thờ nhỏ này, từ trước đây người ta đã tổ chức các hình thức như bán khoán trẻ khó nuôi, đội bát nhang, hầu đồng...
Trong gia đình thì có bàn thờ ông bà tổ tiên, dòng họ lại có bàn thờ tổ chung của cả họ tộc (đặt tại nhà tộc trưởng, chi trưởng) hoặc xây dựng riêng thành nhà thờ họ. Cơ sở kinh tế cho các hoạt động thờ tự của dòng họ trước đây chính là quỹ ruộng họ. Họ Giang ở Mông Phụ trước có gần 3 mẫu ruộng họ, số ruộng này chia ra làm hai loại, giao cho hai người cày cấy. Một người gọi là "đương cai nếp", trồng lúa nếp để đồ xôi và nuôi gà; một "đương cai tẻ" trồng lúa tẻ để nuôi 3 con lợn thịt dùng để sửa lễ trong các dịp tế xuân, chạp tổ và giỗ Thám hoa Giang Văn Minh. Theo quy định người làm đương cai nếp thì 1 năm, đương cai tẻ 2 năm.
Thường ở những họ lớn, nhất là có người khoa bảng, có học vấn, từng làm quan, giữ một vài chức vị trong bộ máy hành chính nhà nước thì việc họ được quan tâm nhiều, nhà thờ họ được xây dựng, tu sửa khang trang hơn như trường hợp họ Phan, họ Giang và họ Đỗ làng Mông Phụ.
Về gia phả, trước đây, đa số các dòng họ ở Đường lâm đều tổ chức biên soạn gia phả, tuy nhiên hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, gia phả của nhiều dòng họ đã bị thất lạc. Nhưng cũng còn có nhiều họ còn bảo quản và giữ gìn rất tốt gia phả của dòng họ: họ Giang, họ Hà, họ Đỗ ở Mông Phụ là một ví dụ.
Việc cúng giỗ của dòng họ cũng được quy định theo thứ bậc các đời, chẳng hạn như họ Giang ở Mông Phụ: tổ từ đời thứ 6 trở lên được cúng trên nhà thờ. Từ đời thứ 7 trở đi được con cháu cúng trong nhà. Sinh hoạt dòng họ tập trung trong hai ngày "chạp tổ" và giỗ Giang Văn Minh. Ngày chạp tổ (của họ Giang là 20 tháng chạp, các đinh trong họ từ già đến trẻ đi thăm, và sửa sang mộ tổ (ở giáp với đền Và - thị xã Sơn Tây). Sau đó về nhà thờ họ làm lễ và ăn cỗ. Ngày giỗ Giang Văn Minh, các đinh trong họ đều được dự. Người nào đi vắng sẽ được gửi phần. Ngoài ra, những tiệc nhỏ thì đương cai nếp (đã nhắc đến ở phần trên) sẽ là người sửa lễ (chủ yếu là lễ xôi gà).
V.4. Kiến trúc truyền thống
V.4.1. Niên đại
V.4.1.1. Nhà xây trên 200 năm
Đây là loại nhà cổ nhất. Những ngôi nhà loại này ở Đường Lâm còn một vài nhà. Ví như nhà của ông Hà Văn Lâm ở xóm Sui, thôn Mông Phụ là một ngôi nhà điển hình.
Mặc dù chưa rõ năm xây dựng nhưng theo gia đình cho biết thì đã ở được đến đời thứ 12. Nếu mỗi đời là 18 năm thì tính đén nay là 216 năm. Trên phương diện Kiến trúc - điêu khắc, ngôi nhà hiện nay cũng là một sản phẩm của nghệ thuật kiến trúc đầu thế kỷ XIX. Khuôn viên toàn bộ ngôi nhà và vườn khoảng 356 mét vuông. Nhà kết cấu theo kiểu năm gian hai dĩ, năm hàng chân cột. Ngôi nhà có diện tích 17 x 7,8m. Nhà dựng theo kiểu"Quá giang vượt tường". Gian giữa là nơi thờ tự và tiếp khách. Đây là gian rộng nhất trong ngôi nhà. Bàn thờ và bàn tiếp khách đều làm theo kiểu cổ. Mái được lợp bằng ngói ta, nền nát gạch nung, tường đá ong, rui, mè đều bằng gỗ. Bức đố lụa ngăn gian bên với gian buồng cũng bằng gỗ trang trí gờ nổi dọc. Nhà chính phân biệt với hiên bằng ngưỡng cửa gỗ cao khoảng 40 cm. Ngoài hiên có tám hàng cột chạy ngang từ đầu đến cuối nhà. Cột nhà và hiên được kê trên một chân kê bằng đá tròn. Cột hiên có chiều cao khoảng 1,7 m. Đây là một trong những nhà trần thấp nhất trong những nhà gỗ cổ ở Mông Phụ.
Các nhà loại này còn tương đối nguyên vẹn như thời khởi dựng. Mặc dù độ tuổi gỗ do lâu năm nên đã và đang xuống cấp (Xem phụ lục 03).
V4.1.2. Nhà xây trên 100 và dưới 200 năm
Số lượng và chủng loại của những ngôi nhà này còn lại khá nhiều tại làng cổ ở Đường Lâm. Nhìn chung, kết cấu kiến trúc của dạng nhà này rất phong phú và đa dạng. Từ 1 đến 2, 3, 4, 5 hàng chân, ba gian hai rĩ, dựng theo kiểu "Quá giang vượt tường", "Nội tự ngoại khách", cửa đóng cột cái; gian chính là gian giữa, gian giữa để bàn thờ. Nhà lợp ngói mũi, tường xây bằng đá ong, rui, hoành hoàn toàn bằng gỗ. Cột nhà đều được kê trên hòn đá kê tròn. Bức đố lụa ngăn gian bên với buồng cũng bằng gỗ. Có nhà trang trí hoa văn, có nhà chỉ để gờ nổi (Xem phụ lục 03 và phụ lục 04).
Những ngôi nhà này còn giữ được khá nguyên vẹn kiểu thức ban đầu. Cánh cổng làm bằng gỗ, có các núm gỗ có tác dụng liên kết các tấm ván của cánh cửa. Cổng các nhà này cũng được xây bằng đá ong, gạch và lợp ngói ri. V.4.2. Xác định niên đại
V.4.2.1. Kiến trúc tôn giáo
Cùng với sự hình thành và phát triển của làng cổ ở Đường Lâm là hệ thống di tích cũng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu tinh thần của đời sống xã hội. Việc xác định niên đại cho các di tích trên chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu văn bia hiện có tại di tích và những thư tịch cổ. Di tích có niên đại sớm nhất ở Đường Lâm là đình Cam Lâm, dựng nên để thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền năm Quang Thái 03 (1390). Sau đình Cam Lâm là đình giáp Đoài Thượng dựng năm Hồng Đức thứ 4 (1473). Còn chùa Mía là một di tích nổi tiếng được dựng năm Đức Long thứ 4 (1632) sau đó lại được trùng tu tôn tạo vào năm Cảnh Hưng thứ 11(1750).
Trong quá trình tồn tại do các yếu tố ngoại cảnh nên các di tích đã được tu sửa. Quá trình tu sửa của các di tích trên cũng được ghi lại trên các tấm bia đá hiện tồn tại di tích. Việc hư hỏng các di tích trong khu vực này mang một nguyên nhân khá đặc biệt so với các kiến trúc đồng loại ở các khu vực khác, không những ở các làng mà ngay trong địa bàn do hoả hoạn và chiến tranh, ví như đình Tổng là một chứng tích điển hình.
Cho dù loại hình di tích nào, niên đại khởi dựng sớm hay muộn thì hầu như đều mở rộng về qui mô hay kiểu dáng. Trong những năm trở lại đây một số di tích được nhà nước và nhân dân quan tâm đầu tư tu sửa để bảo tồn và phát huy tác dụng của di tích (Xem các Hồ sơ di tích đã được xếp hạng ở Đường Lâm)
V.4.2.2. Kiến trúc dân dụng
Kiến trúc dân dụng là loại hình kiến trúc thuộc quyền sở hữu của người dân như nhà ở, nhà thờ họ. Về niên đại khởi dựng có thể chia ra làm ba loại như sau:
Loại nhà cổ trên 200 năm. Số lượng nhà loại này còn lại rất ít. Nó chủ yếu là nhà của quan lại, chức sắc hoặc những người có vị thế trong xã hội phong kiến xưa. Trong quá trình tồn tại, vì nguyên nhân này hay nguyên nhân khác mà các ngôi nhà này đã có sự thay đổi về chủ sở hữu của nó.
Loại nhà có niên đại trên 100 năm đến dưới 200 năm. Đây là loại nhà phổ biến hiện còn ở Đường Lâm tương đối nhiều. Tuy nhiên, những ngôi nhà này đã được trùng tu hoặc biến dạng cho phù hợp với điều kiện môi trường hiện nay.
Loại nhà mới. Đây là loại nhà thành thị mới nhập về nông thôn. Năm 1991, Đường Lâm mới chỉ có ba nhà mái bằng. Người ta ưa thích loại nhà này vì những lý do khách quan như dộ bền lâu dài, tránh mối mọt, mái nhà có thể dùng làm sân phơi thóc với điều kiện thuận lợi tối đa. Hiện nay nhà mái bằng đang thay thế nhà ngói để biểu hiện sự thành công giầu có theo cách đánh giá của người dân địa phương (Xem Phụ lục 03 và phụ lục 04).
V.4.3. Đặc trưng kiến trúc truyền thống
V.4.3.1. Tổ chức không gian
V.4.3.1.1. Các thành phần chủ yếu khuôn viên
Theo GS. TS. KTS. Nguyễn Bá Đang, nguyên Viện trưởng Viện kiến trúc - Bộ Xây dựng, người đã dày công nghiên cứu làng cổ ở Đường Lâm thì :
Khuôn viên nhà ở truyền thống của làng cổ trọng điểm Mông Phụ và các làng cổ phụ cận như Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm ở làng cổ Đường Lâm phụ thuộc rất nhiều vào qui mô khuôn viên. Điều đó quyết định các thành phần của khuôn viên, số lượng và quy mô của các thành phần đó. Các thành phần chủ yếu của nhà truyền thống gồm:
1. Cổng
2. Tường rào
3. Sân
4. Vườn
5. Bình phong
6. Nhà chính
7. Nhà phụ
8. Bếp
9. Chuồng chăn nuôi
10. Nơi Vệ sinh
11. Giếng nước
12. Ao
Trung tâm của khuôn viên là nhà chính và sân, các thành phần khác tuỳ theo kích thước và hình dáng khuôn viên mà được đặt trước, sau, hai bên của nhà chính và sân..
Cổng, tường rào: Hầu hết các nhà ở truyền thống đều có cổng có lối vào không trùng với chính giữa cửa chính của nhà chính. Các cổng có cùng thời với nhà còn tồn tại khá nhiều. Chúng được xây bằng gạch, cuốn vòm, đắp nhiều hoa văn trang trí, cánh cổng bằng gỗ (ghép kín) bên trong có then cài, một số cổng lợp mái ngói, trụ xây gạch cánh bằng gỗ. Các cổng quét vôi trắng hoặc vôi vàng.
Tường rào hầu hết là tường rào xây bằng đá ong hay gạch bổ trụ cao trên đầu người, một số ít nhà có khuôn viên rộng thì rào bằng cây bụi, tre. Lối đi vào nhà lát gạch hoặc đổ xỉ than, hai bên lối đi trồng cây ăn quả, cau.
Sân: Là nơi phơi phóng thóc lúa, rơm rạ, nơi tổ chức đình đám của gia đình là không gian chuyển tiếp từ ngoài nhà vào trong nhà. Sân thường lát gạch theo lối chữ công, một số bằng đất nện đầm kỹ, sân có chiều dài bằng hoặc lớn hơn chiều dài nhà chính, chiều rộng phụ thuộc vào khoảng cách từ nhà chính tới ao, hay nhà chính tới tường rào phía trước. Nhà giầu có thường có sân rộng vì nhà có nhiều ruộng, và thường có nhiều hội hè đình đám. Nhà thông thường có sân hẹp hơn được lát bằng gạch thất hoặc bằng đất nện
Bình phong - Hòn non bộ :
Đây là nét đặc trưng cho lối kiến trúc chịu ảnh hưởng của luật phong thuỷ. Bình phong có tác dụng che chắn cho nhà chính khi gặp hướng xấu, tạo được sự kín đáo cho gian chính của ngôi nhà ( nơi đặt bàn thờ). Bình phong thường được đặt trước sân.
Một số nhà không có ao thì tại vị trí đặt bình phong hoặc bên cạnh bình phong người ta làm các bể cảnh non bộ nhằm làm tăng thêm vẻ đẹp cho khuôn viên. Bình phong được xây bằng gạch có dạng cuốn thư, trên có đắp hình trang trí: phong cảnh, hoa lá, đôi khi nó chỉ là một bức tường giản đơn.
Ao: Ao có rất ít, thường đặt ở phía trước nhà chính, ao có tác dụng cải thiện vi khí hậu, nơi thoát nước, cấp nước tưới cây
Vườn: Tuỳ theo hướng nhà, hình dáng, kích thước khuôn viên, mà được bố trí ở đằng trước, sau hay bên cạnh nhà chính. Thông thường nhà ở truyền thống Hà Tây quay hướng nam để đón gió tốt vào nhà người ta bố trí vườn rau ở trước nhà, vườn cây ăn quả ở phía sau.
Nơi vệ sinh: Bộ phận xí thường kết hợp với chuồng chăn nuôi như chỗ nuôi lợn, các hố xí thường đơn giản, có nơi làm hố xí 2 ngăn. Chỗ đi tiểu thường đặt ở ngoài vườn.
Chuồng chăn nuôi: Là nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chuồng trại có kết cấu đơn giản, mái tranh hoặc mái ngói máy, nhà có khuôn viên rộng chuồng trại đặt cách xa nhà chính. Nhà có khuôn viên hẹp thì chuồng trại được kết hợp với nhà phụ hay vệ sinh thành một nếp nhà đôi.
Giếng nước - khu tắm giặt: Thường nằm cách xa nhà chính và ở chỗ khuất tuỳ theo khả năng kinh tế của chủ nhà mà tắm giặt có thể xây thành một nếp nhà hoặc chỉ xây quây đơn giản ( không có mái che). Khu vệ sinh đặt ở xa nhà chính, khuất và cách xa giếng nước.
Bếp: Thường bố trí vuông góc với nhà chính, quay mặt ra sân tạo ra khuôn viên có hình thước thợ hay bố trí bên cạnh dọc theo nhà chính phía trước có sân nhỏ. Tuy nhiên vị trí bếp không được chắn hướng gió tốt vào nhà. Nhà chính quay hướng nam, đông nam thì bếp nằm ở bên trái nhà chính. Với khuôn viên hẹp thì bếp có thể được kết hợp với nhà phụ hay chuồng trại tạo thành một nếp nhà. Kiến trúc bếp thường đơn giản với mái ngói, tường thu hồi
Nhà phụ: Nhà phụ có thể là một hay nhiều nếp nhà được bố trí trong khuôn viên tuỳ theo qui mô cụ thể của khuôn viên nó có thể kết hợp với một vài thành phần khác trong khuôn viên: bếp, kho, chuồng chăn nuôi, nhằm đáp ứng các mục đích sau:
- Là nơi sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp.
- Là nơi phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở
- Kho chứa lương thực, nguyên liệu sản xuất, công cụ lao động
Hình thức kiến trúc và kết cấu của nhà phụ thường đơn giản hơn nhiều so với nhà chính. Thường nó chỉ là một nhà 3 hoặc 5 gian ( khi kết hợp với một thành phần khác) hai mái, mái lợp ngói hoặc mái tranh, kèo gỗ với 2 hoặc 3 hàng cột đôi khi kèo gác thẳng lên tường mà không cần cột bởi vì chúng có lòng nhà hẹp (từ 3m đến 4m). Nhà phụ hầu như không có trạm khắc trang trí, nếu có thì đó phải là nhà quan lại, địa chủ giàu có tuy nhiên trang trí cũng chỉ ở mức độ bình thường.
Do diện tích khuôn viên hẹp xuất hiện một số nhà có mái nhà chính và mái nhà phụ giao cắt nhau đây là hiện tượng ít thấy ở các địa phương khác.
V.4.3.1.2. Bố cục kiến trúc trong khuôn viên
Hình thức liên kết giữa nhà chính và nhà phụ và chúng thường có dạng: chữ nhât (-), chữ nhị (=), chữ đinh (T), chữ môn (U).
Tổ hợp nhà có dạng chữ nhất (-). Nhà chính và nhà phụ bố trí liền kề và thẳng hàng với nhà chính. Loại này thường thấy ở nhà có điều kiện kinh tế khá giả, có diện tích khuôn viên khá rộng.
Tổ hợp nhà có dạng chữ Nhị (=). Nhà chính và nhà phụ hoặc hai nhà chính song song với nhau. Loại này thường thấy ở nhà quan lại, nhà trưởng họ (kiểu tiền khách hậu tự, tiền tế hậu tự..) Nhà thường có sân rộng giữa hai nếp nhà.
Tổ hợp nhà có dạng hình thước thợ (L) nhà chính và nhà phụ vuông góc với nhau. Loại nhà này khá phổ biến, chúng phù hợp với khuôn viên có diện tích trung bình và nhỏ.
Tổ hợp nhà có dạng hình chữ môn (U) nhà chính, nhà phụ, bếp nằm xung quanh ba phía của sân. Loại này thường xuất hiện ở các gia đình có diện tích khuôn viên hẹp
V.4.3.2. Đặc điểm tổ chức không gian ngôi nhà chính.
Nhà chính: Trong khuôn viên nhà ở truyền thống, nhà chính là nếp nhà lớn có các mục đích sử dụng:
- Là nơi cư trú, của gia đình từ có 3 đến 4 thế hệ cùng sinh sống.
- Là nơi nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động.
- Duy trì nòi giống, giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà.
- Thường kết hợp với thờ cúng, tín ngưỡng.
Hình thức kiến trúc và kết cấu nhà chính được chú trọng nhất trong toàn bộ các công trình của khuôn viên nhà.
V.4.3.2.1. Hướng nhà chính
Nhà ở truyền thống có hướng chủ đạo là hướng , Đông , hai hướng này chiếm tới 50%. Đây là hai hướng nhà rất thuận lợi cho việc đón gió mát vào mùa hè và tránh gió lạnh vào mùa đông. Khi đã chọn được hướng nhà tốt việc trồng cây cối, bố trí nhà phụ, bếp cũng tuân theo ý đồ đón gió mát ngăn cản gió xấu “ Chuối sau cau trước”.
Trong trường hợp do địa thế khu đất hay do lựa chọn hướng theo tuổi của chủ nhà mà gặp phải hướng bất lợi như hướng Tây, Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc (các hướng này chỉ chiếm khoảng 25%) người ta thường trồng các cây có tán lá rộng để tránh nắng, tránh gió rét (gió đông bắc) cửa sổ đón gió mát gió Nam và Đông Nam.
V.4.3.2.2 Đặc điểm tổ chức mặt bằng
Mặt bằng ngôi nhà ở truyền thống có dạng hình chữ nhật thường có số gian lẻ: 3, 5, 7 gian và hai chái, cá biệt có những nhà có số gian chẵn. Thông thường người ta phân chia nhà thành ba phần: Hai gian chái và ba gian giữa, hai gian chái (thường gọi là hai gian buồng) được ngăn chia với ba gian giữa bằng hai vách gỗ gắn liền với vì Thuận và người ta gọi vách này là vách Thuận.
Ba gian giữa thông nhau hoàn toàn ( không có vách ngăn) với các chức năng:
Thờ cúng, tiếp khách, sinh hoạt chung của gia đình, dạy dỗ con cái, chỗ ngủ của đàn ông, khách nam giới, với tính chất đa năng trong đó việc thờ cúng là quan trọng nhất. Những nhà có quy mô nhỏ không gian này là nơi sản xuất các nghề phụ khi nông nhàn.
Hai gian bên ( 2 gian chái ) có dạng không gian kín là nơi sinh hoạt của phụ nữ trong gia đình ( hoặc nơi ở của vợ chồng con trai mới ở riêng), nơi dự trữ lương thực, giống má, cất giữ đồ dùng, hai gian này có cửa đi nhỏ mở ra hiên và qua vách thuận, thông thoáng bằng hệ thống cửa nhỏ phía trước và phía sau.
Hiên phía trước ba gian chính hoặc kéo dài tất cả các gian, là không gian liên kết trong nhà với ngoài nhà, là nơi nghỉ ngơi, sản xuất phụ, ngăn cách hiên với trong nhà là hệ thống cửa bức bàn liên kết liền với hàng cột quân tạo thành vách rất ổn định.
Đồ đạc trong gia đình tuỳ theo điều kiện kinh tế mà có chất lượng, hình thức khác nhau nhưng nhìn chung là phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhà giàu thì có sập gụ, tủ chè, trường kỷ. Nhà nghèo cũng có giường gỗ, chõng tre, phản gỗ. Nhà giàu thì đồ gỗ quí: Đinh, Lim, Mun. Nhà có điều kiện kinh tế kém hơn thì bằng tre, bằng gỗ xoan, gỗ mít để trần. Ngoài ra các đồ dùng, dụng cụ khác liên quan đến sinh hoạt lao động. Tất cả đều gọn gàng và thiết thực trong cuộc sống hàng ngày nó không chỉ “ ăn chắc mặc bền” mà còn nói nên cái đẹp giản dị, cái đẹp xuất phát tự thân từ mỗi đồ vật trong một không gian nhất quán.
V. 4.3.3. Đặc điểm kết cấu
V.4.3.3.1. Bộ khung
Bộ khung gỗ trong nhà ở truyền thống bao gồm hệ thống các cột xà kẻ được liên kết với nhau bằng mộng tạo nên sự bền vững cho ngôi nhà bộ khung gồm có: Các hệ cột ( cột cái, cột quân, cột hiên), hệ thống xà ngang( quá giang, câu đầu), hệ thống xà dọc ( xà nóc, xà thượng, xà hạ), hệ thống kèo, kè bảy.
V.4.3.3.2. Các thành phần
Để phân biệt các thành phần của bộ khung trong cấu trúc ngôi nhà truyền thống người ta đặt tên cho từng bộ phận cấu thành, các cấu kiện có cùng kiểu dáng và hình thức làm việc thì có cùng tên gọi. Cùng cấu kiện nhưng khác nhau về vị trí thì tên gọi cũng khác nhau : cột cái - cột quân - cột hiên; xà thượng - xà tử thượng; xà hạ - xà tử hạ.
V.4.3 3. 3. Hệ thống cột
Là những thân gỗ lớn, dài, đứng song hàng thành từng cặp trên các chân tảng bằng đá. Các cột trong vì đều có tính chất “thượng thu hạ thách”. Đầu cột chụm vào giữa của vì. Thân cột được tạo các lỗ mộng ( mộng sập, mộng xiên,) để ghép các kết cấu khác. Vì chính có 3 loại cột cơ bản: Cột cái, cột quân, cột hiên và một loại cột trốn. Cột trốn không đứng trên các chân tảng ở nền nhà mà đứng trên xà ngang. Bước cột cái - cái, lớn hơn bước cột, cái - quân và bước cột quân - hiên.
Bước cột ( cái - cái) 2,0m - 2,58m
Bước cột ( cái - quân) 0,95m - 1,5m
Bước cột (quân - hiên) 0,84m - 1,27m
Các cột có thiết diện hình tròn, một số nhà có thiết diện hình vuông nhưng loại này rất ít. Cột cái có thiết diện lớn nhất sau đó đến cột quân và cuối cùng và cột hiên.
Thiết diện cột phổ biến:
Cột cái: 19cm - 34cm
Cột quân: 16cm - 30cm
Cột hiên: 14cm - 22cm
Các cột cùng loại có thiết diện bằng nhau tuy nhiên một số nhà các cột phía ngoài và các cột gian giữa lớn hơn các cột phía sau và các cột gian bên. Cột được gia công theo kiểu phình to tại khoảng cách mặt đất từ 60cm đến 70cm tuỳ theo chiều cao và thiết diện cột. Chân cột thường được nguýt cong trước khi đặt lên chân tảng, các cột đều theo thế “thượng thu, hạ thách” chân choãi ra ngoài, thách cột thường được tính khoảng 2cm cho chiều dài 1m cột nhờ đó mà ngôi nhà đảm bảo được tư thế vững chãi.
Theo kinh nghịêm và quan niệm của người dân nhà phải có “Réo” tức là gian giữa thấp nhất và cao dần lên hai hồi tạo thành một đường cong nhẹ cho mái nhà nên các cột ở các vì càng xa gian giữa thì càng cao. Thông thường mỗi vì cột chênh lệch nhau khoảng 3cm, điều này góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà.
Cột trốn có vị trí như các cột khác nhưng trốn phần thân cột phía dưới nhằm tạo ra không gian rộng hơn. Phần trên cột đặt lên xà ngang thông qua đấu cột, cột trốn có chiều cao từ xà ngang tới mái. Cột trốn có tại vị trí cột cái thường xuất hiện ở nhà có dạng kết cấu quá giang, cột trốn có vị trí cột quân thường xuất hiện ở dạng nhà ngoại khách nội tự.
V.4.3.3.3.1. Nhà năm hàng chân
Đây là loại nhà ở truyền thống được kiến thiết bằng những vì kèo có năm hàng cột thường bằng xoan (một cột hiên, hai cột con, hai cột cái). Tại làng cổ ở Đường Lâm, chỉ loại nhà công cộng như đình, chùa, phủ mới có sáu hàng chân. Loại nhà năm hàng chân có thể là nhà ba gian, năm gian và năm gian hai dĩ. Đặc trưng của loại nhà này là kèo kẻ chuyền, mỗi vì kèo gồm hai kẻ lợn (kẻ cái), hai kẻ ngồi(kẻ giữa), một kẻ hiên và một kẻ bẩy. Kèo kẻ chuyền là một hình thái kiến trúc hoàn mỹ nhất tại làng cổ ở Đường Lâm, là một phương thức chắp nối ba kẻ thành một kèo dài nhằm mục đích nới rộng lòng nhà. Đầu kẻ và lợn túi (giá chiêng) là những yếu tố được chạm trổ chau chuốt, tinh tế nhất trong các ngôi nhà cổ, nhất là ở Mông Phụ. Những vì kèo gồm lợn túi và kẻ chuyền thường dùng cho gian giữa, trái lại, những vì kèo ở gian bên thường dùng hệ thống chồng giường hoặc chồng sáo: ở đây những xà ngang được chồng lên nhau vừa để nối cột vừa để đỡ hoành hoặc đòn tay của mái. Trong vài nhà cổ loại lớn ở Mông Phụ, Đông Sàng hay Cam Thịnh vì kèo chồng giường này được chạm trổ công phu với những mô típ hoa, lá, mây ...phần dưới kèo là bức thùng, tức là một tường bằng gỗ đặc, có những đường dọc chạy song song. Bức thùng làm ranh giới cho những gian giữa và gian bên, nơi làm phòng ngủ của phụ nữ và thường cũng là nơi chứa đựng lương thực và đồ dùng... Bức thùng cũng là nơi người ta treo ảnh gia đình, các loại bằng cấp tranh vẽ, lịch...
Cửa của loại nhà này là một yếu tố đáng quan tâm. Đây là cửa bức bàn bằng gỗ đặc, gồm nhiều khuôn vuông, không khắc chạm, chỉ có đường viền. Mỗi gian có bốn cánh và mỗi cánh có hai mộng ghép vào ngưỡng cửa, then cài bằng gỗ bằng đà ngang trên cửa. Ngưỡng cửa bằng gỗ đặc cao khoảng 40 cm và cách nền khoảng 10 cm. Chúng tôi nghĩ rằng khoảng cách này có mục đích thông khí và tránh ẩm thấp mối mọt cho ngưỡng cửa. Nhưng một người rành nghề mộc ở Mông Phụ đưa ra một chi tiết bất ngờ; khoảng trống này dùng để thọc chân bọn ăn trộm trong khi chúng đang tìm cách mở cửa !
Loại nhà năm hàng chân là loại nhà rộng nhất tại làng cổ ở Đường Lâm, lòng nhà rộng khoảng 4,20 m. nhưng không có cột bẩy lên kẻ bẩy thường ngắn và lòng nhà không thể rộng lớn như đình Mông Phụ, hoặc chùa Mía là những kiến trúc với bộ sườn sáu hàng chân, tức là có thêm cột bẩy. Khoảng cách giữa cột con và tường dưới bẩy xe dịch từ 20 đến 60 cm. Nhà năm hàng chân cũng là loại nhà ở có nhiều cột nhất tại làng cổ ở Đường Lâm: Một ngôi nhà năm gian hai dĩ có đến 40 cột; tuy nhiều cột nhưng ta vẫn có cảm giác thanh thoát, không vướng víu, có lẽ vì cột gỗ xoan ở đây không to lớn đồ sộ như cột lim, cột mít: Đường kính cột trung bình khoảng 18 -20 cm và cột lớn nhất không quá 24 cm.
V.4.3.3.3.2. Nhà bốn hàng chân hay nhà quá giang trốn một cột
Nhỏ hơn loại nhà trên, loại nhà này có bốn hàng cột chống đỡ vì kèo: Một hàng cột cái, hai hàng cột quân và một hàng cột hiên. Cột cái thứ nhất (phía trước ) bị bỏ và được thay thế bằng một trụ con dựa trên một xà quá giang để đỡ kèo. Xà quá giang là một yếu tố mới, phải dài hơn để có thể bắc từ cột con phía hiện thẳng đến cột cái thứ hai và sức chịu lực đỡ mái cũng lớn hơn. Trốn cột và quá giang là đi tìm một khoảng không gian nội thất thông thoáng hơn, vì loại nhà này thường thuộc cỡ vừa hoặc nhỏ. Nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm, nhà quá giang trốn cột có thể là một nhà cổ năm hàng chân cỡ nhỏ được cải tiến: Người ta bỏ một cột cái và thay thế xà ngang cũ bằng một xà quá giang. Chức năng của cột kèo không thay đổi, vẫn chống đỡ tất cả trọng lượng của mái. Vì kèo mất tính thống nhất, được thể hiện dưới dựng kẻ chuyền ba kẻ, trên kèo dưới kẻ hoặc kẻ tuột (suốt). Đa số nhà quá giang trốn cột đều mới được xây sau này.
V.4.3.3.3.3. Nhà ba hàng chân hay nhà quá giang trốn hai cột
Trong loại nhà này, số cột giảm bớt hẳn đi, chỉ còn hai hàng cột con và hai hàng cột hiên; những hàng cột cái biến mất, được thay thế bằng những hàng trụ con dựa trên xà quá giang để chống đỡ kèo.Vì vậy, đây vai trò của xà quá giang rất quan trọng. Nó phải là một thân gỗ vừa dài, vừa lớn, vừa chắc để có thể đỡ những hàng trụ chống mái. Tuy còn ít cột vì kèo vẫn giữ nguyên chức năng chống đỡ mái. Đa số vì kèo được kết cấu theo dạng trên kèo dưới kẻ, hoặc trước kẻ sau bẩy và một số ít theo dạng kèo tuột. Không gian nội thất càng thông thoáng hơn nữa và sự đi lại trong nhà dễ dàng hơn, không còn bị ngăn bởi những hàng cột cái như trong loại nhà năm hàng chân.
V.4.3.3.3.4. Nhà hai hàng chân hay nhà quá giang trốn ba cột
Đây chưa phải là một loại nhà đã được định hình rõ ràng, nhưng chỉ là một biến dạng của loại nhà ba hàng chân, vì người ta thay thế hàng cột con phía hiên bằng một bức tường bằng gạch trực tiếp chống đỡ kèo hoặc trụ kèo. Kèo suốt hoặc kèo đôi, đôi lúc cũng gặp xà đấm nối tường vào cột hiên theo kiểu Tiền xà đám hậu bẩy. Nhà chỉ còn hàng cột hiên và hàng cột con phía bẩy, nhưng không gian nội thất không có gì mới lạ, vẫn tương tự như nhà ba hàng chân. Kiểu này ít gặp tại làng cổ ở Đường Lâm nhưng biểu lộ một điểm mới trong nghệ thuật kiến trúc: Tường bắt đầu chia sẻ chịu lực với cột kèo để đỡ mái.
V.4.3.3.3.5. Nhà một hàng chân hay nhà quá giang gối tường
Tiến thêm một bước nữa, những hàng cột cái, cột con của nhà cổ truyền đã biến mất, chỉ còn hàng cột hiên. Trong kiểu nhà này xà quá giang chiếm một địa vị rất quan trọng; hai đầu xà dựa thẳng lên tường , đỡ hai trụ con song song hoặc ba trụ con hình quạt, gọi là tay hoa chống nóc; thường dùng kèo suốt hoặc kèo đôi. Kiểu nhà này, nếu chiều rộng hơn bốn mét, đòi hỏi những xà quá giang to lớn bằng gỗ tốt. Kỹ thuật kiến trúc đã đi đến một giai đoạn mới: Tường hoàn toàn thay thế cột để chống đỡ sức ép của kèovà trọng lượng của mái
V.4.3.3.4. Xà
Có nhiều tên gọi khác nhau tuỳ theo công năng của xà: Thượng lương, xà thượng, xà hạ. Do tính chất “Thượng thu hạ thách” của cột và tính chất “Réo” giữa các vì mà các xà luôn ở tư thế vừa chịu lực kéo và nén đó là khả năng làm việc tốt nhất đối với vật liệu gỗ.
Xà dọc: xà liên kết các cột theo phương dọc của nhà xà dọc của các nhà tạo nên hệ thống giằng cố định toàn bộ khung liên kết.
- Xà tử thượng: Liên kết các cột quân phía trên
- Xà tử hạ: Liên kết các cột quân phía dưới
- Xà thượng: Liên kết các cột cái phía trên
- Xà hạ : Liên kết các cột cái phía dưới
- Thượng Lương: Nằm ở vị trí cao nhất của vì dưới giao tuyến của 2 mặt phẳng mái, nó được coi như thanh hoành trên cùng và được đỡ bằng các con cung.
Các xà thường được bố trí đối xứng nhau qua đỉnh mái thành từng cặp, đôi khi thay luôn cho chức năng hoành tại đầu cột và khi đó được gọi là “ Xà thế hoành”. Thiết diện của xà dọc thường là có dạng hình chữ nhật và hình tròn vạt hai đầu có soi các đường gờ chỉ dọc theo thân xà. Để tăng thêm khả năng chịu lực và ổn định của xà người ta làm các ván bưng liên kết giữa xà thượng và xà hạ, xà tử thượng với xà tử hạ.
Xà ngang: Liên kết các cột theo chiều ngang nhà tạo thành các vì, phân ra các chức năng khác nhau
- Xà lòng: Liên kết hai thân cột cái
- Xà nách: Liên kết cột cái với cột quân
- Quá giang: Liên kết giữa hai cột quân
- Câu Đầu: Liên kết hai đầu cột cái, phía trên xà lòng, quá giang.
Nhìn chung, các xà dọc và xà ngang thường có tiết diện tròn vạt ngang ở hai đầu phí trên và dưới. Những xà trong cùng phương chịu lực ở vị trí thấp có kích thước tiết diện lớn hơn xà trên cao (xà hạ lớn hơn xà thượng, xà tử hạ lớn hơn xà tử thượng). Xà ngang có tiết diện lớn hơn xà dọc vì chức năng xà ngang chịu lực, còn chức năng xà dọc là liên kết giằng, Riêng Câu Đầu có hình dáng khá đặc biệt, hai đầu Câu Đầu thu lại, ở giữa phình to. Hình dáng của Câu Đầu và cột tạo thành một thế vững chắc cho bộ vì theo cả hai phương dọc và ngang.
V.4.3.3.5. Bộ vì
Là yếu tố căn bản của kết cấu khung gỗ, là sự liên kết tất cả các cấu kiện chịu lực theo phương ngang nhà. Vì là đơn vị cấu thành tổ chức không gian nhà ở truyền thống. Để tạo thành một bộ vì, trước hết phải có các cột ( 2 cột cái, 2 cột quân, có khi thêm cột hiên) và hệ thống kết cấu kiên kết các cột lại với nhau đó là các vì nóc, vì nách, kẻ và bảy.
Vì nóc: Là liên kết ở khoảng không gian giữa hai cột cái, đỡ nóc và nửa mái phía trên. Khoảng không gian này có hình tam giác cân, giới hạn bởi thượng lương, câu đầu và hai mặt mái dốc ra về hai bên.
Vì nóc nhà ở truyền thống Đường Lâm khá đa dạng nhưng phổ biến ở các dạng:
- Dạng giá chiêng kẻ ngồi
- Dạng giá chiêng chồng nhị
- Dạng con chồng (chồng tam)
Tuy có cùng một kiểu dáng nhưng mức độ và hình thức trang trí của mỗi nhà lại khác nhau tuỳ thuộc vào khả năng kinh tế và sở thích của chủ nhà. Chủ đề trang trí chủ yếu là hoa văn cách điệu. Nhà ở truyền thống có vì nóc tại vì thuận ít khi giống với vì nóc tại vì chính đây là nét độc đáo không giống với nhà ở truyền thống các tỉnh đồng bằng bắc bộ nói chung. Vì nóc tại vì thuận thường có dạng: Dạng con chồng (chồng tam), dạng chồng rường và dạng cốn mê. Thực hiện chức năng ngăn chia tách biệt không gian buồng với ba gian ngoài khoảng trống giữa các thanh rường, các con chồng được bịt bàng ván bưng.
Vì nách: Là liên kết ở khoảng không gian có hình tam giác vuông được tạo thành giữa cột cái và cột quân. Tam giác vuông này có cạnh dài là xà nách, cạnh ngắn là độ dài của cột cái so với cột quân và cạnh huyền là độ dài mặt mái dưới.
Vì nách nhà ở truyền thống phổ biến là các dạng: kẻ ngồi, con chồng, kẻ trường. Trong đó nhiều nhất phải kể đến là vì nách có dạng kẻ ngồi, kiểu này thường gặp ở các nhà có kết cấu bộ vì kiểu quá giang, kiểu lọng tàn. Với kiểu nhà có dạng xà lòng thì vì nách có dạng kẻ trường liên kết từ đầu cột cái ra đến cột hiên.
V.4.3.3.6. Kèo
Gồm nhiều loại phân theo chức năng:
Kèo suốt: Thanh chéo liên kết các đầu cột và là một thanh liên tục chạy từ vị trí xà nóc đến tận hoành cuối cùng.
Kèo kìm: Gồm 2 thanh kèo suốt dọc theo 2 mái, liên kết các đầu cột từ vị trí xà nóc đến đầu cột quân. Hai kèo này đan mộng ngàm vào nhau hình gọng kìm.
Kèo cổ ngỗng: Là thanh gỗ trực tiếp đỡ hoành, liên kết đầu cột quân và cột hiên và được đỡ trên bảy hiên hoặc đầu kẻ trường. Hình dạng kèo đựơc tạo dáng cong như cổ ngỗng nên gọi là kèo cổ ngỗng ( một hình thức biến thể của ván dong).
Đặc điểm của kèo: thường có tiết diện hình chữ nhật đứng, hai mặt kèo ít được trạm trổ.
V.4.3.3.7. Kẻ - bảy
Kẻ được tạo dáng cong lên phía trên theo cung tròn và có tiết diện hình hoa sen cách điệu. Kẻ đỡ hoành thông qua một cấu kiện là ván dong ( ván gỗ dày, đặt trên kẻ, chạy suốt chiều dài kẻ và có khoét các ổ đỡ hoành). Kẻ gồm nhiều loại phân theo chức năng:
Kẻ hiên: Liên kết chéo giữa cột quân và cột hiên.
Kẻ chuyền: Là 1 chuỗi kẻ nối nhau, liên kết các đầu cột theo phương vát mái.
Kẻ ngồi: Liên kết chéo giữa cột cái và đầu quá giang ( ở phía cột quân). Kẻ có thể ngồi trực tiếp lên xà nách, có thể ngồi lên xà nách thông qua đấu gỗ.
Kẻ trường: Liên kết chéo giữa cột cái và cột hiên mà không cần đến xà cột quân.
Bảy : Là những thân gỗ ngắn ăn mộng qua đầu cột quân, đuôi bảy ( nghé) tì lực lên bụng xà nách, thân bảy chạy chéo xuống vươn ra đỡ những cây hoành cuối cùng của mái. Bảy ở phía trước nhà là bảy tiền, bảy ở vị trí sau nhà là bảy hậu.
Đặc điểm của bảy cũng giống như kẻ nhưng có chiều cong ngược lại và chiều dài bảy ngắn hơn. Hình dáng của kẻ, bảy và nghé tạo thành một đường cong đổi hướng liên tục, gây cảm giác mềm mại, thanh nhẹ cho bộ vì.
Vì thuận đóng vai trò là khung kết cấu và ngăn chia không gian chính và không gian phụ ( gian chái). Bức che ở vì thuận thường có dạng khuôn tranh vì búp măng.
Nhìn chung vì thuận có đặc điểm cấu trúc khung cột, xà giống vì chính xong đôi khi vì thuận cũng có những thay đổi về kiểu dáng trang trí tại vị trí vì nóc và vì nách.
Vì thuận, đối với dạng nhà kết cấu vì chính dạng cong chồng hay chồng tam thì vì thuận cũng có cấu trúc tương tự.
Đối với nhà có cấu trúc dạng kết cấu kẻ truyền, hay kẻ ngồi thì cấu trúc vì thuận thay đổi có dạng con chồng, hay ván mê ở vì nách bức thuận.
Vì thuận chú trọng trang trí mặt hướng ra 3 gian chính, với những bức trạm trổ tinh vi ở những thanh bạo, hệ thống con chồng, Ván mê, bức thuận búp măng, khuôn tranh.
Ván ghép tại vì thuận có soi các hèm hoặc được che bởi hệ xương gỗ có thiết diện hình tròn hoặc hình chữ nhật, hình sống lá dừa trên đó có soi nhiều gờ chỉ.
V.4.3.3.8. Ván mê
Là tấm ván rộng (có thể được ghép từ nhiều mảnh có độ dày bằng nhau), liên kết chủ yếu truyền lực của hoành lên xà. Hình dáng của ván mê chiếm trọn vì nách hoặc vì nóc. Ván có trổ ô thoáng hình chữ nhật để tạo được độ thanh nhẹ cho kết cấu.
V.4.3.3.9. Mái nhà
Đặc điểm cấu trúc mái: Mái là thành phần bao che quan trọng nhất của kiến trúc nhà ở truyền thống. Nhà ở dân gian truyền thống Đường Lâm có dạng cấu trúc mái:
Dạng nhà có cấu trúc 2 mái
Dạng nhà có cấu trúc 4 mái
Nói chung hệ thống mái nhà ở dân gian truyền thống Hà Tây bao gồm các thành phần:
Phần gỗ: Hoành, dui, mè, dạ tàu, chẹn tàu, lá mái, then co, diềm mái.
Phần gốm (đất nung): Ngối, gạch, hoa văn trang trí, con giống.
Phần xây: Bờ nóc, bờ chảy, con kìm, đao.
Phần gỗ gồm có:
Hoành: Là các thanh gỗ hoặc tre chạy dọc theo mái làm thành mặt phẳng đỡ rui. Hoành có tiết diện hình tròn ( đường kính từ 9 đến 11cm) hoặc hình chữ nhật (10 x 12cm)
Hoành cuối cùng của mái ngoài chức năng đỡ rui, còn kết hợp với một số bộ phận khác như mái lá, theo co, chẹn tàu để đỡ những viên ngói cuối cùng nên còn gọi là thanh dạ tàu.
Rui: là những thanh gỗ mỏng (kích thước tiết diện thường là 2 x 10cm) đặt vuông góc với hoành. Khoảng cách giữa các rui thường bằng một chiều rộng rui.
Mè: Là những thanh gỗ nhỏ gác vuông góc với dui, chạy song song với hoành và cùng chạy suốt theo mái. Thanh mè có tác dụng cố định lớp ngói chiếu chống sự sô tụt ngói lót. Số lượng thanh mè phụ thuộc nhiều vào độ lớn của mái và phương thức lợp mái. Mè liên kết trực tiếp với dui bằng chốt che (sau này liên kết bằng đinh). Kích thước thanh mè thường khoảng 30 x 40 mm
Dạ tàu: Là ván gỗ dày từ 45 đến 75mm có dạng cong lên về phía 2 đầu hồi. ở giữa của dạ tàu có kích thước nhỏ hơn ở hai đầu hồi. Thanh dạ tàu ăn mộng chốt xuống đầu thanh kẻ hiên (hay bảy tiền). Dạ tàu có tác dụng giống như hoành đỡ hệ dui, mè, đồng thời dạ tàu cũng kết hợp với thanh đón mái đỡ hàng ngói cuối cùng (ngói giọt gianh).
Lá mái : Là thanh gỗ dày từ 2 - 3 cm; bản rộng từ 15 - 30 cm nằm trên và chạy dọc theo thanh dạ tàu. Lá mái đóng vai trò như một thanh mè đỡ hàng ngói dưới cùng và có tác dụng đưa phần mái ngói đẩy ra xa khỏi hệ khung gỗ tránh hắt nước mưa.
Chẹn tàu: Là thanh gỗ nằm sát mặt ngoài dạ tàu, tại vị trí đầu kẻ; bảy hiên. Chen tàu đóng vai trò là thanh gỗ đỡ cố định thanh lá mái trên thanh dạ tàu, đồng thời cũng giúp cố định dạ tàu trên kẻ (bảy) hiên.
Phần gốm:
Lớp ngói mũi hài: Là lớp ngói trên cùng, lợp so le từ trên xuống. Hình dáng viên ngói có dạng mũi cong dày lên, có tác dụng làm đẹp và làm hắt nước mưa ra xa không bị lọt nước mưa xuống các lớp ngói dưới.
Phần xây:
Bờ chảy: Là phần tường xây đầu mái, liên kết bao che phần tường đầu hồi và mái trong nhà ở 2 mái hoặc bao che phần ráp 2 mái trong nhà 4 mái, Bờ chảy có tác dụng ngăn nước mưa chảy theo chiều dốc mái.
Bờ nóc mái: Là phần xây trang trí trên đỉnh mái có tác dung liên kết bao che cho phần ráp đỉnh 2 mái ngói dốc.
V.4.3.3.10. Nền nhà
Nền nhà là khối liên kết các lớp cấp phối truyền thống. Tuỳ theo từng loại công trình khác nhau mà nó có các lớp cấu tạo khác nhau.
Các lớp cấu tạo nền nhà ở dân gian thuần nông.
Nền nhà ở dân gian thuần nông thường cao 1 bậc, hiên được lát gạch bát( 300 x 300); Bờ hiên được xây gạch chỉ so le đuổi nhau, trên cùng là lớp gạch chỉ xây vỉa nghiêng. Nền nhà trong và gian trái thường là nền đất nện.
Các lớp cấu tạo nền thường có lớp dưới cùng là các lớp gạch, đá lẫn lộn có tác dụng không cho chuột bọ đào ngách chui lên nhà. Lớp thứ hai là lớp đất thịt được đầm chặt, cuối cùng là lớp đất hỗn hợp gồm: Bột vôi + tro bếp + đất thịt. Có tác dụng chống mối, mọt và dễ thoát ẩm, làm mát nhàm vào mùa gặt nếu trời mưa thóc sẽ được rải xuống nền, lúc đó nền nhà có tác dụng hút ẩm.
Các lớp cấu tạo nền nhà ở kết hợp thờ cúng, nhà giàu có, nhà quan lại. Về cơ bản cấu trúc nền nhà thuộc thể loại này giống cấu trúc của nhà ở dân gian thuần nông, xong khác nhau về mức độ. Hiên và nền nhà được lát gạch nung (300 x 300). Bờ hiên được lát gạch chỉ đuổi nhau so le, trên cùng là lớp gạch chỉ xây vỉa nghiêng hay bờ thềm bằng đá xanh.
V.4.3.3.11. Tường nhà
Nhiệm vụ chính là bao che cho nhà. Tường bao quanh có các loại:
Tường trình : Là loại tường có xuất sứ từ lâu đời. Tường trình là tường đắp hỗn hợp đất bùn, tro và rơm lên hệ xương đan bằng phên tre hoặc nứa, sau đó để khô. Sau này người ta có cải tiến tường trình bằng cách dùng hỗn hợp vữa xây và rơm trát lên phên nứa, tường có độ bền lâu hơn.
Tường xây bằng đá ong: Loại tường này rất phổ biến tại làng cổ ở Đường Lâm. Người ta dùng thuổng để đào đá ong, cắt thành từng khối có kích thước khoảng 40 x 24 x 18 cm. Đá ong ở trạng thái tự nhiên thường mềm, nhưng khi đã phơi nắng một thời gian thì trở thành cứng chắc, có độ bền rất cao. Người ta dùng vữa hoặc hỗn hợp bùn trộn trấu để kết dính những viên đá lại với nhau thành tường.
Tường xây gạch: Là loại tường rất phổ biến trong kiến trúc nhà ở dân gian Đường Lâm. Người ta sử dụng gạch đất nung xây bằng vữa hỗn hợp (vôi + cát + tro + mật) tạo thành hồ kết dính.
Tường xây hỗn hợp: Là tường xây kết hợp giữa tường xây gạch với tường trình hay với các loại tường đá ong.
V.4.3.3.12. Cửa
Cửa nhà ở Đường Lâm bao gồm các loại như cửa bức bàn, cửa phố.
Cửa bức bàn: Có cấu tạo dạng khuôn tranh gồm hệ khung, ván bưng và song gỗ. Cửa bức bàn không dùng bản lề thép mà dùng cấu trúc ngưỡng, cửa có then gỗ cài. Cửa Bức bàn có thể tháo lắp một cách dễ dàng.
Cửa phố: Có hai loại.
Cửa gỗ bưng có bản lề thép
Cửa gỗ bưng, cánh lùa.
V.4.3.4. Đặc điểm kiến trúc mặt đứng, sườn nhà, trang trí bên trong
V.4.3.4.1. Đặc điểm mái
Nhà ở truyền thống tại làng cổ ở Đường Lâm giống như một số tỉnh thành phía Bắc chủ yếu là nhà có dạng 2 mái, loại 4 mái rất hiếm do nhiều lý do
Nhà ở đồng bằng Bắc bộ rất ít làm hiên hai bên nhà cho nên việc làm nhà 4 mái là không cần thiết.
Nhà 2 mái thi công đơn giản hơn, với nhà có 2 dĩ thì không cần vì kèo ở sát tường hồi khi đó các thanh hoành gác trực tiếp lên tường hồi như thế tiết kiệm gỗ hơn.
Mái nhà ở truyền thống Đường Lâm có độ dốc khoảng(33-450) kiến trúc mái gồm các thành phần sau:
Bờ nóc: Xây bằng vữa, ngói vụn có chiều rộng khoảng 20cm, có chiều cao khoảng 25cm có chân đinh xoè ra để tăng diện tích tiếp xúc với ngói. Bồ nóc thường trang trí một số đường chỉ lõm hay chỉ lồi tạo cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại hơn.
Bờ chảy: Nằm ở trên đỉnh tường hồi bao che phần mái trên tường hồi. Bờ chảy xây bằng vật liệu gạch và vữa cũng giống như bờ nóc, bờ chảy trang trí bằng các gờ vữa chạy dọc toàn bộ bồ chảy. một số nhà phần dưới bờ chảy xây giật cấp trên đó có đắp vữa trang trí với chủ đề hoá là cách điệu.
Bít đốc: ( Đấu mái ) nằm ở giao giữa bờ nóc và bờ chảy. Xây dật thành nhiều cấp có dạng trên to dưới nhỏ nhiều gờ, chỉ tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát.
Mái ngói : Gồm các viên ngói lợp sole, chồng lên nhau phần lớn viên ngói bị che khuất bởi viên ngói trên chỉ lộ ra phân mũi cong của viên ngói tạo ra cảm giác nhẹ nhàng cho cả diện rộng của mái.
Diềm mái: Phần kết thúc mái là diềm mái làm bằng gỗ ngăn không cho nước giọt gianh hắt vào phía trong. Diềm mái thường trang trí dạng cánh sen, một số nhà có hình trạm gỗ hoa văn cách điệu.
V.4.3.4.2. Đặc điểm phần thân nhà
Nhà ở truyền thống phổ biến nhất là loại nhà 5 gian và 3 gian hai trái. Đặc điểm kiến trúc phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố:
Hệ thống cửa: Là phần quan trọng nhất của mặt đứng ngôi nhà thông thường hai gian chái không có cửa, chỉ có các cửa sổ nhỏ các ô thoáng để lấy ánh sáng và thông gió. Ba gian giữa đều có cửa mở ra hiên, thường là cửa gỗ 4 cánh panô gỗ đặc, các cửa không có bản lề mà quay xung quanh trụ, các cửa có kèm với nhau, then cửa xoay ở phía trên, phía trên cửa là con nằm, 2 bên là con đứng, phía dưới là con “ nghạch”. Cửa tạo nhiều gờ, chỉ trang trí trên các tấm bưng. Thường thì hệ thống cửa gắn liền với hệ thống cột quân tạo nên liên kết hết sức bền vững và có tính thống nhất cao trong trang trí.
Bậu cửa: Phía dưới cửa đỡ “ nghạch” là ngưỡng cửa một yếu tố khá quan trọng trong nhà ở truyền thống tại làng cổ ở Đường Lâm nó nhằm mục đích:
Buộc mọi người ra vào phải cúi xuống nhìn để bước qua, hành động đó như một cử chỉ tôn trọng chủ nhân ngôi nhà.
Ngăn không cho côn trùng, rắn ,rết vào nhà.
Đỡ cửa Bức bàn phía trên không để cửa tiếp xúc với đất dễ bị ẩm ướt hư hỏng.
Dại che nắng:
Nhà ở truyền thống thường sử dụng dại để che nắng, tránh nắng hắt vào nhà và hơi nóng bức xạ từ sân trước. Dại thường làm bằng tre tạo ra các tấm dại có thể tháo ra xếp lại cho gọn gàng hoặc dùng que chống chúng lên. Ngoài tác dụng nêu trên dại còn đóng góp không nhỏ vào việc tạo dáng mặt đứng bởi hình thức của chúng. Một số nhà dại còn có vai trò như một tấm bình phong che lối vào gian giữa.
Ngoài ra còn một số chi tiết trang trí khác: cửa sổ, cột lồng trụ, hoa văn trang trí đầu tường hồi
V.4.3.4.3. Sườn nhà
Sườn nhà là yếu tố quan trọng nhất trong ngôi nhà truyền thống Việt về chức năng kiến trúc cũng như trang trí thẩm mỹ. Sự vững chắc của ngôi nhà lệ thuộc hoàn toàn vào cơ cấu kiến trúc và kỹ thuật lắp ráp của những yếu tố cột, kèo, xà ngang... Khác với nhà thành thị và nông thôn hiện đại làm theo kiểu châu Âu, tường của ngôi nhà Việt cổ truyền không gĩư vai trò chống đỡ: Chính cột và kèo chịu tất cả sức nặng và sức ép của mái, tuy rằng chân cột không được chôn sâu vào đất, chỉ được đặt trên những tảng đá hình vuông hay hình tròn. Những nhà cổ tại làng cổ ở Đường Lâm, nhất là ở Mông Phụ, chứng minh sự vững chắc của những sườn nhà vì chúng đã trải qua nhiều thế hệ trong một xứ nhiệt đới lắm mưa gió bão lụt. Theo quan niệm cổ truyền, sườn nhà tượng trưng cho ngôi nhà. Vì thế, rời nhà hay mua nhà tức là rời bộ sườn hay mua bộ sườn.
Trong bộ sườn kèo cột là yếu tố cơ bản đúng như câu ca dao đã khẳng định " Có cây mới có dây leo, có cột có kèo mới có đòn tay".
V.4.3.4.4. Đặc điểm trang trí trong nhà
Việc trang trí trong ngôi nhà truyền thống ở rất được chú trọng. Điều đó được thể hiện ngay ở khâu lựa chọn vật liệu, chọn thợ, chọn kiểu nhà dù là nhà được làm bằng tre, nứa, thì cũng phải được lựa chọn cẩn then, mối lạt cũng phải được ưa nhìn. Với nhà giàu có người ta phát huy mọi khả năng để trang trí cho ngôi nhà của mình: Chạm khắc, sơn vẽ. ở tất cả những bộ phận nào có thể. Những hoạ tiết trang trí trên mọi bộ phận cấu kiện của ngôi nhà đều có mục đích của chủ nhân.
Hệ thống cửa vào vách tường bao che phía trước được chạm chiết bằng những đường nét, gờ chỉ, chia ô , chia hộc, sử dụng chắn song con tiện, vừa đáp ứng công năng sử dụng vừa tăng thêm tính thẩm mỹ cho ngôi nhà, ở vị trí thấp rất dễ bị bẩn, ẩm mốc, mà người ta soi các đường gờ chỉ. Vì thuận có rất nhiều hình thức trang trí, người ta thường tập chung trang trí vào khoảng giữa hai cột cái; khoảng giữa cột cái với cột quân phía trước – nơi có cửa vào gian chái. Hai bên cửa vào gian chái soi nhiều gờ chỉ, phía trên chạm khắc hình hoa lá, hình cánh sen, hình chữ triện.
Tại vị trí gian giữa, thẳng cửa chính là nơi đặt bàn thờ tổ tiên là phần nội thất được chú ý nhất, thông thường hai bên cột quân được treo hai câu đối, phía trên xà tử thượng treo cuốn thư hoặc mành che ban thờ, ban thờ, tủ thờ được trang trí rất cầu kỳ, màu sắc thường được sử dụng là màu đỏ, vàng, đen.
Mức độ chạm khắc hoa văn trang trí của nhà ở truyền thống tại làng cổ ở Đường Lâm phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kinh tế và địa vị xã hội của chủ nhân ngôi nhà. Tuy nhiên với mỗi nhà thì mức độ trang trí lại ưu tiên cho từng vị trí cụ thể, được chắt lọc cẩn thận từ kiểu dáng cho đến kích thước hoa văn, các vị trí đó là các vị trí quan trọng, dễ thấy và được đẩy lên theo mức độ cao dần đó là: Từ ngoài vào trong, từ nhỏ đến lớn, từ khái quát đến cụ thể. Kẻ hiên trang trí tập trung vào đầu kẻ; Trong nhà tập trung vào vì ở 3 gian giữa; Vì chính tập trung vào vì nóc và các điểm giao cắt giữa xà, dầm với các cột; Vì thuận tập trung vào cửa vào gian chái. Các vị trí bị che khuất, vị trí không quan trọng thì hầu như không được trang trí: Bảy hậu, vì kèo gian chái.
V.4.3.5. Đặc điểm sử dụng vật liệu
V.4.3.5.1. Vật liệu sử dụng cho bộ khung
Hầu hết vật liệu sử dụng làm bộ khung là gỗ, nhà có bộ khung bằng tre hầu như không còn.
Các loại gỗ thường dùng làm bộ khung gồm hai nhóm:
Nhóm thứ nhất: Là nhóm thiết mộc, nhóm này có tính chất cơ lý tốt, có độ bền cao, ít bị mối mọt hư hỏng: Lim, Đinh, Sến Táu.
Nhóm thứ hai: Là nhóm gỗ hồng sắc, các loại gỗ có màu nâu, hồng, đỏ, vàng, có tính chất cơ lý kém nhóm thiết mộc tuy nhiên cũng là những loại gỗ tốt: Giổi, Trò, Xoan, Muồng, Mít. Hầu hết nhóm gỗ này không chịu được mối, mọt. Dễ bị mục nát và có độ bền kém hơn nhóm thiết mộc.
Trong nhóm này, gỗ xoan là vật được sử dụng nhiều trong cấu trúc nhà ở truyền thống ( trên 60%) bởi gỗ xoan thường được trồng ngay trong vườn nhà, dễ trồng, phát triển nhanh đặc biệt là có khả năng chịu được mối mọt và nhất là khi ngâm xuống bùn ao khoảng 5 - 6 tháng thì chúng trở lên rất bền.
Việc sử dụng loại gỗ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kinh tế của chủ nhà. Nhà có điều kiện kinh tế giàu có thì sử dụng gỗ thuộc nhóm thiết mộc( nhiều nhất vẫn là gỗ lim), nhà có điều kiện kinh tế khá thì sử dụng kết hợp giữa loại gỗ nhóm I và gỗ nhóm II. Trong đó gỗ nhóm I dùng để làm các cấu kiện chính như cột, xà, kẻ, bảy. Gỗ nhóm II sử dụng làm các cấu kiện kém quan trộng hơn không trực tiếp chịu nắng mưa như: Hoành, rui, vì phụ.
Tuy nhiên vì chính và vì thuận thường làm từ 1 đến 2 loại gỗ cùng nhóm để đảm bảo tính thống nhất của vật liệu bởi gỗ nhà truyền thống không sử dụng sơn mà để màu tự nhiên qua năm tháng sử dụng màu của chúng sẫm hơn nhưng mỗi loại gỗ lại có những sắc độ khác nhau. Vì phụ thường làm bằng gỗ xoan, gỗ mít, gỗ thừa của vì chính và vì thuận.
V.4.3.5.2. Vật liệu mái, bao che, nền
Mái: Vật liệu chủ yếu là ngói ta( ngói vẩy cá) được làm bằng đất nung, phía dưới có lớp ngói lót ( ngói chiếu) liên kết với nhau bằng chính trọng lực bản thân viên ngói và lực ma sát giữa chúng. Bờ nóc, bờ chảy, bít đốc được xây bằng gạch, ngói có đắp vữa tạo gờ chỉ.
Vật liệu bao che:
Cửa đi, cửa sổ làm bằng gỗ ( loại gỗ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của chủ nhà)
Dại chắn nắng làm bằng tre, nứa, gỗ.
Tường chủ yếu là tường gạch trong đó có hai loại tường:
Tường xây có trát vữa
Tường xây để gạch trần không trát
Với những nhà có niên đại trên 100 năm thường xây bằng loại gạch có kích thước 5cm x 7cm x 27cm; Những nhà có niên đại dưới 100 năm thường xây bằng loại gạch có kích thước 6cm x 10,5cm x 22cm.
Tường xây bằng đá ong. Đường Lâm là vùng đất đồi có nhiều đá ong. Do vậy đá ong được khai thác để xây dựng. Đá ong có đặc điểm là mềm khi ở dưới nước dễ cắt gọt, để lâu đá ong rắn chắc. Đá ong được sử dụng để xây dựng nhà ở dân gian, xây dựng tường bao quanh, xây hàng rào, cổng, bậc thềm. Vì vậy làng cổ Đường Lâm nổi bật là làng cổ đá ong.
V.4.3.6. Kỹ thuật xây dựng nhà ở dân gian truyền thống
V.4.3.6.1. Tổ chức thi công
Việc xây dựng nhà ở truyền thống nói riêng và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung do các hiệp thợ đảm nhiệm. Kết cấu nhà chủ yếu sử dụng vẫn là thảo mộc, gạch đá chỉ là phụ do vậy công việc của người thợ mộc vẫn là quan trọng nhất. Những người thợ này được kết hợp với nhau thành “hiệp” không theo một nguyên tắc nào nhất định. Thường do một người có tay nghề vững, có uy tín đứng ra chiêu nạp các thành viên để thành lập một nhóm mà dân gian gọi là hiệp thợ. Số thành viên mỗi hiệp cũng không cố định, thường là 4, 5 người nhưng cũng có thể 7, 8 người. Họ thường là những người quen biết hoặc có quan hệ họ hàng. Sự kết hợp này rất co dãn và hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện. Mỗi hiệp thợ thường có bí quyết riêng. Người đứng đầu hiệp thợ là thợ cả ( phó cả) người này tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong xây dựng truyền thống vì vậy ông không những có tay nghề cao về chuyên môn mà còn phải có tài khéo léo tổ chức công việc của hiệp thợ. Các hiệp thợ với người thợ cả có tài thì có thể tồn tại từ đời này sang đời khác, truyền kinh nghiệm của mình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Dưới ông thợ cả là những người thợ được gọi là phó mộc, còn những người đang học việc gọi là phó nhỏ.
Việc thi công ngôi nhà được người chủ nhà chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Chủ nhà chuẩn bị vật liệu xây dựng như gạch, gỗ, ngói, đầy đủ mới đi mời hiệp thợ. Người chủ nhà làm việc với người thợ cả về các yêu cầu chính như độ rộng lòng nhà, bộ vì mấy hàng cột, số lượng gian, cách sắp xếp gian, còn cách thức hình dáng của bộ vì do người thợ cả mặc sức sáng tạo. Chính vì vậy, tuy nhà có cùng loại, kiểu kết cấu nhưng hoàn toàn không phải giống nhau mà có những chi tiết nhỏ khác nhau co người thợ cả sáng tạo.
Việc thiết kế ngôi nhà truyền thống hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Từ xa xưa cho đến nay ta vẫn chưa tìm thấy một tư liệu cổ nào nói về quá trình sáng tạo xây dựng một công trình của người thợ cả lành nghề Việt Nam và cũng chưa tìm thấy một bản thiết kế công trình cổ nào được thực hiện trước khi thi công công trình được xây dựng. Việc thi công hòan toàn dựa theo kinh nghiệm và hiểu biết của người thợ cả. Mỗi phường thợ có cách xây dựng và cách tính khác nhau. Xong có chung một đặc điểm là các kích thước cấu kiện đều được vạch ra trên một cây thước tầm hay còn gọi là “ rui mực thần kỳ”. Chính vì vậy, thước tầm được xem như là “ Bản thiết kế” công trình.
V.4.3.6.2. Trình tự thi công lắp dựng
V.4.3.6.2.1. Bước 1
Sau khi chủ nhà lựa chọn nhóm thợ thi công xây dựng, phương án lắp dựng, lựa chọn nguyên, nhiên vật liệu đều được giao cho thợ cả đảm nhiệm. Mỗi nhóm thợ đều có từ 2 đến 3 tốp thợ đảm nhận các phần việc khác nhau trong công trình:
Tốp thợ nề
Tốp thợ mộc (Đóng vai trò chủ đạo)
Tốp thợ xếp ngói. (thường có từ 2 đến 4 thợ có nhiều kinh nghiệm mỗi người thợ sẽ đảm nhiệm xếp 1 mái)
Người thợ cả sử dụng các thông số mà chủ nhà giao cho, tự tính toán ra khung kết cấu và trên cơ sở đó họ lựa chọn gỗ sao cho phù hợp. Thông thường trong nhà ở truyền thống Hà Tây người ta dùng nguyên một loại gỗ, đôi khi họ sử dụng 2,3 loại gỗ kết hợp với nhau
V.4.3.6.2.2. Bước 2
Giai đoạn1: Thi công phần nền móng của đội thợ nề đồng thời với việc gia công các cấu kiện trong hệ khung kết cấu ngôi nhà của đội thợ mộc.(Trong giai đoạn này phần nền được chuẩn bị kỹ đảm bảo các yếu tố chống ẩm, mốc và sử lý côn trùng xâm nhập phá hoại công trình. Phần mộc sau khi gia công được lắp dựng thở ở bên dưới và được căn chỉnh chính xác, đồng thời các cấu kiện cũng đánh dấu vị trí với ký hiệu trùng với ký hiệu khắc trên sào mực.)
Giai đoạn 2: Thi công lắp dựng hệ thống khung kết cấu chính.
Lắp đặt các tảng chân cột đúng vị trí, vững chắc. Các tảng chân cột cùng hàng có cùng một cao độ.
Lắp dặt hệ khung cột, các ngưỡng, xà và kẻ theo nguyên tắc: Cột lắp từ giữa ra, ngưỡng xà theo vị trí lỗ mộng lắp từ dưới lên.
Căn chỉnh chân cột chính xác theo đúng vị trí lắp dựng.
Lắp dựng các cấu kiện còn lại của hệ thống vì chính, vì thuận và vì phụ như: Hệ thống thượng lương, con chồng, kẻ chuyền, đấu. Hệ thống ván dong ... Kết thúc lắp dựng các cấu kiện của hệ thống vì, khung kết cấu chính của ngôi nhà đã được lắp dựng hoàn chỉnh. Người thợ cả gác cây thước tầm lên thượng lương của ngôi nhà để lưu giữ.
Lắp dựng hệ thống kết cấu mái: bao gồm: Xà nóc, hoành, dạ tàu, chẹ tàu, lá mái, then co, dui, mè. ( Trong giai đoạn lắp dựng này công tác lắp dựng thanh xà nóc được đặc biệt coi trọng. Thông thường chủ nhà chọn ngày tốt để lắp dựng xà nóc).
Giai đoạn 3: thi công lắp dựng phần bao che công trình.
Xây phần tường che công trình, đặc biệt là tường hậu và tường đầu hồi có tác dụng che chắn và liên kết trực tiếp với mái.
Xếp ngói: Ngói được xếp cuốn chiếu từ đầu mái tới cuối mái và xếp từ dưới lên theo trình tự: Dưới cùng là lớp ngói chiếu, được xếp thẳng hàng và sát cạnh, phần hoa trang trí quay xuống dưới. Lớp ngói thứ 2 và lớp ngói lót được xếp so le, ken dày từ 2 đến 3 lớp sao cho ngói không bị xô lệch và mặt trên phẳng tương đối theo cấu trúc mái. Lớp ngói thứ 3 là lớp ngói mũi hài được lợp so le, đều theo các phương.
Xây phần bờ chảy giật cấp, hồi, bờ mái và nóc.
Gia đoạn 4: Giai đoạn hoàn thiện công trình.
Lắp dựng các chi tiết trang trí, bạo đứng, bạo ngang, cửa bức bàn, vách búp măng của vì thuận, dại che nắng, chuyến song tiền; hậu...
Lát nền, sân công trình.
VI. CÁC DI VẬT CÓ TRONG DI TÍCH
Di vật có trong di tích là toàn bộ hệ thống di vật có niên đại trải dài từ thời Trần, thời Lê đến thời Nguyễn, bao gồm hệ thống bia đá, minh văn, tượng thờ, sắc phong và các đồ tự khí ... rất phong phú, đa dạng về chủng loại, hình thức cũng như kiểu dáng. Có thể điểm kê một số chủng loại sau:
Tượng thờ:
Nét đặc sắc của tượng thờ ở Đường Lâm hội tụ đủ các yếu tố lịch sử, văn hoá, nghệ thuật tại chùa Mía. Đây là ngôi chùa nổi tiếng bởi hệ thống tượng phật đặc sắc về hình dáng, thể loại và số lượng. Trong chùa hiện tồn 287 pho tượng đất. Tiêu biểu như các pho có giá trị nghệ thuật cao, độc nhất vô nhị như tượng Tuyết Sơn, Di Lặc, Bồ Tát, Nam Hải Quan Thế Âm, Bát Bộ Kim Cương và tượng bà chúa Mía ...
Bia đá:
Tại làng cổ ở Đường Lâm hiện có 21 bia đá đã được Bộ Văn hoá thông tin kiểm kê, trong đó có 09 bia đã được đưa vào thư mục. Nhờ những tấm bia còn lại mà chúng ta lượm được một số thông tin về lịch sử địa phương, về văn hoá làng xã mà biên niên sử chính thống thường không đề cập đến.
Phụng tự bi, dựng ở đình Cam Lâm, khổ 54 x 35cm, khắc vào năm Quang Thái 3 (1390), ghi sự tích Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Phụng tự bi ký, trước ở đình giáp Đoài Thượng, nay ở phòng triển lãm Ngô Quyền (Cam Lâm), khổ 65 x 38cm, khắc năm Hồng Đức thứ 4 (1473), ghi việc thờ cúng Phùng Hưng.
Tín thí, đặt ở Tam quan chùa Mía, khổ 78 x 53cm, khắc hai mặt vào năm Vĩnh Tộ 3 (1621), ghi tên, hiệu, chức vụ của những đóng góp vào việc xây dựng chùa, chợ và việc thu thuế chợ cho chùa.
Sùng Nghiêm Tự bi ký, đặt ở chùa Mía, khổ 180 x 140cm, khắc hai mặt vào năm Đức Long 6 (16340), ghi việc trìng tu chùa vào năm 1632 và công đức của những người đóng góp.
Phụng tự bi ký, ở đền Phủ, khắc vào năm Khánh Đức 3 (1651), khổ 87 x 49 cm, ghi tiền cúng, ruộng thờ, ngày lễ của cụ ông, cụ bà, ông nội, cha mẹ và của bà Liệu.
Bia cột đá, khổ 90 x20cm, lập vào năm Chính Hoà 25 (1470), khắc bốn mặt tượng Giác Môn, Địa Tạng, Mục Liên và Bảo Vương, bài minh ,lời cầu chúc, công đức của những người đóng góp.
Hưng công bi ký, khổ 58 x 43cm, khắc hai mặt vào năm Chính Hoà 26 (1705), ghi tên những người đóng công đức.
Tu lý bi ký, ở ranh giới ba làng Cam Thịnh, Mông Phụ, Đông Sàng, dựng năm Chính Hoà 26 (1705), khổ 81 x 55cm, khắc hai mặt ghi việc tu sửa giếng do Lê Anh Tuấn đỗ Tiến sỹ năm 1694 viết.
Hậu thần bi ký, ở đình Cam Thịnh, khổ 81 x55cm, khắc hai mặt vào năm Vĩnh Thịnh 8 (1712), ghi việc Giang Thị Thắng và Cao Phúc Diễn cúng 400 quan và 2 mẫu ruộng, được dân làng tôn làm hậu thần, tiền cúng hàng năm, ngày giờ kị, danh sách con cháu hậu thần được phối hưởng.
Tiên hiền từ tự bi ký, trước ở Văn chỉ Mông phụ, nay ở nhà Truyền thống, khổ 115 x60cm, khắc hai mặt vào năm Đức Long 2 (1733), ghi tên 48 tư văn của làng.
Tu tạo Sùng Nghiêm tự tiền đường bi ký, ở Tam quan chùa Mía, khổ 90 x65cm, khắc hai mặt vào năm Cảnh Hưng 11 (1750), ghi năm làm Thượng điện, thiêu hương, Tiền đường, Hậu đường, hành lang (Đức Long 4 - 1632) và năm tu bổ lại (1750), danh sách những người có công tu bổ.
Phụng tự bi ký, ở đền Phủ Đông Sàng, khổ 91 x 49cm, khắc hai mặt vào năm Cảnh Thịnh 4 (1795), ghi năm tu bổ đền Phủ của Nguyễn Thị Chiêu Dung (Cảnh Hưng 3, 1776).
Soạn tu bi ký, ở đền Phủ, khổ 92 x 47cm, khắc hai mặt vào năm Cảnh Thịnh 4 (1795), mặt sau khắc lại bia năm Khánh Đức (1651), ghi lại ruộng cúng ở hai xã Nam Nguyễn, Đông Sàng (5 mẫu, 7 sào, 3 thước, 3 tấc) và ruộng cúng ở làng Mông Phụ ( 6 sào, 3 thước, 3 tấc ).
Đại Nam nhân sinh từ bi, trước ở Văn chỉ Mông Phụ, nay ở nhà Truyền thống, khổ 90 x 58cm, khắc một mặt vào năm Minh Mệnh 16 (1835), ghi việc Đỗ Hy Tống, hiệu Định Hiên, người Nam Định, đã có công với làng Mông Phụ, được thờ lúc còn sống.
Bản xã tiên hiền bi ký, ở từ đường Giang Văn Minh, ở thôn Mông Phụ, khổ 66 x 41cm, khắc một mặt vào năm Tự Đức1 (1847), ghi tên họ và quan tước những người khoa bảng: 5 người họ Giang, một người họ Hoàng và một người họ Phan.
Giang thị từ đường bi ký, ở nhà thờ Giang Văn Minh, thôn Mông Phụ, khổ 19 x11 cm, khắc một mạt vào năm Tự Đức 2 (1848), ghi năm lập từ đường (1845), do Giang Văn Hiến đời thứ 10 ghi.
Thám Hoa công truy trạng bi, ở từ đường Giang Văn Minh, khổ 48 x 40cm, khắc một mặt vào năm Tự Đức 2 (1848), ghi lại công trạng của Giang Văn Minh, giỗ ngày 2.6 âm lịch do Nguyễn Hữu Tạo dựa trên gia phả, Lê sử tục biên, Nam triều khai quốc công nghiệp viết lại.
Bia không đề, ở từ đường Giang Văn Minh, thôn Mông Phụ, khổ 15 x11cm, khắc một mặt vào năm Tự đức 6 (1852), ghi tên Đỗ Thị Mỹ Hạnh, vợ cả của Giang Văn Minh.
Bia không đề, ở đền Phủ, Đông Sàng, khổ 20 x46cm, khắc năm Khải Định1 (1916), ghi tên những người tô lại câu đối hoành phi.
Bản xã tiên hiền liệt vị, trước ở Văn chỉ Mông Phụ, nay ở nhà Truyền thống, khổ 60 x 40cm, khắc một mặt vào năm Khải Định 2(1917), ghi tên 11 vị trong xã đỗ đạt làm quan từ năm 1828.
Giáp Đoài đình bi, ở đình Đoài Giáp, khổ 71 x32cm, khắc 4 mặt vào năm Khải Định 6( 1921), ghi ruộng công và khoán ước, ghi tên 14 vị tân cựu chức sắc.
Minh văn:
Minh văn là chữ khắc trên đồ đồng thau. Tại làng cổ ở Đường Lâm, chỉ có Minh văn khắc trên chuông chùa. Một chuông lớn ở chùa Mía có niên đại Cảnh Thịnh 6 (1797). Bản văn do Kiều Đức Nhuận và Kiều Đức Huy, người Đông Sàng biên soạn, ghi lại những nơi đã đóng góp cho chùa như xã, phường, thôn, xóm, trấn, phố, giáp, đặc biệt còn ghi phường An Tuyết, huyện Bồng Sơn, phủ Qui Nhơn đã đóng góp than đốt... Một chuông khác treo ở chùa Mía đúc năm 1872. Chuông chùa ón ở Mông Phụ có tên là Ôn Hoà hồng chung đúc năm 1838. Chuông treo ở đình Đoài Giáp đúc năm 1859, do người trong làng cúng tiến, tên chữ là Đoài Giáp từ chung. Chuông được đúc vào thế kỷ 20 thì nhiều nhưng ít giá trị lịch sử.
Ngoài ra còn có Văn khắc trên khánh đá. Ở Đường Lâm hiện còn 2 chiếc khánh, một treo ở đình Mông Phụ, xưa ở Văn miếu, được tạo tác năm 1844 và một treo ở Tam quan chùa Mía được tạo tác năm 1846.
Gia phả:
Tại làng cổ ở Đường Lâm tuy có nhiều dòng họ nhưng rất ít nhà thờ họ, trái lại gia phả thì nhiều hơn. Đa số gia phả viết bằng chữ Hán, một số ít viết bằng Quốc ngữ. Những gia phả viết bằng chữ Hán cổ hơn, chứa đựng nhiều thông tin về dòng họ. Những gia phả bằng chữ Quốc ngữ mới xuất hiện sau này, thường đơn giản, thiếu sót. Một điều đặc biệt là gia phả đôi khi ghi cả nhánh họ mẹ. Hiện giờ, còn 11 gia phả tồn tại. Gia phả dài nhất ghi lại nhiều thế hệ trải qua khoảng 400 năm, như gia phả họ Hà, Giang, Nguyễn, Đỗ, Phan...
Sắc phong:
Sắc phong là một loại hình văn bản Hán tự cổ, do các triều đại phong kiến phong cho các vị Thành hoàng và những đối tượng là người có công. Sắc được chia làm các loại: Sắc phong thần, sắc phong lên chức, sắc phong cho làng... Sắc hiện đang lưu quản tại làng cổ ở Đường Lâm rất đa dạng và phong phú. Có thể thống kê một số đạo sắc tiêu biểu ở đình Đoài Giáp như sau:
1. Dương Hoà tam niên (1637)
2. Minh Mệnh nhị niên (1821)
3. Tự Đức nhị niên (1849)
4. Tự Đức tam thập tam niên (1880)
5. Đồng Khánh nhị niên (1887)
6. Duy Tân tam niên (1909)
7. Khải Định cửu niên (1924)
VII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - KHOA HỌC - NGHỆ THUẬT
VII.1. Giá trị lịch sử
Làng cổ ở Đường Lâm hiện tồn, có niên đại khoảng trên dưới 500 năm. Các ngôi làng cổ được hình thành cùng với quá trình dựng nước và giữ nước. Đặc điểm của các ngôi làng cổ này cùng với các thiết chế xã hội, tín ngưỡng và không gian văn hoá đã phản ánh khá đầy đủ về quá trình hình thành, lối sống, ăn ở và sinh hoạt của người dân trong xã hội phong kiến nơi đây. Những luật lệ và quan niệm dân gian để lại dấu ấn đậm nét trong sinh hoạt và xây dựng nhà ở. Đó là hình ảnh rõ nét nhất về cách tổ chức xa xưa của người dân trong xã hội cũ:
Nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một gia đình (3 đến 4 thế hệ)
Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kinh tế gia đình kiểu tự cung tự cấp: đường xá, vườn cây, chuồng trại, chăn nuôi, nghề thủ công... Chỉ có các gia đình quan lại, địa chủ, buôn bán, nhà nhiều ruộng mới có điều kiện xây dựng các căn nhà có chất lượng tốt còn tồn tại đến ngày nay.
Vật liệu làm nhà chủ yếu là vật liệu địa phương: đất, đá, gỗ, gạch ngói, rơm rạ, tre, nứa.
ơVII.2. Giá trị văn hoá
Làng cổ ở Đường Lâm có giá trị văn hoá mang đặc trưng của nền văn hoá phương Đông với cội nguồn là văn hoá nông nghiệp. Tổ chức không gian tổng thể cho thấy phương thức sống tự cung, tự cấp kết hợp với sản xuất nhỏ của người dân Việt từ ngàn đời xưa và không mấy thay đổi qua thời gian. Cách tổ chức không gian văn hoá, bài trí nội thất đã thể hiện văn hoá tổ chức cuộc sống, phong tục, tập quán và nhất là thể hiện nét đẹp văn hoá trong việc thờ cúng tổ tiên của người dân Việt Nam. Cùng với nét đẹp của văn hoá gia đình nhiều thế hệ mang tính giáo dục cao cho các thành viên trong gia đình nhờ sự ràng buộc gắn bó tình cảm ruột thịt đã giáo dục tư cách đạo đức cho thế hệ trẻ chủ nhân tương lai của gia đình, của đất nước.
VII.3. Giá trị nghệ thuật
Giá trị nghệ thuật của làng cổ ở Đường Lâm được thể hiện rõ nét nhất ở hệ thống kiến trúc tôn giáo và nhà ở dân dụng, trong đó đáng lưu ý ý là bố cục tổ chức không gian khuôn viên:
Khuôn viên được bố cục một cách chặt chẽ, hài hoà, các thành phần trong khuôn viên đều có vai trò và tư cách riêng được liên kết, ràng buộc lẫn nhau, không chèn lấn, không ôm chồng nhưng ngôi thứ rất rõ ràng, tất cả đều lấy nhà chính làm điểm qui tụ, hướng tới và đẩy cao vai trò chính của nó. Kiến trúc nhà ở truyền thống cũng giống như kiến trúc truyền thống Việt Nam nói chung không phát triển theo chiều cao mà phát triển theo bề rộng, kiến trúc dàn trải theo mặt bằng với nhiều đơn nguyên riêng rẽ nhưng được liên kết hết sức hợp lý bằng hệ thống sân, vườn, ao, cây xanh, lối đi...Mặt khác kiểu dáng, vật liệu của từng gian kèo đều mang tính thống nhất cao và có một tiếng nói chung với nhau điều đó vừa đảm bảo yêu cầu công năng của từng gian kèo vừa cải tạo vi khí hậu, cảnh quan môi trường trong khuôn viên.
Mặt bằng tổ chức không gian: Mặt bằng tổ chức không gian nhà ở truyền thống được bố trí hết sức hợp lý trong một không gian có diện tích hẹp và chịu sự gò bó của kiến trúc gỗ (với bước cột, bước gian nhỏ) đó là:
Tính độc lập, khép kín của những không gian cần thiết.
Trong xã hội phong kiến không coi trọng phụ nữ bằng nam giới thì việc tổ chức không gian buồng ( ở hai gian trái ) làm nơi ngủ, sinh hoạt cho phụ nữ là hết sức hợp lý. Chúng được ngăn chia với ba gian chính bằng vách thuận có cửa nhỏ ngay sát cửa ra vào gian bên vừa kín đáo vừa ra vào thuận tiện mà không ảnh hưởng tới xung quanh, mặt khác gian buồng cũng là nơi ở, sinh hoạt của vợ chồng người con trai, cất giữ lương thực, vật dụng gia đình một cách an toàn tránh được sự chú ý của người lạ.
Tổ chức không gian mở có tính chất đa năng.
Việc tổ chức ba gian giữa thông nhau có vai trò như một không gian đa năng, không gian động đáp ứng khá tốt các hoạt động sống trong gia đình: thờ cúng tổ tiên ông bà, tiếp khách, sinh hoạt chung, ngủ của đàn ông và trẻ nhỏ, sản xuất thủ công (đan nát, may vá, thêu thùa). Khi cần thiết không gian này có thể mở rộng ra phía trước cùng với hiên và sân tạo ra không gian đủ rộng cho các việc lớn của gia đình: giỗ chạp, ma tray, hiếu hỉ, sản xuất có quy mô lớn, bằng việc tháo lắp hệ thống giại chắn nắng, mở rộng hoặc tháo nắp hệ thống cửa bức bàn.
Trang trí bên ngoài và bên trong nhà.
Trang trí bên ngoài và nội thất trong nhà hết sức giản đơn và tinh tế. Ngoài nhà lấy sự gắn kết với thiên nhiên cảnh vật xung quang làm tư tưởng chủ đạo, vật liệu sử dụng ở dạng thô mộc dễ gần gũi với tự nhiên. Tỷ lệ mái nhà - thân nhà - nền nhà rất hài hoà với tỷ lệ con người, mặt đứng nhà đối xứng qua gian giữa nhưng bằng sự tinh tế trong trang trí tuân theo các qui luật nhất định đã mang lại cảm giác đăng đối nhẹ nhàng và gần gũi cho con người khi đứng trước ngôi nhà. Cảm giác đó đem đến nhờ sự kết hợp hài hoà, tương phản giữa hệ thống mái với những đường nét trang trí của bờ nóc, bờ giải, đấu mái, diềm mái và sự nhẹ nhàng của hệ thống cửa bức bàn, của các tấm giại, tất cả đặt trên sự ổn định của phần đế làm bằng các vật liệu thô mộc: gạch, đá tảng.
Giá trị nghệ thuật kiến trúc còn được thể hiện rõ nét qua nội thất công trình. Trước hết, ta phải nói đến vẻ đẹp tự thân của hệ kết cấu bộ khung ngôi nhà. Kết cấu gỗ được bộc lộ một cách chân thật không hề bị che dấu, không trang trí giả tạo. Không gian bên trong nhà do hệ kết cấu tạo ra rất cân xứng, đơn giản mà không hề lộ vẻ khô khan. Những đường cong tạo dáng của kẻ, đường cong phình ra của cột, của câu đầu, các đường gờ chỉ của các thanh xà, kẻ tạo cảm giác mềm mại, vững chắc cho kết cấu. Thêm vào đó, trang trí điêu khắc gỗ vỡi những đường chỉ soi liên tục, hoa văn chuyển tiếp từ cấu kiện này đến cấu kiện khác đã tránh được cái thô mộc, nặng nề của vật liệu gỗ. Tỷ lệ công trình hài hoà, gần gũi với đời sống con người. Nội thất trong nhà lấy sự gắn kết giữa các vật dụng: bàn, ghế, giường, tủ, phản gỗ, tràng kỷ, với trang trí điêu khắc gỗ làm chủ đạo. Kiểu dáng kết cấu, hoa văn trang trí trên bộ vì và vách ngăn cùng với chi tiết hoa văn trạm khắc trên cửa võng ban thờ, hoa văn trên tủ thờ, trên sập gỗ, trên trường kỷ, hoà quyện vào nhau trong một không gian mang tính thống nhất cao phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của con người.
Giá trị kiến trúc còn thể hiện ở tính thống nhất. Chúng liên hệ chặt chẽ với nhau qua từng chi tiết, kiến trúc có không gian tổng thể phong phú, kết hợp trong và ngoài nhà một cách khéo léo. Không gian chuyển tiếp từ trong ra ngoài theo kiểu “ kín” của buồng, “ nửa kín, nửa mở” của hiên và “ mở” của sân, vườn, ao, đã kéo thiên nhiên vào sát công trình để làm tăng vẻ duyên dáng và gần gũi hơn. Cảnh quan ngoài nhà hoà quyện với không gian nội thất trong nhà thông qua sự chuyển tiếp từ ngoaì vườn, đến sân, đến hiên, vào trong nhà qua hệ thống cửa mở rộng ở các gian, hoa lá của cây cối ngoài vườn hoà cùng hoa văn trên các vật dụng, hoa văn trên bộ vì, trên vách mang lại sức sống mãnh liệt cho ngôi nhà truyền thống. Với kiểu dáng kiến trúc mộc mạc gần gũi với thiên nhiên, phong cảnh, kiến trúc nhà ở truyền thống vẫn giữ được những nét riêng độc đáo và bản địa, do đó đã không bị đồng hoá trong nền kiến trúc phương Đông nói chung.
VII.4. Giá trị khoa học
Làng cổ ở Đường Lâm có nhiều giá trị khoa học trong việc sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu truyền thống và điều kiện tự nhiên, môi trường, hạn chế được những bất lợi của khí hậu thông qua việc:
Khi xây dựng các công trình kiến trúc phải lựa chọn vị trí và hướng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu đất, thường là khu đất cao, quay về hướng Nam hoặc Đông Nam mà không phạm vào các điều cấm kị.
Lựa chọn vật liệu sẵn có tại địa phương: gỗ xoan trồng trong vườn nhà, tre, nứa, gạch, ngói ở trong làng và vùng lân cận. Kiến trúc sử dụng từng loại vật liệu tuỳ theo điều kiện khai thác của mỗi vùng.
Để chống dột và nhất là để chống nóng, người ta sử dụng hệ mái dày với nhiều lớp xếp chồng lên nhau đã hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của vùng khí hậu nóng ẩm mưa nhiều.
Sử dụng các tấm dại đan bằng tre và hệ thống cửa bức bàn gỗ ngăn không cho bức xạ mặt trời và không khí nóng từ ngoài sân vào trong nhà.
Nền nhà lát gạch hoặc bằng đất nện vừa mát về mùa hè vừa hút ẩm vào những ngày có độ ẩm cao.
Sử dụng các loại vật liệu tốt, bền cho các thành phần, cấu kiện quan trọng: gỗ lim, gỗ đinh cho bộ vì, vách thuận. Các thành phần kém quan trọng hơn hoặc dễ thay thế người ta sử dụng các vật liệu có độ bền kém hơn với kinh phí rẻ hơn: dại chắn nắng làm bằng tre, hệ thống cửa, rui, hoành.
Để tránh ẩm, mốc, mối mọt sâm thực nhà ở truyền thống Đường Lâm thường làm các chân tảng đá để đỡ các cột, các cửa có ngưỡng ngăn không cho côn trùng vào nhà và tránh hiện tượng sâm thực lên hệ thống cửa.
Các hình thức liên kết của bộ khung mang tính ổn định và bền vững, chúng không sử dụng đinh trong liên kết mà chủ yếu dựa vào hình thức liên kết: mộng sập, mộng xiên, mộng ngàm, mộng luồn, mộng đầu tua, mộng đuôi cá, ngoãm, con sỏ.
Nhà ở truyền thống có tường bao che cũng tham gia chịu lực, các thanh hoành gian dĩ gác trực tiếp lên tường thu hồi, kẻ hậu gác lên tường hậu điều đó làm hạ giá thành công trình và tăng cường sự ổn định cho ngôi nhà.
Kỹ thuật xây dựng nhà mang tính chất kế thừa và sáng tạo đòi hỏi người thiết kế phải am hiểu kỹ về kiến trúc truyền thống để áp dụng một cách có sáng tạo.
VIII. TRẠNG THÁI BẢO QUẢN
Trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay, vấn đề bảo tồn di sản văn hoá, di sản kiến trúc làng cổ ở Đường Lâm đang được khẩn thiết đề ra. Các vấn đề như không gian làng cổ và các công trình văn hoá... Đặc biệt là số lượng nhà truyền thống đã bắt đầu có dấu hiệu biến đổi về kiến trúc và cảnh quan môi trường. Qua khảo sát thực tế cho thấy:
Mộng Phụ có khoảng 100/350 nhà cổ; Cam Thịnh 17/182 nhà cổ; Đoài Giáp có 8/214 nhà cổ.
Nhà có niên đại lâu năm (trên 200 năm) có số lượng rất ít (khoảng 5%) chủ yếu là nhà có niên đại khoảng gần 100 năm.
Nhà có giá trị nghệ thuật kiến trúc được coi là đặc sắc chiếm số lượng nhỏ ( khoảng 10 %).
Nhà lâu năm giữ được nguyên vẹn tổng thể và các thành phần chức năng rất hiếm, đa số chỉ giữ lại được nhà chính.
Nhà xuống cấp và bị chắp vá chiếm số lượng lớn.
Mỗi ngôi nhà truyền thống riêng rẽ còn tồn tại đều có một giá trị nhất định ở: bộ khung, hình thức kết cấu, bộ cửa, vật liệu xây dựng hay một chi tiết trạm khắc hoa văn, nếu đem gom lại thì chúng ta có một giá trị to lớn hơn nhiều đó là: sự đa dạng và phong phú về hình thức trang trí và tổ chức không gian của nhà ở truyền thống, các thành phần còn tồn tại của mỗi ngôi nhà bổ xung lẫn nhau cho chúng ta một cái nhìn khá toàn diện về loại hình nhà ở truyền thống đã và đang tồn tại trên vùng đất giàu truyền thống thuộc đồng bằng bắc bộ. Với tình hình hiện trạng hiện nay của nhà ở truyền thống, công tác bảo tồn là cấp thiết và cần có kế hoạch triển khai cụ thể. Việc cấp đất giãn dân, qui hoạch các công trình công cộng...
Do vậy, nét nổi bật trong thập kỷ gần đây đối với cuộc sống ở khu làng cổ là vấn đề bảo tồn di sản văn hoá, cả văn hoá vật thể và phi vật thể ở khu vực này.
Về di sản văn hoá vật thể, tại làng cổ ở Đường Lâm có 16 di tích, bao gồm đình, đền, chùa, nhà thờ họ, lăng mộ... Trong đó có 07 di tích đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng, 01 di tích được Uỷ ban nhân dân Tỉnh xếp hạng (xem phụ lục 01) và 08 di tích chưa được xếp hạng (xem phụ lục 02). Đặc biệt có chùa Mía là di tích được Bộ Văn hoá thông tin xếp loại đặc biệt quan trọng. Ngoài ra còn có trên dưới 1000 ngôi nhà được xây cất bằng các chất liệu truyền thống đã được thống kê thường tập trung ở các làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng và Cam Lâm.
Về di sản văn hoá phi vật thể, còn bảo lưu được các lễ hội, phong tục tôn vinh các anh hùng dân tộc, lưu giữ hơn 2000 trang văn bản Hán nôm ghi chép ngọc phả của làng, gia phả các dòng họ cùng với các tấm bi kýý, hoành phi... ca ngợi quê hương Đường Lâm qua các thời kỳ lịch sử.
Về môi trường sinh thái, nghề truyền thống, Đường Lâm cũng đóng góp những sản vật độc đáo như cơm phố Mía, giống gà Mía nổi tiếng; rặng ruối cổ, Đồi Gươm, Đồi Hổ Gầm... gắn với Phùng Hưng, Ngô Quyền và nhiều địa danh khác, minh chứng cho vùng đất địa linh nhân kiệt.
Do vậy việc bảo quản và xây dựng các công trình văn hoá tại làng cổ ở Đường Lâm hiện nay cho xứng với vị thế của làng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế của địa phương và của tỉnh là một yêu cầu cấp thiết.
Năm 2003, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Văn hoá thông tin, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, Cục Tài sản Văn hoá Nhật Bản và Cục Di sản Văn hoá (Trước đây là Cục Bảo tồn Bảo tàng) đã kýý kết Bản thảo luận về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ và quản lý các công trình xây dựng và làng cổ truyền trong thời gian 06 năm vào ngày 11 tháng 03 năm 2003. Căn cứ nội dung văn bản đã ký kết đó các chuyên gia Cục Tài sản Văn hoá Nhật Bản, Đại học Nữ Chiêu Hoà, Jica Nhật Bản phối hợp với chuyên gia Việt Nam ở Cục Di sản Văn hoá đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát điều tra lấy tư liệu cơ bản. Từ năm 2003 đến tháng 12 năm 2004, phía Nhật Bản đã tổ chức một số cuộc khảo sát lấy tư liệu về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tại Đường Lâm, trước tiên tập trung ở bốn làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng và Đoài Giáp. Phía Việt tham gia nghiên cứu về các vấn đề cụ thể về văn hoá vật thể và phi vật thể tại hiện trường. Cụ thể là Viện Nghiên cứu kiến trúc đã và đang tổ chức vẽ ghi hiện trạng kiến trúc các ngôi nhà cổ tại các làng trên. Khoa Địa chất Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia vẽ bản đồ. Những bản vễ kiến trúc từng ngôi nhà đã được điền vào tấm bản đồ trên bằng công nghệ kỹ thuật số để phục vụ cho việc tra cứu thuận tiện, nhanh chóng chính xác. Những kết quả khảo sát đo vẽ đã cho nhiều kết quả về sự phân bố, phong cách kiến trúc, mật độ tập trung các ngôi nhà cổ tại Đường Lâm.
Tuy vậy trong quá trình lập qui hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cần tập trung vào các vấn đề sau:
Việc lập kế hoạch, khảo sát điều tra cả về vật thể và phi vật thể, phải tiến hành song song với quá trình vận động cộng đồng nhân dân địa phương tham gia vào công tác bảo tồn tại địa phương.
Cần có sự phối hợp liên ngành không chỉ các nhà khoa học tham gia xây dựng qui hoạch mà cả các ngành liên quan đang có những hoạt động xung quanh khu vực di sản.
Xác định thứ tự ưu tiên trong qui hoạch, xây dựng lộ trình thực hiện qui hoạch.
IX. CÁC PHƯƠNG ÁN VÀ BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH
Để bảo vệ và sử dụng tốt di tích làng cổ ở Đường Lâm, các cấp ban ngành cần triển khai các hoạt động nghiệp vụ để có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích, các ngôi nhà truyền thống trong khu vực. Về vấn đề này đã có nhiều cuộc hội thảo trong và ngoài nước nhằm bảo tồn và tôn tạo làng cổ Đường Lâm; đồng thời tiến hành lập Hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền công nhận làng cổ Đường Lâm là di tích Lịch sử - văn hoá. Sau khi được công nhận là di sản cấp Quốc gia, các hoạt động tiếp theo là:
- Xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ công nhận các di tích thành phần trong khu vực, đặc biệt là đối với kiến trúc dân dụng;
- Xây dựng kế hoạch bảo tồn những giá trị văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể;
- Lập kế hoạch từng bước khôi phục những điểm di tích có giá trị như nhà, di tích diển hình để xây dựng tuyến tham quan;
- Xây dựng đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn về di sản kiến trúc;
- Có hình thức tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản đối với người dân sống trong khu vực, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của họ đối với làng cổ và những di sản mà họ đang sở hữu;
- Lập trang Web trên hệ thống Internet. Đây là hình thức tuyên truyền và phổ bác những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Những chính sách này rất phù hợp với chủ trương của UNESCO mà Việt là một thành viên về việc"Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc", "Bảo tồn và phát triển văn hoá hữu thể và vô thể ". Song để bảo tồn và phát huy tác dụng của loại hình văn hoá vật thể và phi vật thể tại làng cổ Đường Lâm, Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Lãnh đạo tỉnh cần đưa ra những chủ trương và chính sách cụ thể, hữu hiệu về những vấn đề sau:
+ Có kế hoạch giữ gìn những ngôi nhà truyền thống từ xưa còn lại, tu tạo nâng cấp để trở thành điển mô...
+ Đối với những ngôi đình, đền thờ, lăng mộ...cần có hình thức phát huy tác dụng cụ thể để có thể trở thành những "Bảo tàng sống".
+ Phối hợp xây dựng mô hình làng cổ ở Đường Lâm với các cấp ban ngành có liên quan.
+ Phục hồi các lễ hội dân gian cổ truyền trong làng cổ. Trên cơ sở đó xây dựng mô hình và hình thành lễ hội dân gian trong thời hiện đại.
+ Chú ý bảo vệ môi trường cảnh quan, không xây dựng các ngôi nhà ở hiện đại và công trình mới ở làng cổ trọng điểm Mông Phụ.
+ Các nhà ở cổ bị xuống cấp cần sửa chữa, nhất thiết phải bảo tồn được các yếu tố gốc.
+ Các làng Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm chọn các nhà cổ tiêu biểu cùng các di tích, cảnh quan có giá trị Lịch sử - văn hoá của làng đã và chưa xếp hạng để khoanh vùng bảo vệ nhằm tạo ra không gian làng cổ ở Đường Lâm trên cơ sở lấy làng Mông Phụ làm trọng điểm.
Khu vực bảo vệ I của di tích là toàn bộ làng Mông Phụ bao gồm các nhà cổ có giá trị (Xem phụ lục 03, 05) và 08 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh (Xem phụ lục 01). Ở Mông Phụ cần bảo tồn cổng làng Mông Phụ và tất cả các điếm của làng Mông Phụ, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Đông Sàng. Phạm vi bảo tồn của khu vực I còn gồm cả các ngôi miếu và các giếng nước của các làng nói trên. Đối với các làng Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm một số ngôi nhà ở truyền thống có giá trị kiến trúc nghệ thuật lâu đời (Xem phụ lục 06, 07, 08) và các di tích như Đền, lăng Ngô Quyền, đền thờ Phùng Hưng, rặng ruối nghìn năm tuổi ... cũng thuộc khu vực bảo vệ I của di tích.
Khu vực bảo vệ II:
Là toàn bộ các làng Cam Thịnh, Cam Lâm, Đông Sàng, Đoài Giáp và khu vực ruộng đồng ao hồ... của làng Mông Phụ.
Để bảo tồn được khu vực I cần thực hiện theo điều 32 Luật Di sản văn hoá là bảo vệ nguyên trạng. Chính quyền các cấp cần có biện pháp tạo quĩ đất giãn dân.
Phương châm bảo tồn là: Giữ nguyên hiện trạng diện tích đất ở và đường đi hiện có trong làng. Các ngôi nhà cổ ở làng Mông Phụ sẽ được phân thành 03 loại:
Nhà loại I: Là ngôi nhà truyền thống có niên đại xây dựng lâu đời, kiến trúc mái ngói ri, vì kèo gỗ truyền thống. Những ngôi nhà này được bảo tồn toàn bộ kiến trúc và nội thất ngôi nhà chính.
Nhà loại II: Là ngôi nhà truyền thống đã cải tạo, sửa chữa dưới thời Pháp thuộc. Những ngôi nhà này được bảo tồn hình thức kiến trúc bên ngoài và nội thất ngôi nhà chính.
Nhà loại III: Là những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại. Chấp nhận hiện trạng của những ngôi nhà này. Khi sửa chữa cần đưa trở về hình thức kiến trúc nhà ở truyền thống.
Các loại cổng của những ngôi nhà cổ với những loại vật liệu đá ong và gạch nung truyền thống sẽ bảo tồn và tu bổ nguyên trạng. Loại cổng có mái xây bằng gạch nung truyền thống cũng bảo tồn và tu bổ theo nguyên trạng. Loại cổng có hình thức kiến trúc và vật liệu xây dựng mới khi tu bổ sẽ điều chỉnh theo kiến trúc của những loại cổng của nhà truyền thống.
Trong phương án bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm, cần bảo tồn các loại tường rào xây bằng đá ong và gạch nung truyền thống. Bảo tồn 05 giếng nước cổ hiện có và khôi phục 02 giếng nước đã bị lấp ở thôn Mông Phụ. Đối với các nghề thủ công như nghề làm tương, làm kẹo dồi, kẹo lạc, xôi vò... cũng cần được bảo tồn để phục vụ khai thác du lịch
X. CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ DI TÍCH
Làng cổ Đường Lâm được bảo vệ bằng hệ thống văn bản pháp qui như sau:
- Luật Di sản văn hoá đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/06/2001 tại kỳ họp thứ 9 khoá X và được Chủ tịch nước ký Lệnh số 09/2001/L-CTN ngày 12/07/2001;
- Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá;
- Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại phiện họp thứ 19 ngày 18/06/2004 và được Chủ tịch nước ký Lệnh số 18/2004/L-CTN công bố ngày 29/06/2004;
- Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin về việc ban hành Qui chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích Lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh ;
- Hồ sơ pháp lý các di tích đã được Nhà nước công nhận cùng hệ thống văn bản pháp qui của các ban ngành có liên quan;
- Công văn số 509 CV/SVHTT ngày 16/11/2004 của Sở Văn hoá thông tin Hà Tây về việc bảo vệ và lập Hồ sơ xếp hạng làng cổ Đường Lâm;
- Công văn số 5034 CV/UB -VX ngày 24/11/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây về việc bảo vệ và xếp hạng làng cổ Đường Lâm;
- Công văn số 38/DSVH -DT ngày 18/01/2005 của Cục Di sản văn hoá về việc triển khai thực hiện Dự án làng cổ Đường Lâm;
XI. KIẾN NGHỊ .
Làng cổ ở Đường Lâm được chọn lựa bao gồm làng cổ trọng điểm là làng Mông Phụ và các làng cổ phụ cận là Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm. Tuy nhiên, qui mô và số lượng các ngôi nhà ở những thôn này là rất lớn. Các ngôi nhà truyền thống có giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật trong các làng cổ phụ cận còn lại không nhiều, đồng thời phân bố rải rác và xen kẽ trong các ngôi nhà hiện đại, vì vậy cần có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của di tích.
Xuất phát từ những nội dung, giá trị tổng lược đã nêu ở các phần trên, Ban Quản lý di tích Hà Tây kính đề nghị Sở Văn hoá thông tin Hà Tây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây, Cục Di sản Văn hoá - Bộ Văn hoá thông tin xem xét và ra Quyết định công nhận làng cổ ở Đường Lâm là một di tích Lịch sử - văn hóa .
Nguồn VH Hà Tây
Nguồn : http://duonglam.vn.
dienbatn giới thiệu.
Xin theo dõi tiếp bài 2.
1.LÝ LỊCH DI TÍCH LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM
TÊN GỌI Đường Lâm là một địa danh cổ thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Xã Đường Lâm hiện nay gồm có chín làng là: Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang và Văn Miếu. Vì thế, làng cổ ở Đường Lâm là tên gọi chung của di tích. Trong đó, trọng tâm của làng cổ ở Đường Lâm được định vị là làng Mông Phụ, còn các làng Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm chọn lựa nhà cổ tiêu biểu cùng với các di tích của làng, cảnh quan đặc trưng để khoanh vùng bảo vệ nhằm tạo ra không gian bổ trợ cho làng cổ (Sau đây gọi chung làng cổ trọng điểm ở Đường Lâm là làng Mông Phụ và các làng cổ phụ cận như Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm là làng cổ ở Đường Lâm)
Trong tâm thức của nhiều người, nói đến Đường Lâm người ta thường liên tưởng địa danh "Kẻ Mía","Một ấp hai vua". Địa danh này xuất hiện khá sớm trong các thư tịch cổ như: Việt điện u linh, Thiên ngữ lục, Lịch triều hiến chương loại chí... Hồ sơ di tích này viết về làng cổ ở Đường Lâm.
Làng cổ ở Đường Lâm là tên gọi chính thức của di tích.
ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ - ĐƯỜNG ĐẾN DI TÍCH
Xã Đường Lâm nằm ở vị trí tiếp giáp với các địa danh:
- Phía Đông: Giáp phường Phú Thịnh
- Phía Tây: Giáp xã Cam Thượng (huyện Ba Vì)
- Phía Nam: Giáp xã Thanh Mỹ và Xuân Sơn
- Phía Bắc: Giáp sông Hồng( bên kia sông là tỉnh Vĩnh Phúc)
Trong đó, làng cổ trọng điểm ở Đường Lâm là làng Mông Phụ được xác định như sau:
- Phía Đông: giáp làng Cam Thịnh
- Phía Tây: giáp làng Đoài Giáp
- Phía Nam: giáp làng Yên Mỹ, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây
- Phía Bắc: giáp quốc lộ 32 và làng Đông Sàng
Các làng cổ phụ cận ở Đường Lâm tiếp giáp với làng cổ trọng điểm Mông Phụ là:
- Phía Đông: làng Cam Thịnh
- Phía Tây: làng Đoài Giáp
- Phía Bắc: làng Đông Sàng
Trong đó, làng Cam Lâm tiếp giáp với phía Tây của làng Đoài Giáp
Khu vực này, nguyên là phần đất thuộc địa danh xứ Đoài - vùng bán sơn địa, được nhắc đến nhiều trong sử sách. Trong các làng cổ thuộc Đường Lâm, làng cổ trọng điểm Mông Phụ là trung tâm nghiên cứu, khảo sát của hồ sơ di tích này.
\ờng đến di tích
Từ thị xã Hà Đông tới làng cổ ở Đường Lâm, ta có thể đi theo hai đường:
- Một là: Từ thị xã Hà Đông theo đường 32 đi khoảng 40 km đến thị xã Sơn Tây, đi tiếp 4,5 km là tới di tích.
- Hai là: Từ thị xã Hà Đông xuôi theo cao tốc Láng - Hoà Lạc khoảng 20 km tới ngã ba Hoà Lạc, rẽ phải theo đường 21A lên thị xã Sơn Tây, đi tiếp 4,5 km là tới nơi.
Có thể tới làng cổ ở Đường Lâm bằng các phương tiện giao thông như: Ô tô, xe máy, xe đạp đều rất thuận tiện.
SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Theo cố GS sử học Trần Quốc Vượng thì Đường Lâm là địa danh có vị thế đắc địa theo thế "Toạ sơn vọng thuỷ", tức là lưng tựa vào núi Tản, mặt ngoảnh ra sông Hồng. Đây là vùng đất cổ, một ấp hai vua và cũng là "Tứ giác nước", được bao bọc bởi sông Đà, sông Tích - Một chi lưu nối với sông Đà, sông Đáy.
Trong địa phận Đường Lâm có 36 đồi gò là vùng trước núi của non Tản, còn rất nhiều địa điểm, di tích mà ở đó chứng tỏ sự phát triển của đường Lâm ngày nay gắn liền với sự phát triển của thị xã Sơn Tây.
Theo những tư liệu đã nêu ở phần I thì địa danh này đã xuất hiện cách đây trên dưới 1000 năm. Năm 1496, trấn sở Sơn Tây đóng tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai (nay thuộc Tản Hồng, Ba Vì) và thời đó gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên. Đến thời Lê Cảnh Hưng( 1740 - 1786) do bị ngập lụt, nước làm lở thành, trấn sở được dời về Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm). Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), trấn sở dời về thôn Thuần Nghệ, huyện Minh Nghĩa lúc đó (nay thuộc nội thị Sơn Tây). Năm 1831, trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây và trấn lị trở thành tỉnh lị. Năm 1924, thực dân Pháp đổi trấn sở Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây. Tuy là thị xã nhưng vẫn là thủ phủ của hai phủ Quốc Oai, Quảng Oai và bốn huyện Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất và Bất Bạt.
Theo Tiến sỹ sử học Đỗ Đức Hùng thì Đường Lâm là cái tên Hán hoá vào thời thuộc Đường. Đầu thời Đường, tên Đường Lâm được biết đến là một trong ba huyện của quận Phúc Lộc, gồm Nhu Viễn, Đường Lâm, Phúc Lộc. Đến năm Chí Đức thứ 2 nhà Đường (757) chính quyền đô hộ lại đổi lại thành quận Đường Lâm. Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, một tài liệu viết vào thời Trần thì lại ghi là châu Đường Lâm. Về sau, những cái tên gọi như Cam Giá, Cam Tuyền, Cam Đường, Cam Lâm, Cam Giá Thượng... đều thuộc vùng đất Kẻ Mía mà ra.
Đến thời Lê, vùng Kẻ Mía được tách ra làm hai, đặt tổng Cam Giá Thượng thuộc huyện Tiên Phong( nay là xã Cam Thượng) và tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Lộc (sau gọi là Phúc Thọ), tức là địa bàn xã Đường Lâm ngày nay.
Từ sau Cách mạng tháng 8, tổng Cam Giá Thịnh có tên mới là xã Phùng Hưng. Đến ngày 21/11 năm 1964 xã Phùng Hưng đổi thành Đường Lâm, trực thuộc huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Năm 1965 tỉnh Sơn Tây sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Cùng năm đó, chính quyền Trung Ương quyết định sáp nhập ba huyện là Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện thành huyện Ba Vì. Năm 1976 sáp nhập Hà Tây với Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Ngày 29/12/1978 Quốc hội thông qua đề nghị chuyển huyện Ba Vì về thủ đô Hà Nội. Năm 1982 Đường Lâm được sáp nhập vào thị xã Sơn Tây vẫn thuộc thành phố Hà Nội. Ngày 1/11/1991, thị xã Sơn tây lại được chuyển về tỉnh Hà Tây. Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây cho đến ngày nay.
Nhiều chặng đường lịch sử của dân tộc còn ghi dấu ấn tại Đường Lâm. Thời Hùng Vương, ở đây, cùng mấy làng lân cận còn rất nhiều địa danh được nhắc trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh. Thời Hai Bà Trưng, có đến hơn 10 vị tướng của Bà. Đây cũng là quê hương, là đất thang mộc của hai vị vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền. Quê hương của Lý Đế cũng quanh quất đâu đây. Đất này còn có các danh nhân như bà chúa Mía, Giang Văn Minh, Kiều Oánh Mậu...
Về mặt di tích, nơi đây còn một quần thể trải đều liên hoàn trong tất cả các làng với đủ loại hạng mục như đình, chùa, đền, phủ, miếu, am, quán, lăng mộ, nhà thờ danh nhân, di chỉ cổ đại với hàng vạn hiện vật của thời kỳ đồ đá mới. Việc khai quật khảo cổ học năm 1971 ở Bến Mả (Văn Miếu) là một minh chứng cho vấn đề này.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, từng thành tố đơn lẻ của làng cổ có bị thay đổi và có niên đại xây dựng không sớm, nhưng về tổng thể, khu vực này vẫn bảo lưu được cơ cấu không gian làng của một làng cổ thuần Việt.
Trên cơ sở nghiên cứu hiện trạng, thấy được giá trị đó mà các cấp Ban ngành Trung Ương và tỉnh Hà Tây đã có định hướng cụ thể để bảo tồn và phát huy tác dụng của làng cổ ở Đường Lâm.
LOẠI HÌNH DI TÍCH
KHẢO TẢ DI TÍCH
Tổng quan làng cổ
Làng Mông Phụ .
Từ thị xã Sơn Tây xuôi theo quốc lộ 32 khoảng 4,5 km, rẽ trái theo con đường đã được trải nhựa uốn khúc mềm mại chừng 400 m, ta bắt gặp cổng làng Mông Phụ - một biểu trưng truyền thống đặc sắc của ngôi làng Việt cổ truyền. Có thể nói, cổng làng Mông Phụ là cổng làng duy nhất còn lại ở Đường Lâm. Cổng này đủ rộng để một chiếc xe tải có thể chạy qua. Cổng được làm theo kiểu "Thượng gia hạ môn" - trên là nhà, dưới là cổng. Cổng này được xây bít đốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui, trên mái lợp ngói. Thượng lương còn rõ dòng chữ khắc trên gỗ:"Thế hữu hưng nghi đại", nghĩa là: Cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi. Đó là phương châm xử thế của người xưa truyền lưu. Qua cổng đi tiếp theo hương lộ là tới trung tâm của làng. Nhìn một cách tổng thể, làng Mông Phụ nằm trên thế đất hình con rồng: Đầu rồng chính là nơi toạ lạc của đình Mông Phụ, hai mắt là hai giếng cạnh đình, râu toả ra các ngõ xóm, đuôi vắt về xóm Sải.
Theo học giả Dân tộc học người Pháp gốc Việt Nguyễn Tùng thì Mông Phụ là một làng bán sơn địa, toạ lạc trên đồi gò. Làng này tựa lưng vào thềm núi Tản, xung quanh có sông Tích uốn lượn quanh co. Làng nhìn - hướng mở - ra sông Hồng.
Theo sách Đại nam nhất thống chí thì lị sở của trấn Sơn Tây được rời từ xã La Phẩm, huyên Tiên Phong đến địa phận xã Mông Phụ vào thời Cảnh Hưng (1740-1786). Trước Cách mạng tháng 8, Mông Phụ còn có Văn Miếu của tỉnh Sơn Tây nằm kế cận phố Văn Miếu. Theo hương ước 1921 của làng, phố này có trưởng phố đứng đầu. Sau năm 1954, Văn miếu trở thành một xóm vẫn thuộc Mông Phụ. Xưa kia một số người dân trong các họ ở làng Mông Phụ chuyển ra sinh sống rồi sau hàng thế kỷ thì trở thành làng Phụ Khang ngày nay. Về kinh tế thì Mông Phụ là một làng thuần nông, với đầy đủ các thiết chế của một làng Việt cổ truyền với sự quần tụ đông đúc bởi các dòng họ như họ Nguyễn, họ Hà, họ Giang, họ Phan, họ Đỗ, họ Kiều, họ Bùi (chỉ có một gia đình về đây lập cư khoảng vài chục năm nay). Trong các dòng họ này thì dòng họ Giang và họ Phan là hai dòng họ trâm anh thế phiệt, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài đã được sử sách ghi nhận, ca tụng. Chính vì thế người dân nơi đây đã kiến tạo nên đời sống văn hoá đặc sắc đến ngày nay.
Sau những đợt khảo sát, điều tra thực địa giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, gần đây Bộ V.H.T.T và U.B.N.D tỉnh Hà Tây đã nhất trí chọn sự bảo tồn và phát huy làng cổ ở Đường Lâm bao gồm trọng tâm là làng Mông Phụ và phạm vi điều chỉnh bảo tồn các làng Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm cùng tất cả các di tích Lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng. Nhìn trên bản đồ xã Đường Lâm "làng cổ ở Đường Lâm" là làng Mông Phụ.
Trước đây di tích thường lấy đơn chiếc là ngôi đình, chùa, đền, miếu... Sự định hướng bảo tồn gần đây là làng Mông Phụ gồm tất cả các ngôi nhà cổ của dân, từ cổng làng, tường rào, đường đi, giếng nước, bờ ao, điếm canh... đến phong tục tập quán, nghề thủ công, cảnh quan và tổ chức không gian làng sẽ là một đơn vị di tích mang tính phức hợp giống như phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã được UNESCO xếp hạng hoặc phố cổ Hà Nội đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Khác phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội, làng cổ ở Đường Lâm ngoài những ngôi nhà cổ, nhiều ngôi nhà được xây dựng ở đây mang đậm phong cách truyền thống về kiến trúc cũng như thẩm mỹ. Có ngôi nhà năm hàng chân cột, bốn hàng chân, ba hàng chân và quá giang trốn cột với những vì kèo kẻ chuyền, chồng giường, cửa bức bàn bằng gỗ đặc... với những hoạ tiết hoa văn dân giã. Ngoài nhà chính (nhà trên) là nhà phụ - nhà ngang, nhà bếp. Ý niệm "lấy vợ hiền hoà làm nhà hướng nam", vào nhà bếp "ngồi đông mông tây", sân lát gạch, tường đá ong, vườn cây ăn quả, cây cảnh... đều được người dân sống trong ngôi nhà cổ 6 - 7 đời người giữ gìn, bảo vệ. Nhà ở Mông Phụ sẽ được phân loại ít nhất thành 4 loại theo tiêu chí khoa học để xác định giá trị và đầu tư tu sửa trên cơ sở "nhà nước và nhân dân cùng làm". Các thành viên tham gia dự án này đã đến từng nhà chụp ảnh, vẽ kiến trúc, ghi chép niên đại tạo dựng, vật liệu xây dựng vốn có. Việc bảo tồn hình thái làng mạc cũng đã được đặt ra với phương châm không mở rộng mặt đường làng, giữ gìn cây cổ thụ, giếng nước cổ... để tổng thể cảnh quan không biến dạng. Công việc trước mắt là phải lập hồ sơ di tích làng cổ trình Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng, phải có Quy chế quản lý xây dựng ở Đường Lâm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để ngăn chặn tình trạng xây dựng mới làm làng cổ bị phá vỡ cảnh quan.
Ngõ
Ở Mông Phụ các ngõ khá rộng và thường lát gạch ở phần giữa, hai bên có tường xây bằng đá ong hay gạch chạy dọc theo, nên khi đi trên đường ta chỉ thấy hai bờ tường và các mái nhà. Vào vụ gặt (tháng 6 và 11 dương lịch), các ngõ nhộn nhịp hơn, vì dân làng phơi ở đó rơm rạ để dùng làm chất đốt hay thức ăn cho trâu bò. Cũng như ở cá làng khác ở vùng đồng bằng sông Hồng, hai bên đường có đào rãnh nhỏ cho nước thải của các nhà hai bên ngõ chảy vào. Do dân làng ngày càng dùng nhiều hoá chất và nhất là do chăn nuôi lợn phát triển, các rãnh là nguồn ô nhiễm cần khắc phục.
Xóm
Làng Mông Phụ bao gồm các xóm: xóm Đình giang, xóm Hè, xóm Sui, xóm Chim, xóm Sải, xóm Trại, xóm Trung hậu. Trong các xóm này, xóm Trại là xóm mới được hình thành từ khu trại chăn nuôi thời HTX nông nghiệp trong quá trình giãn dân của làng mấy chục năm qua. Trong đó, xóm Trung hậu là nơi còn tập trung khá nhiều những ngôi nhà cổ xây bằng chất liệu gạch đất nện và tường đá ong. Mỗi xóm xưa kia đều có cổng xóm. Đường đi trong xóm quanh co, nhưng đều có thể ra được trục đường chính của làng và nối thông ra các làng phụ cận.
Giếng
Ở Mông Phụ, mỗi xóm đều có một giếng mang tên của xóm. Các giếng xóm Hè, xóm Giang xưa kia nổi tiếng là giếng có nước rất ngon như hai câu tục ngữ sau đây đã nhắc đến:
- Nước giếng Hè, chè Cam Lâm
- Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường
Giếng ở làng cổ Mông Phụ được cổ nhân đào có đường kính từ 3 - 5 mét, sâu trên dưới 10 mét. Một số giếng không phải xây phần thành giếng vì đào trên nền đá ong, chỉ xây phần cổ giếng. Do đào ở vùng đất đá ong nên mạch nước rất trong và mát. Tương truyền, hai giếng ở hai bên đình Mông Phụ là hai mắt của con rồng chột, một giếng nước trong và một giếng nước hơi đục, chính vì thế đã tạo nên vị thế đắc địa cho ngôi đình Mông Phụ - Nằm giữa ngã ba trung tâm của làng nhưng ở vị trí này người đi ngược về xuôi không ai quay lưng vào đình cả.
Ngày nay, giếng xóm Giang vẫn còn dùng cùng với các giếng xóm Xui và xóm Xây; các giếng xóm Đình, xóm Sải, xóm Miễu thì không dùng vì đa số nhà dân có giếng khoan nên từ lâu không được nạo vét; còn giếng Hè đã bị lấp từ lâu.
Nhìn một cách tổng thể, các giếng ở Mông Phụ tương đối bề thế, nhất là giếng xóm Đình có thành hình tròn xây bằng đá ong nên có dáng vẻ cổ kính và đẹp.
Điếm
Các điếm canh ở Mông Phụ đều được xây bằng gạch và lợp ngói, phân bố ở các khu xóm trong làng. Đây là nơi để các phiên tuần trú ẩn tuần tra mỗi đêm.
Hiện nay, ở xóm Sui và xóm Đình của làng Mông Phụ còn ba điếm dùng làm nhà kho. Ngoài ra, còn có điếm ở xóm Hè, xóm Giang. Điếm ở Mông Phụ thường được xây dựng cạnh trục đường chính trong làng. Nội thất bên trong điếm thường có bệ xây làm bàn thờ. Trên ban thờ có mũ thờ thổ công, bát hương, vàng mã, mõ gỗ và con ngựa giấy. Ngày rằm, mùng một dân làng vẫn ra thắp hương.
Đình Mông Phụ
Đình Mông Phụ toạ lạc ở vị trí cao nhất của làng. Hiện nay vẫn còn nguyên vẹn. Ở trước đình, phía tay phải từ đình nhìn ra có nhà Xích hậu - có chức năng làm phòng tiếp khách mỗi khi mọi người vào đình dự lễ.
Tam quan của đình gồm bốn trụ vuông xây gạch, hai trụ lớn và hai trụ nhỏ, bốn đầu trụ tạo tác lồng đèn hình vuông có chạm nổi tứ linh, trên đỉnh hai trụ lớn có hai con sư tử ngồi nhìn ra phía giữa, đỉnh hai trụ nhỏ đội hai bình hoa. Ba mặt trụ có các câu đối chữ Hán chạm nổi.
Sân đình lát gạch Bát tràng, hai bên có Tả hữu mạc, mỗi nhà có năm gian nhỏ. Nhà Tả mạc là nơi thờ tổ tiên các dòng họ trong làng, còn nhà Hữu mạc là nơi thờ quan ôn, quan đương niên.
Đình được thiết kế theo kiểu chữ Công. Đình chính gọi là đình ngoài gồm năm gian hai trái; Hậu cung hay đình trong là một toà nhà nối ba gian giữa của đình ngoài kéo dài ra phía sau như cán chày. Hai bên đình có hai giếng mà người ta gọi là hai mắt con rồng; trước đình đặt một bể nước tượng trưng cho cái ao hoặc phòng khi hoả hoạn.
Mái đình hình võng nhẹ, hai đầu nóc có chạm hình hai con rồng; góc mái, thường gọi là đao đình, uốn ngược lên thành hình rồng và đầu nghê nhìn lên bờ dải có viền hoa thị. Mái đình lợp ngói mũi hài.
Các vì kèo được thiết kế theo kiểu giá chiêng chông dường, dựa trên sáu hàng chân. Những đầu dư của các xà ở gian chính và những kẻ hiên là những trọng điểm để trang trí. Những mô típ trang trí rồng, hổ, cá chép, chim, hoa lá, mây... được chạm nổi, chạm lộng hoặc chạm ren. Xét về kiểu dáng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc thì đình Mông Phụ được làm vào thời Lê trung hưng và được tôn tạo, tu sửa vào hai thế kỷ XIX và XX.
Đình chính không có tường vách ngăn che, tất cả đều để trống, chỉ có một lan can có chấn song hình con tiện bao quanh ba mặt đến tường của Hậu cung. Đình có sàn ở hai gian bên, ở gian giữa có cửa võng hình lưỡng long chầu nguyệt sơn son thếp vàng. Một ban thờ lớn trang trí bằng tượng rồng, hổ phù ngậm chữ Thọ, mây... Hậu cung chỉ có sườn gỗ bào trơn, có tường xây kín ba mặt. Bệ thờ đặt giữa Hậu cung, có ngai và bài vị (Xem Hồ sơ di tích đình Mông Phụ).
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh
Nhà thờ ở gần đình Mông Phụ. Trên cổng có ghi:"Giang Thám Hoa Công Từ". Nhà thờ được người trong họ xây bằng gạch từ thời Tự Đức(1847 - 1883), bốn mái lợp ngói mũi hài, kiến trúc theo kiểu chữ "nhị", hướng . Tiền đường là một ngôi nhà gồm năm gian nhỏ, có bệ gạch dùng làm nơi hội họp và giỗ tiệc, có cửa kép kín. Sân hẹp, lát gạch, có bồn hoa ở giữa. Hậu đường gồm ba gian, gian giữa có bức hoành phi:"Giang Thị Từ Đường". Bàn thờ đặt theo cửa võng; trên khám thờ có bài vị ghi tên Tằng tổ đến cụ Thám Hoa Giang Văn Minh và tên các chi kế tiếp. Hai gian bên có bệ thờ tổ tiên. Đồ thờ gồm: Binh khí, bốn bàn nghi tượng và các đôi câu đối, ca tụng sự nghiệp của vị sứ thần họ Giang. Cột nhà, bàn thờ, đồ tế tự đều sơn son thếp vàng (Xem Hồ sơ di tích nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh).
Nhà thờ họ
Nhà thờ của họ Hà, họ Nguyễn (Khắc Nguyên) cũng là nhà ở của hai hộ thành viên. Nhà thờ họ Phan( chính) trước đây do hợp tác xã dùng làm kho chứa thóc, được trả lại cho họ vào năm 1991. Nhà thờ họ Phan nằm ngay phía trước đình Mông Phụ, đối diện với U.B.N.D xã Đường Lâm hiện nay. Ở Mông Phụ, các nhà thờ này đều không có gì khác so với các nhà cổ trong làng.
Văn chỉ
Thực ra đó chỉ là một miếng đất được đắp cao ở gần bên giếng xóm Xây. Mỗi năm, hai buổi lễ cúng Khổng tử được tổ chức tại đây vào ngày 13/02 và 13/08 âm lịch, do hội tư văn chia thành hai phe đảm nhận. Cách đây vài chục năm, chính quyền xã đã cấp văn chỉ cho một hộ chuyển thành vườn rau.
Nhà thờ của phường thợ mộc
Nằm gần nhà hội đồng, nhà thờ này là nơi thờ phụng Lỗ Ban, vị tổ sư của nghề thợ mộc. Như ta biết, trước Cách mạng tháng 8, khá đông dân làng Mông Phụ làm nghề này, trong số đó có vài người nổi tiếng trong vùng nên được tặng danh hiệu là Mục xứ.
Nhà thờ công giáo
Ở Mông Phụ có một nhà thờ Công giáo xây theo kiểu các nhà thờ châu Âu, có tháp chuông. Nhà thờ này được trùng tu vào năm 1953. Họ Công giáo ở đây hiện còn khoảng 30 gia đình. Những gia đình khác đã di cư vào năm 1954. Nhà thờ được đặt dưới sự bảo trợ của quan thầy Bản mạng thánh Giu Se. Các đồ thờ và ảnh tượng có kiể mẫu màu sắc thường thấy trong nhà thờ Công giáo Pháp thế kỷ XIX.
Nhà truyền thống
Nằm bên cạnh phía đông của đình Mông Phụ, nhà truyền thống vốn là trường tiểu học được xây dưới thời Pháp thuộc, mà hương ước của Mông Phụ lập năm 1921 có nhắc đến. Cũng như trong các nhà truyền thống khác ở nông thôn, hiện vật được trưng bày ở đây không phong phú lắm: Một số tư liệu cũ như ảnh, bản đồ hoặc bảng giới thiệu sơ lược về lịch sử của xã Đường Lâm, về Phùng Hưng và Ngô Quyền, một số hiện vật phát hiện được trong các cuộc khai quật khảo cổ học của xã.
Trường Mẫu giáo
Nhìn ra khoảng không gian trước đình và đối diện với nhà Xích hậu, cho đến cách đây chừng vài năm là nhà hội đồng của làng Mông Phụ. Cũng như trường tiểu học, nhà hội đồng được xây theo phong cách kiến trúc phương Tây trong những năm 30, tiếp theo các cuộc cải cách hương chính ở Bắc kỳ lập ra hội đồng tộc biểu. Trong mấy thập niên, nhà hội đồng được dùng làm trường mẫu giáo. Năm 1998, xã trùng tu lại và làm trụ sở của U.B.N.D, thay thế cho trụ sở cũ ở Đông Sàng dành cho các sinh hoạt văn hoá xã.
Ao
Không gian cư trú của làng cũng được các ao bảo vệ. Trong chừng mực nào đó, ta có thể nói làng truyền thống, đặc biệt ở đồng bằng sông Hồng, được qui hoạch như một thứ thành trì: Hàng rào tre là luỹ, còn các ao là hào. Việc người Việt dùng hai chữ "Thành Hoàng" để chỉ vị Phúc thần được thờ ở đình là việc rất có ý nghĩa. Trong tiếng Hán Việt, Thành Hoàng vốn chỉ vị thần của một thành trì.
Mông Phụ có 3 - 4 ao to đào ở bên ngoài và kề cận không gian cư trú. Ao nằm ở bên phải con đường từ cổng đình vào làng được gọi là"Ao Các Cụ", bởi vì nó được làng giao cho người cao tuổi khai thác. Ao làng lớn hơn nhiều nằm ở phía của không gian cư trú. Thời xưa dân làng thả cá Mè ở đây. Mỗi năm vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch, dân làng tổ chức đánh các ở ao làng từ rạng đông. Họ chọn những con cá đẹp nhất để làm gỏi cá, cúng Thành Hoàng ở đình. Số cá còn lại được chia cho dân làng.
Ở Mông Phụ, ít khi thấy có ao ở bên trong không gian cư trú. Trước hết là vì địa thế khá cao so với ruộng nước nên phải tốn tiền đào ao sâu mới dẫn nước vào được. Hơn nữa, nếu đào sâu như thế thì "dễ chạm long mạch" là điều tối ỵkị theo tín ngưỡng phong thuỷ ở vùng này.
Cuối cùng, cũng vì Mông Phụ có địa thế cao nên người dân không cần lấy nhiều đất để đắp đường mà nhất là để đắp nền nhà,hai nguyên nhân chính của sự hình thành từ phần lớn các ao. Mông Phụ cũng có vài "Ao nhà", nhưng hầu hết đều nằm ở rìa làng.
Luỹ tre
Làng cổ trọng điểm Mông Phụ trong những năm 1930 thường có luỹ tre mọc khá dầy vây quanh. Nó có chức năng bảo vệ dân làng chống lại trộm cướp. Do đó, mọi người tuyệt đối không được tự tiện đốn tre hay cắt măng ở đó.
Luỹ tre còn là "một giới hạn thiêng liêng của cộng đồng làng xã, dấu hiệu của tính cá biệt và sự độc lập của nó. Nếu trong thời loạn lạc, một làng tham gia phiến động hay chứa chấp những kẻ gây bạo loạn, thì hình phạt đầu tiên mà triều đình hay quan trên thi hành là bắt phải triệt hạ luỹ tre làng. Đó là một sự tổn thương nghiêm trọng cho danh dự của làng, một sự điếm nhục lớn; làng đó cảm thấy như ở vào tình huống của một người bị cởi hết áo quần và bỏ trần truồng giữa một đám đông vẫn ăn mặc bình thường".
Tách rời không gian cư trú, được xem là bên trong của làng, ra khỏi không gian canh tác, một bộ phận của thế giới bên ngoài, luỹ tre làng là hàng rào ma thuật chính yếu đầu tiên bảo vệ làng trước sức mạnh của ma quỷ, yêu tinh.
Ở Mông Phụ, trước chiến tranh và hiện nay dường như vẫn thế, tuyệt đối cấm đem xác người làng chết ở bệnh viện hay đi đường vào trong làng: Trong khi chờ chôn cất, quan tài của người chết phải quàn ở Quán Rô, nằm bên cạnh cổng đình. Chắc vì tập tục này mà một quán đã được xây gần địa giới phía đông của làng để quàn linh cữu của Thám hoa Giang Văn Minh chết trên đường đi sứ ở Trung Quốc. Quán đó ngày nay vẫn còn và được gọi là đình Giang.
Theo tâm thức của những bậc cao niên, trước chiến tranh, luỹ tre của làng Mông Phụ dầy đến độ một con chim sẻ cũng không bay lọt qua. Ngày nay, do sự nới rộng của không gian cư trú và sự phát triển dân số nên luỹ tre hầu như đã biến mất, chung quanh làng chỉ còn sót lại một số bụi tre. Bên trong làng, tre cũng hiếm khi được trồng làm hàng rào, nhường chỗ cho các bức tường xây bằng đá ong hoặc bằng gạch.
V.1.1.15. Nghĩa địa
Ngoại trừ các thửa ruộng quá thấp nên bị ngập nước thường xuyên, không gian canh tác của làng Mông Phụ có khá nhiều mồ mả được đặt vào những chỗ đất tốt theo quan niệm phong thuỷ. Người quá cố được chôn theo cùng qui tắc với việc định hướng nhà "Toạ sơn vọng thuỷ". Dân làng vẫn nhắc đến mấy câu thơ miêu tả vị trí đắc địa của ngôi mộ thân phụ Phan Kế Toại, theo đúng qui tắc nói trên:"Đầu đội nhành quạt , chân đạp lý ngư: Thượng thư, tổng đốc".
Theo câu tục ngữ mà nhiều người ở Mông Phụ còn nhớ "Sống ở làng, chết Lồ Cang Áng Độ". Lồ Cang, Áng Độ là hai khu đất có rất nhiều mồ mả. Thông thường dân làng chôn người chết ở Lồ Cang. Đây là khu đất tương đối ẩm thấp nên tử thi tiêu huỷ nhanh. Sau ba năm thì làm lễ cải táng, công việc này được tiến hành vào ban đêm. Xương người chết được bốc nên, rửa sạch bằng nước có hương thơm, rồi bỏ vào một cái tiểu bằng đất nung, thường ở Áng Độ - Một khu đất đồi cao ráo nên xương được bảo tồn khá lâu. Khi việc cải táng xong thân chủ thường làm một bữa cơm mời những người đã tham gia dự. Điều đáng lưu ý là ở Mông Phụ các gia đình công giáo cũng giữ tục cải táng này.
V.1.2. Các làng phụ cận
Bốn làng cổ phụ cận ở Đường Lâm là Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm nằm hỗn cư với làng cổ trọng điểm Mông Phụ, còn có làng Cam Lâm nằm ở phía Tây Đường Lâm. Xưa kia các làng Mông Phụ, Đoài Giáp, Cam Thịnh có các cổng làng riêng. Mỗi làng ngày trước còn có luỹ tre bao bọc. Nay luỹ tre không còn, vì vậy nhà cửa của những hộ dân ở các làng này sát kề với nhà cửa của dân làng Mông Phụ.
Về mật độ nhà ở của những làng Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh cũng cao hơn làng Cam Lâm. Ở đây, hầu như tất cả các tường rào đều được xây bằng đá ong hay gạch cao chừng 02m. Phần lớn các nhà ở đều được xây bằng hai loại vật liệu nói trên. Riêng gạch đất nén (nện) thì ở làng Mông Phụ có nhiều hơn cả. Hiện nay, các làng này vẫn còn hiện hữu các con đường hẹp, hai bên có tường, thỉnh thoảng có cổng bằng gỗ đóng kín. Sự hiện hữu của các bức tường bao quanh khuôn viên trước hết là do nhu cầu an ninh. Thời xưa, các bức tường này có chức năng bảo vệ các gia đình vì vùng này gần đồi núi, có nhiều rừng rậm nên bọn trộm cướp - nhất là vào thời loạn lạc, thường quấy rối tại đây. Riêng ở Cam Lâm vì vườn tược tương đối rông nên người ta thường trồng cây xanh để làm hàng rào, trong vườn có nhiều loại cây ăn quả như bưởi, ổi, chanh, chuối... Làng Mông Phụ cây ăn quả ít hơn, chủ yếu là sân gạch.
V.2. Hệ thống kiến trúc tôn giáo và các công trình công cộng
Với hai chức năng là cơ sở hành chính và cơ sở tôn giáo, mỗi ngôi đình gắn bó trực tiếp với cộng đồng dân cư đã xây dựng nên di tích.
Cũng giống như nhiều đình khác, mỗi làng cổ ở Đường Lâm đều có một ngôi đình gọi là đình làng. Nhưng điều đặc sắc tại làng cổ ở Đường Lâm còn thêm một ngôi đình Tổng ở làng Đông Sàng (nay không còn nữa).
Theo một nguyên tắc bất di bất dịch là đình được xây dựng ở một nơi đắc địa trong phạm vi của làng, trừ trường hợp những làng Vạn chài hay dân Hạ bạn phải mượn đất làng khác để xây đình. Hướng của các đình tại làng cổ ở Đường Lâm là do sự thích nghi với thế đất hơn là do thuật phong thuỷ quyết định.
Thông thường, người ta xem đình là nơi hội họp, sinh hoạt, liên hoan của nam giới. Nhận xét đó tuy đúng nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Ví như ở Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội), phụ nữ cũng tham gia cúng lễ ở đình; ở Nam Bộ, vợ các hương chức cũng có thể thay chồng tham gia cúng tế ở đình. ở Mông Phụ, các vãi là một trong 13 ngôi thứ ở đình.
Về phương diện kiến trúc, có hai loại đình: đình nhà sàn và đình nhà trệt. Đa số đình ở Đường Lâm như đình Cam Thịnh (Xem Hồ sơ di tích đình Cam Thịnh), Đoài Giáp (Xem Hồ sơ di tích đình Đoài Giáp), Cam Lâm đều thuộc loại đình nhà trệt; đình Mông Phụ (Xem Hồ sơ di tích đình Mông Phụ) thuộc loại đình nhà sàn. Ở Đường Lâm, không đình nào mang hoành phi "Thánh cung vạn tuế" như một số đình ở đồng bằng Bắc Bộ.
Đình làng không chỉ là nơi quản lý hành chính, hội hè, mà còn là nơi phụng thờ Thành hoàng làng. Có lẽ vai trò tôn giáo quan trọng của đình đã đi sâu vào tiềm thức dân gian nên ở Đường Lâm xảy ra hiện tượng lẫn lộn Từ với Đình như "Ngô Vương từ" cũng được gọi là đình Quốc Tế và "Bố Cái Đại Vương từ" cũng được gọi là đình Cả.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Dân tộc học, ở Đường Lâm cũng như các làng xã quanh vùng này từ thế kỷ XVII, các Thành hoàng làng được phân ra làm ba loại theo trật tự phong kiến: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Những thần không được xếp hạng sẽ bị liệt vào hạng Tà thần, Yêu thần, Đê tiện thần. Thành hoàng nhiều khi được triều đình phong tước nhưng không phải là thần địa phương mà là thần được dân làng tôn thờ từ lâu. Vì thế, một mặt họ chấp nhận thần là do nhà nước chỉ định, một mặt họ bí mật tiếp tục thờ thần riêng của mình. Thành hoàng chính thức của làng Đông Sàng là Tản Viên, nhưng dân chúng vẫn thờ thần riêng của mình là "một người đánh cá chết trôi" (theo GS Diệp Đình Hoa).
Thông thường, khi tách làng, người làng mới phải rước Thành hoàng làng cũ về làng mới. Nhưng làng Đoài Giáp lại thờ Phùng Hưng chứ không thờ Tản Viên như Cam Thịnh, làng gốc của mình, và làng Phụ Khang cũng chọn Phan Khắc Dị làm Thành hoàng, chứ không thờ Tản Viên như Mông Phụ.
Lễ vật và nghi lễ của mỗi làng cũng có vài chi tiết giống nhau. Làng Cam Đà gần Đông Sàng có tục chọi trâu trước khi vào lễ tế thần; ở Đông Sàng, trước khi tế thần, người ta tổ chức đuổi lợn. Ở Cam Thịnh, lễ vật tế thần "có thêm món chuối pha chế một cách đặc biệt".
Nghiên cứu đình làng giúp ta hiểu thêm lịch sử văn hoá của làng cổ ở Đường Lâm. Sự trường tồn và bản sắc của làng xã, nhất là làng cổ trọng điểm ở Đường Lâm là làng Mông Phụ được khẳng định qua những đạo sắc phong thần làm Thành hoàng làng trong nhiều thế kỷ. Quan niệm Làng - Nước được thể hiện qua những sắc phong thường gắn liền sự bình yên của làng xã với vận mệnh của đất nước.
V.2.2. Chùa Mía và một số ngôi chùa khác .
Chùa Mía có tên chữ là "Sùng Nghiêm Tự". Chùa này được trùng tu vào thế kỷ XVII, nhờ sự bảo trợ của một cung phi của chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657). Theo văn bia còn dựng trong chùa, Tam bảo trước chùa được dựng vào năm 1621 có lẽ chùa cũng được trùng tu lớn vào thời điểm đó.
Bà cung phi họ Nguyễn có rất nhiều tên: Liệu, Diệu, Dong, Giao, Leo, Keo... có lẽ do kiêng tên sau cùng nên dân làng tránh từ "Reo" nên thay thế bằng từ "Hò".
Chùa Mía, chợ Tam bảo và đình Đông Sàng xưa kia có lẽ là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá quan trọng của toàn vùng.
Chùa đã được tu sửa nhiều lần qua nhiều thế kỷ. Lần trùng tu sớm nhất vào năm 1632. Năm 1750, xây thêm Tiền đường; năm 1843, xây cửa Tam quan và biến nhà Tổ thành hành lang bây giờ... Trong những năm 1853, 1916, 1928 chùa được mở rộng hai hành lang và Thượng điện.
Chùa Mía được kiến thiết theo kiểu "Nội công ngoại quốc", gồm Tiền đường, chùa chính, Hậu đường và chùa Trung, tất cả 17 gian. Chùa hướng Nam, cửa Tam quan có mái cao 7m; cửa chính rộng 2,5m và hai cửa bên mỗi cửa rộng 1,75m. ở tầng trên Tam quan, phía trái treo một chuông thời Tây Sơn, phía phải treo một khánh, ở giữa là một tượng Tam Châu xoay mặt vào chùa. Sau Tam quan là vườn cây, phía trái cổng chùa là nhà khách và nhà Tổ, mỗi nhà rộng 5 gian. Đây là phòng hội họp của tín đồ; đi vào chùa, ta thấy ở phía bên phải bàn thờ Mẫu và Quan Âm; ở phía trái, là bàn thờ các vị ân nhân và một bia đá tóm ghi lại lịch sử xây dựng chùa. Chùa chính song song với Tiền đường, bốn mái; tiếp theo là Thượng điện hay Tam bảo, nơi đặt tập trung rất nhiều tượng thờ.
Chùa Mía còn bảo tồn một số tượng và đồ thờ khá lớn: Hiện có 287 pho tượng chưa kể những tượng đã mất hay chưa kiểm kê. Riêng chùa chính có: 08 tượng Kim Cương đặt sát tường, 07 tượng Thích Ca sơ sinh, 06 tượng Quan Âm và Quan Âm toạ sơn, 01 tượng Quan Âm tống tử, 06 tượng Quan Âm chuẩn đề, 12 tượng Minh Vương, 05 tượng Di Lặc, 09 tượng Tam Thế, 07 tương Phạm Thiên đế thích, 02 tượng Thiện ác và 04 tượng Bồ Tát.
Phần sau của điện dành cho các tượng Đức Ông, Thánh Hiền, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng; còn tượng Pháp Vân, Pháp Lôi thì đặt ở hành lang (từ ngoài đi vào).
18 tượng La Hán ở hai hành lang nối nhà chính và chùa Trong. Chùa này được bố trí nhiều động miêu tả hành trình tu chính của Đức Phật Thích Ca và Quan Âm như động Tây Vực sơn, động Nam Hải.
Ngoài ra, còn có những tượng không liên quan tới Phật giáo như tượng, các Thánh Mẫu... Các hiện vật khác cũng đáng lưu ý như lư hương, bát nhang bằng đồng, bình hoa...
Qua những dòng chữ ghi trên Thượng lương, đầu cột, xà ngang, bài vị, chúng ta biết thêm về sự liên quan giữa chùa Mía và chùa Sùng Ngiêm, Vĩnh Phú, về sự đóng góp của nhân dân địa phương, của những hộ đồng tập thiện ở các tỉnh khác như Phúc Yên, Hà Nội, Hải phòng... đến tận Thanh Hoá, Bình Định...
Chùa Mía vừa đóng vai trò tôn giáo, vừa bảo tồn những hiện vật nghệ thuật dân gian. Nhiều tượng và đồ thờ của gia đình, cá nhân được cúng cho chùa; những tượng và đồ thờ các Am, Miếu, Đền, đều đã bị tàn phá, đổ nát cũng được đem vào chùa, như trường hợp đình Đông Sàng bị cháy, ngai thờ, bài vị, long khám, bát bửu được gửi vào chùa. Do đó, sự xếp đặt vị trí những tượng ở chùa Mía không theo một qui luật định sẵn như Phật giáo chính thống từng quan niệm.
vui đình, nữ vui chùa, nhận xét đó phù hợp với thực tế. Chính phụ nữ đã đem Liễu Hạnh vào thờ trong một số chùa ở miền Bắc. Hiện tượng này minh chứng cho sự khoan dung hoà hợp của Phật giáo, không bài xích những tôn giáo tín ngưỡng khác. Chùa Mía thờ Mẫu, thờ Quan thánh tức là đi theo khuynh hướng chung của nhiều chùa ở miền Bắc: Tiền Phật, hậu thánh và ngược lại. Có lẽ thờ Mẫu đã được đưa vào chùa dưới triều Nguyễn, thế kỷ XIX (Xem Hồ sơ di tích chùa Mía).
Nếu chùa Mía có kiến trúc qui mô thì những chùa khác ở Đường Lâm là những ngôi chùa nhỏ bé, không xưa lắm và ít có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Chùa Ón rất nhỏ, được xây giữa đồng. Ngày xưa, hội chùa Ón thường thi vật, thi thả diều vào ngày 3/3 âm lịch. Thi vật cũng được tổ chức ở đền thờ Phùng Hưng, đền thờ Ngô Quyền ở Cam Lâm và ở một vài nơi khác trong vùng. Hội vật chùa Ón có ảnh hưởng lớn trong vùng, thu hút được nhiều đô vật về đây thi tài.
V.2.3. Đền phủ .
Đền phủ ở Đông Sàng thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Liệu, cung phi của chúa Trịnh Tráng. Theo Kiều Oánh Mậu, công đức của bà thật lớn: Góp công tu sửa đình Mông Phụ, đền Và, đền Nam, đền Bắc, chùa Mía, chùa Viễn Sơn, chợ Tam bảo, mở bến Hà Tân, đào rạch thông với sông Hồng.
Đền phủ hiện nay còn hai cửa Tam quan, nhà Tiền bái và Thượng điện. Cửa ngoài gồm ba khối độc lập được trang trí hình lân, long chầu nguyệt ghép bằng mảnh sành mầu da trời; sau cửa là vườn cây; cửa trong gồm bốn trụ cao, đầu trụ hình lồng đèn đội rồng cuộn mây. Một sân nhỏ dẫn đến nhà Tiền bái có kiến trúc trang nhã, các hình đầu rồng, mây, lá khắc nổi và tường sơn vẽ hình rồng mây... có mầu sắc rực rỡ. Thượng điện có bàn thờ bà chúa Mía và nhiều đồ thờ cổ: Ngai thờ, bàn, lư hương, chân đèn, bát bửu...
Nổi tiếng linh thiêng, đền phủ ở Đông Sàng được sự kính tín của nhân dân địa phương và vùng lân cận. Đền còn thờ bố mẹ, ông bà của bà chúa Mía. Mồng 1 tháng Giêng âm lịch là lễ Bà, 12/3 lễ thân mẫu, 1/8 lễ ông nội, 14/12 lễ bà nội, 18/12 lễ thân phụ.
V.2.4. Đền thờ và lăng Ngô Quyền .
Toạ lạc ở thôn Cam Lâm, nơi thờ tự được xây bằng gạch lợp ngói mũi hài, quay mặt về hướng đông, có tường bao quanh. Cổng vào kiểu Tam quan, hai bên có Tả hữu mạc, mỗi dãy gồm năm gian nhỏ. Đại bái được khởi công năm 1857, gian giữa có treo hoành phi mang chữ:"Tiền Vương Bất Vong " chạm khắc năm 1907. Ngày nay Đại bái được dùng làm nhà triển lãm chiến thắng Bạch Đằng. Hậu cung kiến trúc kiểu chữ Đinh, được tu tạo vào năm 1877(Xem Hồ sơ di tích Đền thờ Ngô Quyền).
Lăng Ngô Quyền được xây dựng vào đời Thành Thái. Trước nhà thờ, tương truyền mộ Ngô Quyền được đặt ở đây, xung quanh lăng có tường bao, cổng lăng có hai trụ lớn. Nhà bia có mái che, cao 1,50m; bia đá được dựng thời Tự Đức có ghi:"Tiền Ngô Vương Lăng" (Xem Hồ sơ di tích Lăng Ngô Quyền).
Trước năm 1945, đền thờ có hai mẫu ruộng, do ba xóm của làng Cam Lâm (Đông, Tây, Nam) thay phiên nhau mấy năm cấy để sửa soạn lễ tế, gồm một con lợn nặng 50 kg, 30 đấu gạo nếp để thổi xôi, trầu, cau, rượu, hương... Trong hai ngày lễ lớn làng cử một thủ từ và tám tuần phiên để canh gác nhà thờ. Hiện nay, lăng chỉ còn hai sào ruộng để phụng sự hương đăng, cúng tế. Quốc tế lễ xưa kia cử hành vào ngày 14.15/8 âm lịch.
V.2.5. Đền thờ Phùng Hưng .
Xây theo kiểu chữ "nhị", hướng Nam, được trùng tu vào thời Thành Thái (1889 - 1907), nhà thờ nằm trên đồi, phải leo sáu cấp thang mới đến sân. Sân có tường vây quanh; hai bên cửa vào có Tả hữu mạc, mỗi dãy gồm năm gian nhỏ. Nhà đại bái nằm trước, trong có ghi bức hoành phi niêu hiệu Tự Đức. Giữa sân hẹp có đặt cột cờ. Trong Hậu cung có bài vị Bố Cái đại Vương và bức hoành phi "Đông Cung Điện" và hai câu đối. Lễ hội cử hành vào ngày 8/1 âm lịch. Trước đây trong đồ tế lễ phải có một con lợn sống 100 kg và một con gà sống 2 kg. Ngày hội có đấu vật. Xung quanh nhà thờ có trồng nhiều cây Tép (hay Chò Nâu, Dipterocarpus, Chev), lá dùng để gói lộc mang về cho con cháu (Xem Hồ sơ di tích Đền thờ Phùng Hưng).
V.2.6. Chợ
Trong tiềm thức của người dân nơi đây, hình ảnh của ngôi chợ này là linh hồn của cuộc sống vui nhộn, ấm no của mọi người. Chợ thường họp vào các phiên. Đến những phiên chính thì những cư dân trong vùng lại mang những sản vật của địa phương tới bán.
Ngoài ra, những khách hành hương về lễ Phật tại chùa Mía cũng có dịp thưởng thức những món quà dân dã như bánh Tẻ, kẹo Bột... tại đây. Chính vì thế, ngôi chợ này đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Ngày nay, chợ Mía đã được qui hoạch rộng rãi, khang trang.
V.2.7. Đường xá và bờ vùng bờ thửa .
Không gian canh tác của Mông Phụ có nhiều con đường xuyên qua. Con đường nối liền Đông Sàng với quốc lộ 11A và đi ngang trước đình Mông Phụ (đã được bê tông hoá vào năm 1995), còn con đường nối Mông Phụ với Phụ Khang thì vẫn bằng đất. Không gian canh tác còn được chia thành hàng nghìn ô, với nhiều hình dáng bởi các bờ vùng bờ thửa phần lớn được đắp trong thời kỳ tập thể. Trước đây các bờ vùng tương đối rộng nên hai chiếc xe bò có thể tránh nhau dễ dàng. Nhưng từ khi được giao đất, các hộ nông dân thường xắn bớt mỗi mùa một ít để nới rộng thêm đôi chút phần ruộng của họ nên chúng ngày càng hẹp lại, gây trở ngại cho việc vận tải, đặc biệt vào mùa gặt khi chở lúa về nhà bằng xe thô sơ.
V.3. Cơ cấu tổ chức hành chính và đời sống văn hoá cộng đồng
V.3.1. Cơ cấu tổ chức hành chính .
Trong số tám làng thuộc xã Đường Lâm hiện nay, có bốn làng được xem là rất xưa mặc dù chưa xác định được năm thành lập: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm, Cam Thịnh. Do vị trí địa lý, do sự cổ kính hoặc do uy tín nên ba làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng trở thành hạt nhân trung tâm của tổng Cam giá thịnh trước đây.
Tổng Cam giá thịnh do một viên Chánh tổng đứng đầu, có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người dân trong tổng, thi hành các Trát của quan trên, phân bổ và thu thuế má để nộp lên cấp trên và giữ gìn trật tự an ninh trong tổng. Thông thường, Chánh tổng có sự phụ tá của một phó tổng, và trong các Tổng đông dân, của một Bang biện hay Sung biện phó tổng - là một người quan trọng nhờ tài sản và thế lực.
Dưới tổng là các xã. Đứng đầu các xã là Lý trưởng, có quyền hạn và chức năng cai quản và điều hành mọi hoạt động, sinh hoạt trong xã. Dưới Lý trưởng có phó lý và hội đồng hương chính. Hội đồng hương chính bao gồm các chức sắc kỳ mục, quan viên, hộ lại ... Những thành phần này chịu sự điều hành trực tiếp của Lý trưởng.
Vào khoảng đầu nhà Nguyễn, tổng Cam Giá Thịnh có sáu xã gồm Cam Giá Thịnh, Cam Tuyền, Đông Sàng, Mông Phụ, Phú Nhi và Yên Mỹ; một giáp là Đoài Thượng; một phố Tân hội. Theo Ngô Vi Liễn thì vào năm 1927 tổng Cam Giá Thịnh gồm bảy xã: Cam Giá Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, Đông Sàng, Mông Phụ, Phú Nhi và Yên Thịnh. Trong các xã này, Mông Phụ là nơi có dân số đông hơn cả. Như vậy, trong hơn một thế kỷ, tổng Cam Giá Thịnh đã có những biến đổi lớn: Phố Tân Hội biến mất, Yên Mỹ tách khỏi tổng Cam Giá Thịnh nhập vào tổng Cam Giá Thượng, xã Yên Thịnh được thành lập. Từ đây, Mông Phụ trở thành Trung tâm kinh tế văn hoá, chính trị của tổng Cam Giá Thịnh. Việc di dời trụ sở của tổng về đóng tại Mông Phụ là một bằng chứng cho vấn đề này.
Sau nhiều thế kỷ tồn tại tương đối ổn định, tổng Cam Giá Thịnh đã tạo cho mình một bản sắc riêng biệt vì người dân nơi đây ý thức được quá khứ huy hoàng của mình bởi đây là quê hương của hai vị anh hùng dân tộc - "Một ấp hai vua" và nhiều nhân vật nổi tiếng. Ngoài ra, đây là nơi có mạng lưới giao tế rất dầy được tạo ra chung quanh đình tổng, chùa Mía, đền phủ và chợ Mía.
Có thể nói rằng, cơ cấu tổ chức hành chính ở làng cổ Đường Lâm xưa kia có nhiều nét riêng biệt như ngôi thứ, các tổ chức bên trong của làng... Trong đó, hạt nhân của các tổ chức này dựa trên sự cố kết cộng đồng giữa các dòng họ, tạo nên hình ảnh điển mô của một làng Việt cổ truyền ở vùng Trung du Bắc bộ.
V.3.2. Đời sống văn hoá cộng đồng .
Bên cạnh những giá trị vật chất, làng cổ còn là nơi hội tụ văn hoá tinh thần, văn hoá ẩm thực phong phú với nhiều sản vật dân gian cùng lối sống, nếp sống của cộng đồng dân cư khu vực đã tạo nên phần hồn cho làng cổ ở Đường Lâm. Đó chính là giá trị phi vật thể của di tích đáng được trân trọng giữ gìn.
Trong tâm thức của người dân xứ Đoài, mọi người vẫn còn nhớ những câu ca dao gợi lại kýý ức xưa.
- Kẻ Mía kéo mật hộn đường
- Dưa hấu, dưa gang là làng Mông Phụ.
- Chẳng đi nhớ cháo dốc Ghề
Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên.
Về ẩm thực, xưa kia Đường Lâm cơm gạo cũng khan hiếm như các xã quanh vùng nhưng cũng có những đặc sản như mía, mật, tương, gà Mía... V.3.2.1. Ăn uống thường ngày
Sắn tươi luộc: Tách bỏ vỏ sành, chặt từng khúc luộc chín
Sắn tươi dỡ về phơi khô: Cạo vỏ, thái mỏng thành lát, phơi khô, nấu độn với gạo.
Khoai lang: Luộc tươi hoặc thái mỏng, phơi như sắn khô. Bảo quản và nấu với gạo để độn nồi cơm.
Gạo đặc sản có gạo Rí. Giống lúa Rí ngày nay không còn, đây là loại lúa chịu hạn, cấy ở đồng cao. Lúa chín sớm vào cuối tháng 8 âm lịch, mùa chim ngói về. Gạo Rí trắng trong, nấu cơm rất rẻo và thơm nhưng năng suất thấp, thường chỉ hai thúng thóc (40 kg) trên một sào.
Cánh đồng chiêm ở Đường Lâm, xưa thường cấy lúa có tên là lúa Sọc, lúa Sòi. Loại lúa này hợp với vùng đất bán sơn địa nơi đây. Gạo mầu đỏ ăn cứng và hơi khô cơm.
Thức ăn thường xưa kia thường dùng bao gồm:
Rau: Rau muống, quả bầu, bí ...
Dưa: Dưa cà, dưa cải - cải củ và cải hoa vàng. Cà làm sảo ăn ngay và làm dưa nén cả quả.
Đặc biệt có cà dầm tương. Cách làm như sau:
Cà trắng to vừa phải, không non quá hoặc quá già. Rửa sạch phơi qua cho ráo nước, ướp muối cho vào vại nén cho chua. Khi đã chua, lấy ra ép nước ( để trên gỗ hoặc cánh cửa, đè gỗ nén đá ong lên) rồi thả vào chum tương. Cà dầm tương có thể để 3 - 4 tháng. Thường tháng 8 tháng 9 mùa gió heo may về, với cà ra, dùng dao thái từng miếng. Mầu trong lòng quả cà "Đỏ au như hổ phách ", cơm chan với nước luộc rau, ăn với cà dầm tương là thức ăn phổ biến của nhà nông.
Các thức ăn ngâm tương còn có:
Dưa hấu non( tận thu cuối mùa) làm dưa muối cả quả như muối cà, khi chua ăn không hết cũng ngâm vào chum tương.
Củ cải ngâm tương: Củ cải rửa sạch, chẻ làm bốn (bổ dọc), phơi khô, ngâm vào tương.
Thịt lợn luộc, để cả miếng, luộc kỹ, để nguội ngâm vào tương ăn dần.
Các loại thực phẩm trên, khi ngâm vào chum tương, vị ngọt đậm đà của tương ngấm hết vào thực phẩm. Chum tương ấy "hết chất" không thể dùng được, kể cả kho nấu.
Xưa kia vùng này còn trồng nhiều Kiệu. Lá Kiệu non còn dùng để nấu canh cua. Củ Kiệu làm dưa. Kiệu trồng vào tháng 3, thu hoạch tháng 6. Làm dưa có thể ăn dần đến cuối tháng 10.
Do vị trí các làng đều ở khá gần sông Tích nên xưa kia nguồn cá sông, cá đồng rất phong phú. Công cụ đánh bắt của người dân Đường Lâm thường có: Chũm (loại lưới có bốn gọng, buộc vào sào kéo lên bằng tay), đánh xiếc, úp nơm, đánh dập sào, đơm đó, chắn đơm các cửa rộc đổ ra sông, ra mương...
"Cơm cày cá kiếm ", nguồn thực phẩm từ tôm cá là thức ăn phổ biến hàng ngày. Tôm có thể dùng để rang muối, ướp muối làm mắm tôm ăn dần, làm nước chấm. Cá to như chép, mè... luộc rán. Có loại cá quí như cá trình (vùng này gọi là trạch trấu) có thể om nấu chuối giả ba ba, nướng hoặc dim nước mắm, kho tương, loại cá này thịt dẻo, có thớ như thịt gà, không có mùi tanh.
Các loại cá đồng như rô, diếc, chạch và các loại tép khi đánh bắt được nhiều, xưa kia người dân còn kho nấu chín rồi phơi khô để ăn dần trong mùa mưa.
Ngoài nguồn thuỷ sản, người dân Đường Lâm xưa còn săn bắt các loài chim để ăn thịt. Chim chóc xưa kia rất nhiều ở các làng đồi. Chim ngói đồ xôi, thịt cò sáo măng, cò thuôn rau dăm...
V.3.2.2. Những ngày giỗ tết, đám thứ .
Tết Nguyên đán: Ngoài những món ăn cổ truyền ra, ở Đường Lâm còn có đặc sản gà Mía. Gà nuôi để tế Thành hoàng làng và sử dụng trong ngày giỗ tết và biếu xén. Gà Mía khi luộc chín có mầu trắng, mỡ vàng ăn giòn và không nát, thịt chắc, vị ngọt đậm.
Thịt lợn, thông thường thường luộc. Các ngày đám giỗ chạp thường làm cỗ rau dấm(cỗ dấm gém): Thịt lơn luộc, xương luộc hoặc om, nem (thịt lợn chần qua thái ướp thính), thịt gà, vịt ... rau thường dùng cây chuối hột thái mỏng, ngâm rửa và ăn sống .
V.3.2.4. Cơm phố Mía, tương, kẹo bột
Câu ca dao "Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên" là nhớ về ký ức ẩm thực ở đây. Theo các cụ già kể lại, xưa phố Mía có hai dãy hàng cơm.Thực khách là các dịch tá, phu trạm và những người buôn bán ngược xuôi"Với những lời giới thiệu hay mời chào khéo léo và ngọt ngào của các bà, các cô bán hàng sẽ phải nhớ đời vì các hương vị ngon, tinh khiết mang sắc thái riêng biệt của vùng quê đất Mía".
Chè Đông Viên thì được nấu bằng đậu đen bung rừ, mật mía Re Đường Lâm và bột lọc từ bột củ đao hoàng tinh. Chè nấu đặc, cắt ra đông đặc như miếng thạch.
Người làng Cam Lâm thường uống nước chè xanh,"Nước giếng Nghè, chè Cam Lâm ". Giếng Nghè ở gần khu lăng Ngô Quyền. Các làng khác như Phụ Khang, Mông Phụ... thường uống nước nụ vối, lá vối tự trồng trong vườn nhà.
Trong các thứ nước chấm ở Đường Lâm, tương là một thứ nước chấm được người Đường Lâm ưa dùng trong bữa ăn. Tương dùng để chấm rau muống luộc, tương gừng chấm thịt trâu, bò, kho cá và để ngâm một số thức ăn để dành.
Ngoài ra, ở Đường Lâm còn có đặc sản kẹo bột. Kẹo được làm bằng mật mía Đường Lâm, được các nghệ nhân làng Đông Sàng nấu mật bằng kĩ thuật gia truyền, quật và cắt, rắc bột gạo nếp hoa vàng thơm phức, phủ mỏng bên ngoài chiếc kẹo. Kẹo bột Đông Sàng ăn giòn, thơm, có thể để được vài ba tháng trong hũ kín.
V.3.3. Lễ hội và nghi lễ truyền thống
Hội là một phạm trù của lễ do lễ sinh ra. Nói đến lễ hội, người ta bao giờ cũng liên tưởng tới sự linh thiêng, tín ngưỡng và các trò chơi nhuốm màu dân gian.
Lễ hội dân gian cổ truyền của làng cổ Đường Lâm trước Cách mạng tháng 8/1945 - nhất là từ thế kỷ XIX trở về trước không những có một quá trình lịch sử lâu dài mà còn phát triển mạnh mẽ và giữ vai trò của loại hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng quan trọng trong khu vực. Hạt nhân của lễ hội làng cổ ở Đường Lâm là nghi thức lễ tiết nông nghiệp.
V.3.3.1. Lễ hội truyền thống
Hội làng và những sinh hoạt cộng đồng trong những ngày làng vào đám ở Đường Lâm bên cạnh những nét chung của hội hè vùng Bắc Bộ còn có những nét riêng, nét riêng này phản ánh lịch sử, tập quán, tục lệ, các quy tắc tổ chức, tập hợp và liên kết cộng đồng ở Đường Lâm, liên quan đến sự tích nhân vật được tôn thờ. Ngay giữa các thôn làng trong xã ít nhiều lại cũng có sự khác biệt, từ việc chuẩn bị, cắt đặt người cày ruộng, nuôi lợn thờ, việc chia mâm để hưởng phần "nhang ẩm" tại đình chung...
Công việc chuẩn bị cho ngày lễ hội trong làng cổ ở Đường Lâm thường được giao về cho các giáp, trực tiếp từng năm là giáp đương cai. ở Mông Phụ, để chuẩn bị cho ngày làng vào tiệc năm sau, giáp "đương cai" năm đó phải nuôi "anh ỉ" - tức lợn thờ từ năm trước. Số lợn thờ mà một giáp đương cai phải nuôi là 3 con, được chia thành 3 hạng: loại 1, loại 2, loại 3, tuỳ thuộc vào số cân và hình thức, loại 1: khoảng 160 kg/con; loại 2: 120 kg/con; loại 3: 100kg/con.
Lợn thờ bắt đầu được nuôi từ khoảng tháng 8 âm lịch năm trước, đặc biệt giống lợn phải là con lợn đen tuyền.
Người nuôi lợn thờ là người trong giáp "đương cai" và do giáp chỉ định. Người này sẽ được nhận ruộng lợn - đó là phần ruộng dành riêng để cày cấy lấy hoa lợi bù vào chi phí nuôi lợn (lợn loại 1 được 1 mẫu 5 sào; loại 2: 1 mẫu 2 sào; loại 3: 8 sào) và cũng theo nguyên tắc "thừa giả, thiếu dân bù do".
Lợn thờ phải nuôi ở chỗ sạch sẽ, nếu trong nhà có nuôi lợn thường của gia đình thì phải làm chuồng riêng cho "anh ỷ", con lợn thờ này có thể được chăn thả ngay trong sân, được cho ăn ngô, gạo, cám gạo. Nếu lợn ốm phải sửa lễ lên đình vì quan niệm cho rằng người nuôi để xẩy ra sơ xuất nên thành hoàng quở. Trong trường hợp lợn không đảm bảo số cân theo yêu cầu thì con lợn đó có thể bị đổi thành loại thấp hơn, đã từng có trường hợp con lợn thiếu hai cân, từ loại 1 bị đổi thành loại 2. Với trường hợp lợn nuôi đến gần ngày việc làng không may lại bị bệnh hoặc bị chết, không còn cách nào khác, người nuôi lợn phải tìm mua bằng được con lợn tương tự để thay thế. Những trường hợp không đạt như trên tuy không bị phạt nặng nhưng người trực tiếp nuôi lợn và giáp đương cai năm đó sẽ tự cảm thấy xấu hổ, “mất mặt” với làng, với các giáp khác, có lỗi với thành hoàng.
Ngày cúng thành hoàng, 3 "anh ỷ" chỉ được chọc tiết, làm sạch lông và nội tạng rồi cứ thế đặt lên giá tế lợn sống. Theo tục lệ, ngày 8 tháng giêng tế “tỉnh sinh”, lợn sẽ được "vớn" vào cũi và 1 cũi 1 lợn do 8 người khiêng ra sân đình để chấm lợn, con lợn loại 3 (bé nhất) được dùng để cúng tại ban thờ tiên tổ 16 họ bên nhà tảo mạc. Sau khi tế, thịt con lợn này dùng để giã giò và làm nhân bánh. Hai con còn lại dùng cho hai ngày 9 và 10/1, thịt được luộc để chia các mâm ăn ngay tại đình và chia cho các đinh trong làng, gọi là "chia phần nhang ẩm".
Nhiều quy định mang tính tập tục còn được cụ thể hoá thành văn bản. Chẳng hạn, ở Mông Phụ, hàng năm khi làng vào đám, theo nội dung điều khoản lập ngày 26 tháng 1 năm Tự Đức 13 (1859) trong Mông Phụ xã tục lệ quy định về các món cỗ và việc chia cỗ ngày chính tế 10 tháng 1 ở đình như sau: lệ này có từ xưa, nay tiếp tục duy trì: trong ngày chính tế 10/1 hàng năm, số lượng và các món trong mâm cỗ được sắp đặt và phân chia:
Cỗ soạn đầy đủ và chu tất là 11 mâm. Mỗi mâm bày:
Bánh tròn lớn: 10 kiện
- Giò: 20 miếng
- Chả: 24 miếng
- Tim, gan: 2 đĩa
- Cơm: 1 đấu gạo
- Cá rán: 1 con
- Trầu cau: 1 phong
Trong đó: trước khoa tràng 1 mâm, nay thêm bánh lớn nhỏ: 6 kiện, vai lợn 3 kiện, chân giò: 3 kiện, thận: 3 đôi, cau 1 buồng.
Hương lão 3 bên đặt 2 mâm, nay thêm: bánh lớn nhỏ: 12 kiện, thịt lớn trước bày 1 phiến nay bày phiến rưỡi, cau: 1 buồng, bình quân mỗi người được 1 quả.
Tư văn đặt 2 mâm, nay thêm bánh tròn 12 kiện, thịt lợn 1 phiến đầy đủ, cau: mỗi quan viên trong Tư văn 1 quả. Lợn 1 con chia cả xương và chân giò biếu quan viên đương chức: một nửa lợn, Tư văn 1 nửa lợn.
Tứ khu xếp 2 mâm, nay thêm bánh 6 kiện, thịt 1 phiến, lấy 6 kiện xương sườn làm chuẩn, cau 1 buồng khoảng 100 quảt trở lên. Gà 1 mỏ (tức nguyên 1 con), sôi 1 mâm, rượu 1 vò, trầu cau 1 phong.
Hương vãi 1 mâm, nay thêm bánh 6 kiện, thịt 1 phiến lấy 3 kiên xương sườn làm chuẩn, cau 1 buồng.
Hội Bổn binh: Bánh tròn lớn 2 kiện, giò 5 miếng, cau 14 quả, 1 đĩa tim gan lợn.
Lễ biếu tế chủ: bánh tròn lớn 2 kiện, giò 4 miếng, 1 đĩa tim gan.
Lễ biếu chánh cai: bánh to 5 kiện, giò 10 miếng, 1 đĩa tim gan, chả 10 miếng, chân giò lợn 1 kiện.
Phần cỗ bàn còn lại (sỏ lợn, chân giò, tim gan lòng lợn 2 bộ, cau 1000 quả) đem chia thành các mâm, mỗi mâm bày 4 bát cơm (bằng 1 đấu gạo) mời tất cả quan viên bản xã quang, cớ đều ngồi ăn tại đình, riêng về rượu giáp đương cai đặt 3 mâm 1 vò, không được quá số lượng quy định.
Về 3 người nuôi lợn thờ sẽ được ba kiện bánh nhỏ, ba phiến thịt.
Điều khoản lập ngày 26 tháng 1 năm Tự Đức 13 (1859) lại quy định cụ thể hơn về việc gói bánh và chia phần lợn thờ: theo đó thì lệ này có từ trước, nay tiếp tục duy trì: trong các ngày tế lễ, việc gói bánh được sắp đặt và phân chia như sau:
- Hàng năm gói bánh to, tròn là 140 kiện, mỗi kiện 1 đấu gạo nếp. Loại nhỏ 200 kiện, mỗi kiện nửa đấu gạo nếp.
- Ba con lợn thờ: “lợn anh” số 1 (con được chấm hạng nhất) được dùng vào ngày chính tế 10/1. “Lợn anh” thứ 3: thịt lọc hết xương để làm nhân bánh. “Lợn anh” thứ hai được dùng để tế lễ tiên tổ 16 giáp. Việc này được giao cho Tư văn đứng ra tổ chức tế lễ, sau khi tế lễ tiên tổ xong, thịt lơn giao giáp “đương cai” thái, bày đều mâm của 16 giáp, xương lợn cũng giao cho giáp cai chia đều.
V.3.3.2. Phong tục và các sinh hoạt tín ngưỡng trong gia đình và dòng họ
Uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên là một đặc điểm nổi bật, thể hiện đạo lý, tình cảm của người Việt. Trong mỗi gia đình người dân tại làng cổ ở Đường Lâm, vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà là nơi đặt bàn thờ thờ cúng tổ tiên ông bà. Điều khá đặc biệt là cho đến tận hiện nay, khá nhiều gia đình ở Đường Lâm ngoài ban thờ gia tiên còn có riêng một bàn thờ (nhiều nhà còn gọi hẳn là điện) thờ mẫu theo tín ngưỡng Tam phủ và thờ Đức Thánh Trần - tức Trần Hưng Đạo và bàn thờ thổ công ở gian cạnh nhưng lại đặt cao hơn cả bàn thờ tổ tiên bên gian chính. Kết quả điều tra tháng 12 năm 2005 vừa qua cho thấy những ngôi điện thờ này tuyệt đại đa số đã tồn tại trong các gia đình đều từ 3 đến 4 đời trở lên, nhiều người nhà có điện thờ thường làm cả công việc của một thầy cúng, xem ngày giờ. Tại những điện thờ nhỏ này, từ trước đây người ta đã tổ chức các hình thức như bán khoán trẻ khó nuôi, đội bát nhang, hầu đồng...
Trong gia đình thì có bàn thờ ông bà tổ tiên, dòng họ lại có bàn thờ tổ chung của cả họ tộc (đặt tại nhà tộc trưởng, chi trưởng) hoặc xây dựng riêng thành nhà thờ họ. Cơ sở kinh tế cho các hoạt động thờ tự của dòng họ trước đây chính là quỹ ruộng họ. Họ Giang ở Mông Phụ trước có gần 3 mẫu ruộng họ, số ruộng này chia ra làm hai loại, giao cho hai người cày cấy. Một người gọi là "đương cai nếp", trồng lúa nếp để đồ xôi và nuôi gà; một "đương cai tẻ" trồng lúa tẻ để nuôi 3 con lợn thịt dùng để sửa lễ trong các dịp tế xuân, chạp tổ và giỗ Thám hoa Giang Văn Minh. Theo quy định người làm đương cai nếp thì 1 năm, đương cai tẻ 2 năm.
Thường ở những họ lớn, nhất là có người khoa bảng, có học vấn, từng làm quan, giữ một vài chức vị trong bộ máy hành chính nhà nước thì việc họ được quan tâm nhiều, nhà thờ họ được xây dựng, tu sửa khang trang hơn như trường hợp họ Phan, họ Giang và họ Đỗ làng Mông Phụ.
Về gia phả, trước đây, đa số các dòng họ ở Đường lâm đều tổ chức biên soạn gia phả, tuy nhiên hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, gia phả của nhiều dòng họ đã bị thất lạc. Nhưng cũng còn có nhiều họ còn bảo quản và giữ gìn rất tốt gia phả của dòng họ: họ Giang, họ Hà, họ Đỗ ở Mông Phụ là một ví dụ.
Việc cúng giỗ của dòng họ cũng được quy định theo thứ bậc các đời, chẳng hạn như họ Giang ở Mông Phụ: tổ từ đời thứ 6 trở lên được cúng trên nhà thờ. Từ đời thứ 7 trở đi được con cháu cúng trong nhà. Sinh hoạt dòng họ tập trung trong hai ngày "chạp tổ" và giỗ Giang Văn Minh. Ngày chạp tổ (của họ Giang là 20 tháng chạp, các đinh trong họ từ già đến trẻ đi thăm, và sửa sang mộ tổ (ở giáp với đền Và - thị xã Sơn Tây). Sau đó về nhà thờ họ làm lễ và ăn cỗ. Ngày giỗ Giang Văn Minh, các đinh trong họ đều được dự. Người nào đi vắng sẽ được gửi phần. Ngoài ra, những tiệc nhỏ thì đương cai nếp (đã nhắc đến ở phần trên) sẽ là người sửa lễ (chủ yếu là lễ xôi gà).
V.4. Kiến trúc truyền thống
V.4.1. Niên đại
V.4.1.1. Nhà xây trên 200 năm
Đây là loại nhà cổ nhất. Những ngôi nhà loại này ở Đường Lâm còn một vài nhà. Ví như nhà của ông Hà Văn Lâm ở xóm Sui, thôn Mông Phụ là một ngôi nhà điển hình.
Mặc dù chưa rõ năm xây dựng nhưng theo gia đình cho biết thì đã ở được đến đời thứ 12. Nếu mỗi đời là 18 năm thì tính đén nay là 216 năm. Trên phương diện Kiến trúc - điêu khắc, ngôi nhà hiện nay cũng là một sản phẩm của nghệ thuật kiến trúc đầu thế kỷ XIX. Khuôn viên toàn bộ ngôi nhà và vườn khoảng 356 mét vuông. Nhà kết cấu theo kiểu năm gian hai dĩ, năm hàng chân cột. Ngôi nhà có diện tích 17 x 7,8m. Nhà dựng theo kiểu"Quá giang vượt tường". Gian giữa là nơi thờ tự và tiếp khách. Đây là gian rộng nhất trong ngôi nhà. Bàn thờ và bàn tiếp khách đều làm theo kiểu cổ. Mái được lợp bằng ngói ta, nền nát gạch nung, tường đá ong, rui, mè đều bằng gỗ. Bức đố lụa ngăn gian bên với gian buồng cũng bằng gỗ trang trí gờ nổi dọc. Nhà chính phân biệt với hiên bằng ngưỡng cửa gỗ cao khoảng 40 cm. Ngoài hiên có tám hàng cột chạy ngang từ đầu đến cuối nhà. Cột nhà và hiên được kê trên một chân kê bằng đá tròn. Cột hiên có chiều cao khoảng 1,7 m. Đây là một trong những nhà trần thấp nhất trong những nhà gỗ cổ ở Mông Phụ.
Các nhà loại này còn tương đối nguyên vẹn như thời khởi dựng. Mặc dù độ tuổi gỗ do lâu năm nên đã và đang xuống cấp (Xem phụ lục 03).
V4.1.2. Nhà xây trên 100 và dưới 200 năm
Số lượng và chủng loại của những ngôi nhà này còn lại khá nhiều tại làng cổ ở Đường Lâm. Nhìn chung, kết cấu kiến trúc của dạng nhà này rất phong phú và đa dạng. Từ 1 đến 2, 3, 4, 5 hàng chân, ba gian hai rĩ, dựng theo kiểu "Quá giang vượt tường", "Nội tự ngoại khách", cửa đóng cột cái; gian chính là gian giữa, gian giữa để bàn thờ. Nhà lợp ngói mũi, tường xây bằng đá ong, rui, hoành hoàn toàn bằng gỗ. Cột nhà đều được kê trên hòn đá kê tròn. Bức đố lụa ngăn gian bên với buồng cũng bằng gỗ. Có nhà trang trí hoa văn, có nhà chỉ để gờ nổi (Xem phụ lục 03 và phụ lục 04).
Những ngôi nhà này còn giữ được khá nguyên vẹn kiểu thức ban đầu. Cánh cổng làm bằng gỗ, có các núm gỗ có tác dụng liên kết các tấm ván của cánh cửa. Cổng các nhà này cũng được xây bằng đá ong, gạch và lợp ngói ri. V.4.2. Xác định niên đại
V.4.2.1. Kiến trúc tôn giáo
Cùng với sự hình thành và phát triển của làng cổ ở Đường Lâm là hệ thống di tích cũng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu tinh thần của đời sống xã hội. Việc xác định niên đại cho các di tích trên chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu văn bia hiện có tại di tích và những thư tịch cổ. Di tích có niên đại sớm nhất ở Đường Lâm là đình Cam Lâm, dựng nên để thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền năm Quang Thái 03 (1390). Sau đình Cam Lâm là đình giáp Đoài Thượng dựng năm Hồng Đức thứ 4 (1473). Còn chùa Mía là một di tích nổi tiếng được dựng năm Đức Long thứ 4 (1632) sau đó lại được trùng tu tôn tạo vào năm Cảnh Hưng thứ 11(1750).
Trong quá trình tồn tại do các yếu tố ngoại cảnh nên các di tích đã được tu sửa. Quá trình tu sửa của các di tích trên cũng được ghi lại trên các tấm bia đá hiện tồn tại di tích. Việc hư hỏng các di tích trong khu vực này mang một nguyên nhân khá đặc biệt so với các kiến trúc đồng loại ở các khu vực khác, không những ở các làng mà ngay trong địa bàn do hoả hoạn và chiến tranh, ví như đình Tổng là một chứng tích điển hình.
Cho dù loại hình di tích nào, niên đại khởi dựng sớm hay muộn thì hầu như đều mở rộng về qui mô hay kiểu dáng. Trong những năm trở lại đây một số di tích được nhà nước và nhân dân quan tâm đầu tư tu sửa để bảo tồn và phát huy tác dụng của di tích (Xem các Hồ sơ di tích đã được xếp hạng ở Đường Lâm)
V.4.2.2. Kiến trúc dân dụng
Kiến trúc dân dụng là loại hình kiến trúc thuộc quyền sở hữu của người dân như nhà ở, nhà thờ họ. Về niên đại khởi dựng có thể chia ra làm ba loại như sau:
Loại nhà cổ trên 200 năm. Số lượng nhà loại này còn lại rất ít. Nó chủ yếu là nhà của quan lại, chức sắc hoặc những người có vị thế trong xã hội phong kiến xưa. Trong quá trình tồn tại, vì nguyên nhân này hay nguyên nhân khác mà các ngôi nhà này đã có sự thay đổi về chủ sở hữu của nó.
Loại nhà có niên đại trên 100 năm đến dưới 200 năm. Đây là loại nhà phổ biến hiện còn ở Đường Lâm tương đối nhiều. Tuy nhiên, những ngôi nhà này đã được trùng tu hoặc biến dạng cho phù hợp với điều kiện môi trường hiện nay.
Loại nhà mới. Đây là loại nhà thành thị mới nhập về nông thôn. Năm 1991, Đường Lâm mới chỉ có ba nhà mái bằng. Người ta ưa thích loại nhà này vì những lý do khách quan như dộ bền lâu dài, tránh mối mọt, mái nhà có thể dùng làm sân phơi thóc với điều kiện thuận lợi tối đa. Hiện nay nhà mái bằng đang thay thế nhà ngói để biểu hiện sự thành công giầu có theo cách đánh giá của người dân địa phương (Xem Phụ lục 03 và phụ lục 04).
V.4.3. Đặc trưng kiến trúc truyền thống
V.4.3.1. Tổ chức không gian
V.4.3.1.1. Các thành phần chủ yếu khuôn viên
Theo GS. TS. KTS. Nguyễn Bá Đang, nguyên Viện trưởng Viện kiến trúc - Bộ Xây dựng, người đã dày công nghiên cứu làng cổ ở Đường Lâm thì :
Khuôn viên nhà ở truyền thống của làng cổ trọng điểm Mông Phụ và các làng cổ phụ cận như Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm ở làng cổ Đường Lâm phụ thuộc rất nhiều vào qui mô khuôn viên. Điều đó quyết định các thành phần của khuôn viên, số lượng và quy mô của các thành phần đó. Các thành phần chủ yếu của nhà truyền thống gồm:
1. Cổng
2. Tường rào
3. Sân
4. Vườn
5. Bình phong
6. Nhà chính
7. Nhà phụ
8. Bếp
9. Chuồng chăn nuôi
10. Nơi Vệ sinh
11. Giếng nước
12. Ao
Trung tâm của khuôn viên là nhà chính và sân, các thành phần khác tuỳ theo kích thước và hình dáng khuôn viên mà được đặt trước, sau, hai bên của nhà chính và sân..
Cổng, tường rào: Hầu hết các nhà ở truyền thống đều có cổng có lối vào không trùng với chính giữa cửa chính của nhà chính. Các cổng có cùng thời với nhà còn tồn tại khá nhiều. Chúng được xây bằng gạch, cuốn vòm, đắp nhiều hoa văn trang trí, cánh cổng bằng gỗ (ghép kín) bên trong có then cài, một số cổng lợp mái ngói, trụ xây gạch cánh bằng gỗ. Các cổng quét vôi trắng hoặc vôi vàng.
Tường rào hầu hết là tường rào xây bằng đá ong hay gạch bổ trụ cao trên đầu người, một số ít nhà có khuôn viên rộng thì rào bằng cây bụi, tre. Lối đi vào nhà lát gạch hoặc đổ xỉ than, hai bên lối đi trồng cây ăn quả, cau.
Sân: Là nơi phơi phóng thóc lúa, rơm rạ, nơi tổ chức đình đám của gia đình là không gian chuyển tiếp từ ngoài nhà vào trong nhà. Sân thường lát gạch theo lối chữ công, một số bằng đất nện đầm kỹ, sân có chiều dài bằng hoặc lớn hơn chiều dài nhà chính, chiều rộng phụ thuộc vào khoảng cách từ nhà chính tới ao, hay nhà chính tới tường rào phía trước. Nhà giầu có thường có sân rộng vì nhà có nhiều ruộng, và thường có nhiều hội hè đình đám. Nhà thông thường có sân hẹp hơn được lát bằng gạch thất hoặc bằng đất nện
Bình phong - Hòn non bộ :
Đây là nét đặc trưng cho lối kiến trúc chịu ảnh hưởng của luật phong thuỷ. Bình phong có tác dụng che chắn cho nhà chính khi gặp hướng xấu, tạo được sự kín đáo cho gian chính của ngôi nhà ( nơi đặt bàn thờ). Bình phong thường được đặt trước sân.
Một số nhà không có ao thì tại vị trí đặt bình phong hoặc bên cạnh bình phong người ta làm các bể cảnh non bộ nhằm làm tăng thêm vẻ đẹp cho khuôn viên. Bình phong được xây bằng gạch có dạng cuốn thư, trên có đắp hình trang trí: phong cảnh, hoa lá, đôi khi nó chỉ là một bức tường giản đơn.
Ao: Ao có rất ít, thường đặt ở phía trước nhà chính, ao có tác dụng cải thiện vi khí hậu, nơi thoát nước, cấp nước tưới cây
Vườn: Tuỳ theo hướng nhà, hình dáng, kích thước khuôn viên, mà được bố trí ở đằng trước, sau hay bên cạnh nhà chính. Thông thường nhà ở truyền thống Hà Tây quay hướng nam để đón gió tốt vào nhà người ta bố trí vườn rau ở trước nhà, vườn cây ăn quả ở phía sau.
Nơi vệ sinh: Bộ phận xí thường kết hợp với chuồng chăn nuôi như chỗ nuôi lợn, các hố xí thường đơn giản, có nơi làm hố xí 2 ngăn. Chỗ đi tiểu thường đặt ở ngoài vườn.
Chuồng chăn nuôi: Là nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chuồng trại có kết cấu đơn giản, mái tranh hoặc mái ngói máy, nhà có khuôn viên rộng chuồng trại đặt cách xa nhà chính. Nhà có khuôn viên hẹp thì chuồng trại được kết hợp với nhà phụ hay vệ sinh thành một nếp nhà đôi.
Giếng nước - khu tắm giặt: Thường nằm cách xa nhà chính và ở chỗ khuất tuỳ theo khả năng kinh tế của chủ nhà mà tắm giặt có thể xây thành một nếp nhà hoặc chỉ xây quây đơn giản ( không có mái che). Khu vệ sinh đặt ở xa nhà chính, khuất và cách xa giếng nước.
Bếp: Thường bố trí vuông góc với nhà chính, quay mặt ra sân tạo ra khuôn viên có hình thước thợ hay bố trí bên cạnh dọc theo nhà chính phía trước có sân nhỏ. Tuy nhiên vị trí bếp không được chắn hướng gió tốt vào nhà. Nhà chính quay hướng nam, đông nam thì bếp nằm ở bên trái nhà chính. Với khuôn viên hẹp thì bếp có thể được kết hợp với nhà phụ hay chuồng trại tạo thành một nếp nhà. Kiến trúc bếp thường đơn giản với mái ngói, tường thu hồi
Nhà phụ: Nhà phụ có thể là một hay nhiều nếp nhà được bố trí trong khuôn viên tuỳ theo qui mô cụ thể của khuôn viên nó có thể kết hợp với một vài thành phần khác trong khuôn viên: bếp, kho, chuồng chăn nuôi, nhằm đáp ứng các mục đích sau:
- Là nơi sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp.
- Là nơi phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở
- Kho chứa lương thực, nguyên liệu sản xuất, công cụ lao động
Hình thức kiến trúc và kết cấu của nhà phụ thường đơn giản hơn nhiều so với nhà chính. Thường nó chỉ là một nhà 3 hoặc 5 gian ( khi kết hợp với một thành phần khác) hai mái, mái lợp ngói hoặc mái tranh, kèo gỗ với 2 hoặc 3 hàng cột đôi khi kèo gác thẳng lên tường mà không cần cột bởi vì chúng có lòng nhà hẹp (từ 3m đến 4m). Nhà phụ hầu như không có trạm khắc trang trí, nếu có thì đó phải là nhà quan lại, địa chủ giàu có tuy nhiên trang trí cũng chỉ ở mức độ bình thường.
Do diện tích khuôn viên hẹp xuất hiện một số nhà có mái nhà chính và mái nhà phụ giao cắt nhau đây là hiện tượng ít thấy ở các địa phương khác.
V.4.3.1.2. Bố cục kiến trúc trong khuôn viên
Hình thức liên kết giữa nhà chính và nhà phụ và chúng thường có dạng: chữ nhât (-), chữ nhị (=), chữ đinh (T), chữ môn (U).
Tổ hợp nhà có dạng chữ nhất (-). Nhà chính và nhà phụ bố trí liền kề và thẳng hàng với nhà chính. Loại này thường thấy ở nhà có điều kiện kinh tế khá giả, có diện tích khuôn viên khá rộng.
Tổ hợp nhà có dạng chữ Nhị (=). Nhà chính và nhà phụ hoặc hai nhà chính song song với nhau. Loại này thường thấy ở nhà quan lại, nhà trưởng họ (kiểu tiền khách hậu tự, tiền tế hậu tự..) Nhà thường có sân rộng giữa hai nếp nhà.
Tổ hợp nhà có dạng hình thước thợ (L) nhà chính và nhà phụ vuông góc với nhau. Loại nhà này khá phổ biến, chúng phù hợp với khuôn viên có diện tích trung bình và nhỏ.
Tổ hợp nhà có dạng hình chữ môn (U) nhà chính, nhà phụ, bếp nằm xung quanh ba phía của sân. Loại này thường xuất hiện ở các gia đình có diện tích khuôn viên hẹp
V.4.3.2. Đặc điểm tổ chức không gian ngôi nhà chính.
Nhà chính: Trong khuôn viên nhà ở truyền thống, nhà chính là nếp nhà lớn có các mục đích sử dụng:
- Là nơi cư trú, của gia đình từ có 3 đến 4 thế hệ cùng sinh sống.
- Là nơi nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động.
- Duy trì nòi giống, giáo dục con cái, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà.
- Thường kết hợp với thờ cúng, tín ngưỡng.
Hình thức kiến trúc và kết cấu nhà chính được chú trọng nhất trong toàn bộ các công trình của khuôn viên nhà.
V.4.3.2.1. Hướng nhà chính
Nhà ở truyền thống có hướng chủ đạo là hướng , Đông , hai hướng này chiếm tới 50%. Đây là hai hướng nhà rất thuận lợi cho việc đón gió mát vào mùa hè và tránh gió lạnh vào mùa đông. Khi đã chọn được hướng nhà tốt việc trồng cây cối, bố trí nhà phụ, bếp cũng tuân theo ý đồ đón gió mát ngăn cản gió xấu “ Chuối sau cau trước”.
Trong trường hợp do địa thế khu đất hay do lựa chọn hướng theo tuổi của chủ nhà mà gặp phải hướng bất lợi như hướng Tây, Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc (các hướng này chỉ chiếm khoảng 25%) người ta thường trồng các cây có tán lá rộng để tránh nắng, tránh gió rét (gió đông bắc) cửa sổ đón gió mát gió Nam và Đông Nam.
V.4.3.2.2 Đặc điểm tổ chức mặt bằng
Mặt bằng ngôi nhà ở truyền thống có dạng hình chữ nhật thường có số gian lẻ: 3, 5, 7 gian và hai chái, cá biệt có những nhà có số gian chẵn. Thông thường người ta phân chia nhà thành ba phần: Hai gian chái và ba gian giữa, hai gian chái (thường gọi là hai gian buồng) được ngăn chia với ba gian giữa bằng hai vách gỗ gắn liền với vì Thuận và người ta gọi vách này là vách Thuận.
Ba gian giữa thông nhau hoàn toàn ( không có vách ngăn) với các chức năng:
Thờ cúng, tiếp khách, sinh hoạt chung của gia đình, dạy dỗ con cái, chỗ ngủ của đàn ông, khách nam giới, với tính chất đa năng trong đó việc thờ cúng là quan trọng nhất. Những nhà có quy mô nhỏ không gian này là nơi sản xuất các nghề phụ khi nông nhàn.
Hai gian bên ( 2 gian chái ) có dạng không gian kín là nơi sinh hoạt của phụ nữ trong gia đình ( hoặc nơi ở của vợ chồng con trai mới ở riêng), nơi dự trữ lương thực, giống má, cất giữ đồ dùng, hai gian này có cửa đi nhỏ mở ra hiên và qua vách thuận, thông thoáng bằng hệ thống cửa nhỏ phía trước và phía sau.
Hiên phía trước ba gian chính hoặc kéo dài tất cả các gian, là không gian liên kết trong nhà với ngoài nhà, là nơi nghỉ ngơi, sản xuất phụ, ngăn cách hiên với trong nhà là hệ thống cửa bức bàn liên kết liền với hàng cột quân tạo thành vách rất ổn định.
Đồ đạc trong gia đình tuỳ theo điều kiện kinh tế mà có chất lượng, hình thức khác nhau nhưng nhìn chung là phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhà giàu thì có sập gụ, tủ chè, trường kỷ. Nhà nghèo cũng có giường gỗ, chõng tre, phản gỗ. Nhà giàu thì đồ gỗ quí: Đinh, Lim, Mun. Nhà có điều kiện kinh tế kém hơn thì bằng tre, bằng gỗ xoan, gỗ mít để trần. Ngoài ra các đồ dùng, dụng cụ khác liên quan đến sinh hoạt lao động. Tất cả đều gọn gàng và thiết thực trong cuộc sống hàng ngày nó không chỉ “ ăn chắc mặc bền” mà còn nói nên cái đẹp giản dị, cái đẹp xuất phát tự thân từ mỗi đồ vật trong một không gian nhất quán.
V. 4.3.3. Đặc điểm kết cấu
V.4.3.3.1. Bộ khung
Bộ khung gỗ trong nhà ở truyền thống bao gồm hệ thống các cột xà kẻ được liên kết với nhau bằng mộng tạo nên sự bền vững cho ngôi nhà bộ khung gồm có: Các hệ cột ( cột cái, cột quân, cột hiên), hệ thống xà ngang( quá giang, câu đầu), hệ thống xà dọc ( xà nóc, xà thượng, xà hạ), hệ thống kèo, kè bảy.
V.4.3.3.2. Các thành phần
Để phân biệt các thành phần của bộ khung trong cấu trúc ngôi nhà truyền thống người ta đặt tên cho từng bộ phận cấu thành, các cấu kiện có cùng kiểu dáng và hình thức làm việc thì có cùng tên gọi. Cùng cấu kiện nhưng khác nhau về vị trí thì tên gọi cũng khác nhau : cột cái - cột quân - cột hiên; xà thượng - xà tử thượng; xà hạ - xà tử hạ.
V.4.3 3. 3. Hệ thống cột
Là những thân gỗ lớn, dài, đứng song hàng thành từng cặp trên các chân tảng bằng đá. Các cột trong vì đều có tính chất “thượng thu hạ thách”. Đầu cột chụm vào giữa của vì. Thân cột được tạo các lỗ mộng ( mộng sập, mộng xiên,) để ghép các kết cấu khác. Vì chính có 3 loại cột cơ bản: Cột cái, cột quân, cột hiên và một loại cột trốn. Cột trốn không đứng trên các chân tảng ở nền nhà mà đứng trên xà ngang. Bước cột cái - cái, lớn hơn bước cột, cái - quân và bước cột quân - hiên.
Bước cột ( cái - cái) 2,0m - 2,58m
Bước cột ( cái - quân) 0,95m - 1,5m
Bước cột (quân - hiên) 0,84m - 1,27m
Các cột có thiết diện hình tròn, một số nhà có thiết diện hình vuông nhưng loại này rất ít. Cột cái có thiết diện lớn nhất sau đó đến cột quân và cuối cùng và cột hiên.
Thiết diện cột phổ biến:
Cột cái: 19cm - 34cm
Cột quân: 16cm - 30cm
Cột hiên: 14cm - 22cm
Các cột cùng loại có thiết diện bằng nhau tuy nhiên một số nhà các cột phía ngoài và các cột gian giữa lớn hơn các cột phía sau và các cột gian bên. Cột được gia công theo kiểu phình to tại khoảng cách mặt đất từ 60cm đến 70cm tuỳ theo chiều cao và thiết diện cột. Chân cột thường được nguýt cong trước khi đặt lên chân tảng, các cột đều theo thế “thượng thu, hạ thách” chân choãi ra ngoài, thách cột thường được tính khoảng 2cm cho chiều dài 1m cột nhờ đó mà ngôi nhà đảm bảo được tư thế vững chãi.
Theo kinh nghịêm và quan niệm của người dân nhà phải có “Réo” tức là gian giữa thấp nhất và cao dần lên hai hồi tạo thành một đường cong nhẹ cho mái nhà nên các cột ở các vì càng xa gian giữa thì càng cao. Thông thường mỗi vì cột chênh lệch nhau khoảng 3cm, điều này góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà.
Cột trốn có vị trí như các cột khác nhưng trốn phần thân cột phía dưới nhằm tạo ra không gian rộng hơn. Phần trên cột đặt lên xà ngang thông qua đấu cột, cột trốn có chiều cao từ xà ngang tới mái. Cột trốn có tại vị trí cột cái thường xuất hiện ở nhà có dạng kết cấu quá giang, cột trốn có vị trí cột quân thường xuất hiện ở dạng nhà ngoại khách nội tự.
V.4.3.3.3.1. Nhà năm hàng chân
Đây là loại nhà ở truyền thống được kiến thiết bằng những vì kèo có năm hàng cột thường bằng xoan (một cột hiên, hai cột con, hai cột cái). Tại làng cổ ở Đường Lâm, chỉ loại nhà công cộng như đình, chùa, phủ mới có sáu hàng chân. Loại nhà năm hàng chân có thể là nhà ba gian, năm gian và năm gian hai dĩ. Đặc trưng của loại nhà này là kèo kẻ chuyền, mỗi vì kèo gồm hai kẻ lợn (kẻ cái), hai kẻ ngồi(kẻ giữa), một kẻ hiên và một kẻ bẩy. Kèo kẻ chuyền là một hình thái kiến trúc hoàn mỹ nhất tại làng cổ ở Đường Lâm, là một phương thức chắp nối ba kẻ thành một kèo dài nhằm mục đích nới rộng lòng nhà. Đầu kẻ và lợn túi (giá chiêng) là những yếu tố được chạm trổ chau chuốt, tinh tế nhất trong các ngôi nhà cổ, nhất là ở Mông Phụ. Những vì kèo gồm lợn túi và kẻ chuyền thường dùng cho gian giữa, trái lại, những vì kèo ở gian bên thường dùng hệ thống chồng giường hoặc chồng sáo: ở đây những xà ngang được chồng lên nhau vừa để nối cột vừa để đỡ hoành hoặc đòn tay của mái. Trong vài nhà cổ loại lớn ở Mông Phụ, Đông Sàng hay Cam Thịnh vì kèo chồng giường này được chạm trổ công phu với những mô típ hoa, lá, mây ...phần dưới kèo là bức thùng, tức là một tường bằng gỗ đặc, có những đường dọc chạy song song. Bức thùng làm ranh giới cho những gian giữa và gian bên, nơi làm phòng ngủ của phụ nữ và thường cũng là nơi chứa đựng lương thực và đồ dùng... Bức thùng cũng là nơi người ta treo ảnh gia đình, các loại bằng cấp tranh vẽ, lịch...
Cửa của loại nhà này là một yếu tố đáng quan tâm. Đây là cửa bức bàn bằng gỗ đặc, gồm nhiều khuôn vuông, không khắc chạm, chỉ có đường viền. Mỗi gian có bốn cánh và mỗi cánh có hai mộng ghép vào ngưỡng cửa, then cài bằng gỗ bằng đà ngang trên cửa. Ngưỡng cửa bằng gỗ đặc cao khoảng 40 cm và cách nền khoảng 10 cm. Chúng tôi nghĩ rằng khoảng cách này có mục đích thông khí và tránh ẩm thấp mối mọt cho ngưỡng cửa. Nhưng một người rành nghề mộc ở Mông Phụ đưa ra một chi tiết bất ngờ; khoảng trống này dùng để thọc chân bọn ăn trộm trong khi chúng đang tìm cách mở cửa !
Loại nhà năm hàng chân là loại nhà rộng nhất tại làng cổ ở Đường Lâm, lòng nhà rộng khoảng 4,20 m. nhưng không có cột bẩy lên kẻ bẩy thường ngắn và lòng nhà không thể rộng lớn như đình Mông Phụ, hoặc chùa Mía là những kiến trúc với bộ sườn sáu hàng chân, tức là có thêm cột bẩy. Khoảng cách giữa cột con và tường dưới bẩy xe dịch từ 20 đến 60 cm. Nhà năm hàng chân cũng là loại nhà ở có nhiều cột nhất tại làng cổ ở Đường Lâm: Một ngôi nhà năm gian hai dĩ có đến 40 cột; tuy nhiều cột nhưng ta vẫn có cảm giác thanh thoát, không vướng víu, có lẽ vì cột gỗ xoan ở đây không to lớn đồ sộ như cột lim, cột mít: Đường kính cột trung bình khoảng 18 -20 cm và cột lớn nhất không quá 24 cm.
V.4.3.3.3.2. Nhà bốn hàng chân hay nhà quá giang trốn một cột
Nhỏ hơn loại nhà trên, loại nhà này có bốn hàng cột chống đỡ vì kèo: Một hàng cột cái, hai hàng cột quân và một hàng cột hiên. Cột cái thứ nhất (phía trước ) bị bỏ và được thay thế bằng một trụ con dựa trên một xà quá giang để đỡ kèo. Xà quá giang là một yếu tố mới, phải dài hơn để có thể bắc từ cột con phía hiện thẳng đến cột cái thứ hai và sức chịu lực đỡ mái cũng lớn hơn. Trốn cột và quá giang là đi tìm một khoảng không gian nội thất thông thoáng hơn, vì loại nhà này thường thuộc cỡ vừa hoặc nhỏ. Nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm, nhà quá giang trốn cột có thể là một nhà cổ năm hàng chân cỡ nhỏ được cải tiến: Người ta bỏ một cột cái và thay thế xà ngang cũ bằng một xà quá giang. Chức năng của cột kèo không thay đổi, vẫn chống đỡ tất cả trọng lượng của mái. Vì kèo mất tính thống nhất, được thể hiện dưới dựng kẻ chuyền ba kẻ, trên kèo dưới kẻ hoặc kẻ tuột (suốt). Đa số nhà quá giang trốn cột đều mới được xây sau này.
V.4.3.3.3.3. Nhà ba hàng chân hay nhà quá giang trốn hai cột
Trong loại nhà này, số cột giảm bớt hẳn đi, chỉ còn hai hàng cột con và hai hàng cột hiên; những hàng cột cái biến mất, được thay thế bằng những hàng trụ con dựa trên xà quá giang để chống đỡ kèo.Vì vậy, đây vai trò của xà quá giang rất quan trọng. Nó phải là một thân gỗ vừa dài, vừa lớn, vừa chắc để có thể đỡ những hàng trụ chống mái. Tuy còn ít cột vì kèo vẫn giữ nguyên chức năng chống đỡ mái. Đa số vì kèo được kết cấu theo dạng trên kèo dưới kẻ, hoặc trước kẻ sau bẩy và một số ít theo dạng kèo tuột. Không gian nội thất càng thông thoáng hơn nữa và sự đi lại trong nhà dễ dàng hơn, không còn bị ngăn bởi những hàng cột cái như trong loại nhà năm hàng chân.
V.4.3.3.3.4. Nhà hai hàng chân hay nhà quá giang trốn ba cột
Đây chưa phải là một loại nhà đã được định hình rõ ràng, nhưng chỉ là một biến dạng của loại nhà ba hàng chân, vì người ta thay thế hàng cột con phía hiên bằng một bức tường bằng gạch trực tiếp chống đỡ kèo hoặc trụ kèo. Kèo suốt hoặc kèo đôi, đôi lúc cũng gặp xà đấm nối tường vào cột hiên theo kiểu Tiền xà đám hậu bẩy. Nhà chỉ còn hàng cột hiên và hàng cột con phía bẩy, nhưng không gian nội thất không có gì mới lạ, vẫn tương tự như nhà ba hàng chân. Kiểu này ít gặp tại làng cổ ở Đường Lâm nhưng biểu lộ một điểm mới trong nghệ thuật kiến trúc: Tường bắt đầu chia sẻ chịu lực với cột kèo để đỡ mái.
V.4.3.3.3.5. Nhà một hàng chân hay nhà quá giang gối tường
Tiến thêm một bước nữa, những hàng cột cái, cột con của nhà cổ truyền đã biến mất, chỉ còn hàng cột hiên. Trong kiểu nhà này xà quá giang chiếm một địa vị rất quan trọng; hai đầu xà dựa thẳng lên tường , đỡ hai trụ con song song hoặc ba trụ con hình quạt, gọi là tay hoa chống nóc; thường dùng kèo suốt hoặc kèo đôi. Kiểu nhà này, nếu chiều rộng hơn bốn mét, đòi hỏi những xà quá giang to lớn bằng gỗ tốt. Kỹ thuật kiến trúc đã đi đến một giai đoạn mới: Tường hoàn toàn thay thế cột để chống đỡ sức ép của kèovà trọng lượng của mái
V.4.3.3.4. Xà
Có nhiều tên gọi khác nhau tuỳ theo công năng của xà: Thượng lương, xà thượng, xà hạ. Do tính chất “Thượng thu hạ thách” của cột và tính chất “Réo” giữa các vì mà các xà luôn ở tư thế vừa chịu lực kéo và nén đó là khả năng làm việc tốt nhất đối với vật liệu gỗ.
Xà dọc: xà liên kết các cột theo phương dọc của nhà xà dọc của các nhà tạo nên hệ thống giằng cố định toàn bộ khung liên kết.
- Xà tử thượng: Liên kết các cột quân phía trên
- Xà tử hạ: Liên kết các cột quân phía dưới
- Xà thượng: Liên kết các cột cái phía trên
- Xà hạ : Liên kết các cột cái phía dưới
- Thượng Lương: Nằm ở vị trí cao nhất của vì dưới giao tuyến của 2 mặt phẳng mái, nó được coi như thanh hoành trên cùng và được đỡ bằng các con cung.
Các xà thường được bố trí đối xứng nhau qua đỉnh mái thành từng cặp, đôi khi thay luôn cho chức năng hoành tại đầu cột và khi đó được gọi là “ Xà thế hoành”. Thiết diện của xà dọc thường là có dạng hình chữ nhật và hình tròn vạt hai đầu có soi các đường gờ chỉ dọc theo thân xà. Để tăng thêm khả năng chịu lực và ổn định của xà người ta làm các ván bưng liên kết giữa xà thượng và xà hạ, xà tử thượng với xà tử hạ.
Xà ngang: Liên kết các cột theo chiều ngang nhà tạo thành các vì, phân ra các chức năng khác nhau
- Xà lòng: Liên kết hai thân cột cái
- Xà nách: Liên kết cột cái với cột quân
- Quá giang: Liên kết giữa hai cột quân
- Câu Đầu: Liên kết hai đầu cột cái, phía trên xà lòng, quá giang.
Nhìn chung, các xà dọc và xà ngang thường có tiết diện tròn vạt ngang ở hai đầu phí trên và dưới. Những xà trong cùng phương chịu lực ở vị trí thấp có kích thước tiết diện lớn hơn xà trên cao (xà hạ lớn hơn xà thượng, xà tử hạ lớn hơn xà tử thượng). Xà ngang có tiết diện lớn hơn xà dọc vì chức năng xà ngang chịu lực, còn chức năng xà dọc là liên kết giằng, Riêng Câu Đầu có hình dáng khá đặc biệt, hai đầu Câu Đầu thu lại, ở giữa phình to. Hình dáng của Câu Đầu và cột tạo thành một thế vững chắc cho bộ vì theo cả hai phương dọc và ngang.
V.4.3.3.5. Bộ vì
Là yếu tố căn bản của kết cấu khung gỗ, là sự liên kết tất cả các cấu kiện chịu lực theo phương ngang nhà. Vì là đơn vị cấu thành tổ chức không gian nhà ở truyền thống. Để tạo thành một bộ vì, trước hết phải có các cột ( 2 cột cái, 2 cột quân, có khi thêm cột hiên) và hệ thống kết cấu kiên kết các cột lại với nhau đó là các vì nóc, vì nách, kẻ và bảy.
Vì nóc: Là liên kết ở khoảng không gian giữa hai cột cái, đỡ nóc và nửa mái phía trên. Khoảng không gian này có hình tam giác cân, giới hạn bởi thượng lương, câu đầu và hai mặt mái dốc ra về hai bên.
Vì nóc nhà ở truyền thống Đường Lâm khá đa dạng nhưng phổ biến ở các dạng:
- Dạng giá chiêng kẻ ngồi
- Dạng giá chiêng chồng nhị
- Dạng con chồng (chồng tam)
Tuy có cùng một kiểu dáng nhưng mức độ và hình thức trang trí của mỗi nhà lại khác nhau tuỳ thuộc vào khả năng kinh tế và sở thích của chủ nhà. Chủ đề trang trí chủ yếu là hoa văn cách điệu. Nhà ở truyền thống có vì nóc tại vì thuận ít khi giống với vì nóc tại vì chính đây là nét độc đáo không giống với nhà ở truyền thống các tỉnh đồng bằng bắc bộ nói chung. Vì nóc tại vì thuận thường có dạng: Dạng con chồng (chồng tam), dạng chồng rường và dạng cốn mê. Thực hiện chức năng ngăn chia tách biệt không gian buồng với ba gian ngoài khoảng trống giữa các thanh rường, các con chồng được bịt bàng ván bưng.
Vì nách: Là liên kết ở khoảng không gian có hình tam giác vuông được tạo thành giữa cột cái và cột quân. Tam giác vuông này có cạnh dài là xà nách, cạnh ngắn là độ dài của cột cái so với cột quân và cạnh huyền là độ dài mặt mái dưới.
Vì nách nhà ở truyền thống phổ biến là các dạng: kẻ ngồi, con chồng, kẻ trường. Trong đó nhiều nhất phải kể đến là vì nách có dạng kẻ ngồi, kiểu này thường gặp ở các nhà có kết cấu bộ vì kiểu quá giang, kiểu lọng tàn. Với kiểu nhà có dạng xà lòng thì vì nách có dạng kẻ trường liên kết từ đầu cột cái ra đến cột hiên.
V.4.3.3.6. Kèo
Gồm nhiều loại phân theo chức năng:
Kèo suốt: Thanh chéo liên kết các đầu cột và là một thanh liên tục chạy từ vị trí xà nóc đến tận hoành cuối cùng.
Kèo kìm: Gồm 2 thanh kèo suốt dọc theo 2 mái, liên kết các đầu cột từ vị trí xà nóc đến đầu cột quân. Hai kèo này đan mộng ngàm vào nhau hình gọng kìm.
Kèo cổ ngỗng: Là thanh gỗ trực tiếp đỡ hoành, liên kết đầu cột quân và cột hiên và được đỡ trên bảy hiên hoặc đầu kẻ trường. Hình dạng kèo đựơc tạo dáng cong như cổ ngỗng nên gọi là kèo cổ ngỗng ( một hình thức biến thể của ván dong).
Đặc điểm của kèo: thường có tiết diện hình chữ nhật đứng, hai mặt kèo ít được trạm trổ.
V.4.3.3.7. Kẻ - bảy
Kẻ được tạo dáng cong lên phía trên theo cung tròn và có tiết diện hình hoa sen cách điệu. Kẻ đỡ hoành thông qua một cấu kiện là ván dong ( ván gỗ dày, đặt trên kẻ, chạy suốt chiều dài kẻ và có khoét các ổ đỡ hoành). Kẻ gồm nhiều loại phân theo chức năng:
Kẻ hiên: Liên kết chéo giữa cột quân và cột hiên.
Kẻ chuyền: Là 1 chuỗi kẻ nối nhau, liên kết các đầu cột theo phương vát mái.
Kẻ ngồi: Liên kết chéo giữa cột cái và đầu quá giang ( ở phía cột quân). Kẻ có thể ngồi trực tiếp lên xà nách, có thể ngồi lên xà nách thông qua đấu gỗ.
Kẻ trường: Liên kết chéo giữa cột cái và cột hiên mà không cần đến xà cột quân.
Bảy : Là những thân gỗ ngắn ăn mộng qua đầu cột quân, đuôi bảy ( nghé) tì lực lên bụng xà nách, thân bảy chạy chéo xuống vươn ra đỡ những cây hoành cuối cùng của mái. Bảy ở phía trước nhà là bảy tiền, bảy ở vị trí sau nhà là bảy hậu.
Đặc điểm của bảy cũng giống như kẻ nhưng có chiều cong ngược lại và chiều dài bảy ngắn hơn. Hình dáng của kẻ, bảy và nghé tạo thành một đường cong đổi hướng liên tục, gây cảm giác mềm mại, thanh nhẹ cho bộ vì.
Vì thuận đóng vai trò là khung kết cấu và ngăn chia không gian chính và không gian phụ ( gian chái). Bức che ở vì thuận thường có dạng khuôn tranh vì búp măng.
Nhìn chung vì thuận có đặc điểm cấu trúc khung cột, xà giống vì chính xong đôi khi vì thuận cũng có những thay đổi về kiểu dáng trang trí tại vị trí vì nóc và vì nách.
Vì thuận, đối với dạng nhà kết cấu vì chính dạng cong chồng hay chồng tam thì vì thuận cũng có cấu trúc tương tự.
Đối với nhà có cấu trúc dạng kết cấu kẻ truyền, hay kẻ ngồi thì cấu trúc vì thuận thay đổi có dạng con chồng, hay ván mê ở vì nách bức thuận.
Vì thuận chú trọng trang trí mặt hướng ra 3 gian chính, với những bức trạm trổ tinh vi ở những thanh bạo, hệ thống con chồng, Ván mê, bức thuận búp măng, khuôn tranh.
Ván ghép tại vì thuận có soi các hèm hoặc được che bởi hệ xương gỗ có thiết diện hình tròn hoặc hình chữ nhật, hình sống lá dừa trên đó có soi nhiều gờ chỉ.
V.4.3.3.8. Ván mê
Là tấm ván rộng (có thể được ghép từ nhiều mảnh có độ dày bằng nhau), liên kết chủ yếu truyền lực của hoành lên xà. Hình dáng của ván mê chiếm trọn vì nách hoặc vì nóc. Ván có trổ ô thoáng hình chữ nhật để tạo được độ thanh nhẹ cho kết cấu.
V.4.3.3.9. Mái nhà
Đặc điểm cấu trúc mái: Mái là thành phần bao che quan trọng nhất của kiến trúc nhà ở truyền thống. Nhà ở dân gian truyền thống Đường Lâm có dạng cấu trúc mái:
Dạng nhà có cấu trúc 2 mái
Dạng nhà có cấu trúc 4 mái
Nói chung hệ thống mái nhà ở dân gian truyền thống Hà Tây bao gồm các thành phần:
Phần gỗ: Hoành, dui, mè, dạ tàu, chẹn tàu, lá mái, then co, diềm mái.
Phần gốm (đất nung): Ngối, gạch, hoa văn trang trí, con giống.
Phần xây: Bờ nóc, bờ chảy, con kìm, đao.
Phần gỗ gồm có:
Hoành: Là các thanh gỗ hoặc tre chạy dọc theo mái làm thành mặt phẳng đỡ rui. Hoành có tiết diện hình tròn ( đường kính từ 9 đến 11cm) hoặc hình chữ nhật (10 x 12cm)
Hoành cuối cùng của mái ngoài chức năng đỡ rui, còn kết hợp với một số bộ phận khác như mái lá, theo co, chẹn tàu để đỡ những viên ngói cuối cùng nên còn gọi là thanh dạ tàu.
Rui: là những thanh gỗ mỏng (kích thước tiết diện thường là 2 x 10cm) đặt vuông góc với hoành. Khoảng cách giữa các rui thường bằng một chiều rộng rui.
Mè: Là những thanh gỗ nhỏ gác vuông góc với dui, chạy song song với hoành và cùng chạy suốt theo mái. Thanh mè có tác dụng cố định lớp ngói chiếu chống sự sô tụt ngói lót. Số lượng thanh mè phụ thuộc nhiều vào độ lớn của mái và phương thức lợp mái. Mè liên kết trực tiếp với dui bằng chốt che (sau này liên kết bằng đinh). Kích thước thanh mè thường khoảng 30 x 40 mm
Dạ tàu: Là ván gỗ dày từ 45 đến 75mm có dạng cong lên về phía 2 đầu hồi. ở giữa của dạ tàu có kích thước nhỏ hơn ở hai đầu hồi. Thanh dạ tàu ăn mộng chốt xuống đầu thanh kẻ hiên (hay bảy tiền). Dạ tàu có tác dụng giống như hoành đỡ hệ dui, mè, đồng thời dạ tàu cũng kết hợp với thanh đón mái đỡ hàng ngói cuối cùng (ngói giọt gianh).
Lá mái : Là thanh gỗ dày từ 2 - 3 cm; bản rộng từ 15 - 30 cm nằm trên và chạy dọc theo thanh dạ tàu. Lá mái đóng vai trò như một thanh mè đỡ hàng ngói dưới cùng và có tác dụng đưa phần mái ngói đẩy ra xa khỏi hệ khung gỗ tránh hắt nước mưa.
Chẹn tàu: Là thanh gỗ nằm sát mặt ngoài dạ tàu, tại vị trí đầu kẻ; bảy hiên. Chen tàu đóng vai trò là thanh gỗ đỡ cố định thanh lá mái trên thanh dạ tàu, đồng thời cũng giúp cố định dạ tàu trên kẻ (bảy) hiên.
Phần gốm:
Lớp ngói mũi hài: Là lớp ngói trên cùng, lợp so le từ trên xuống. Hình dáng viên ngói có dạng mũi cong dày lên, có tác dụng làm đẹp và làm hắt nước mưa ra xa không bị lọt nước mưa xuống các lớp ngói dưới.
Phần xây:
Bờ chảy: Là phần tường xây đầu mái, liên kết bao che phần tường đầu hồi và mái trong nhà ở 2 mái hoặc bao che phần ráp 2 mái trong nhà 4 mái, Bờ chảy có tác dụng ngăn nước mưa chảy theo chiều dốc mái.
Bờ nóc mái: Là phần xây trang trí trên đỉnh mái có tác dung liên kết bao che cho phần ráp đỉnh 2 mái ngói dốc.
V.4.3.3.10. Nền nhà
Nền nhà là khối liên kết các lớp cấp phối truyền thống. Tuỳ theo từng loại công trình khác nhau mà nó có các lớp cấu tạo khác nhau.
Các lớp cấu tạo nền nhà ở dân gian thuần nông.
Nền nhà ở dân gian thuần nông thường cao 1 bậc, hiên được lát gạch bát( 300 x 300); Bờ hiên được xây gạch chỉ so le đuổi nhau, trên cùng là lớp gạch chỉ xây vỉa nghiêng. Nền nhà trong và gian trái thường là nền đất nện.
Các lớp cấu tạo nền thường có lớp dưới cùng là các lớp gạch, đá lẫn lộn có tác dụng không cho chuột bọ đào ngách chui lên nhà. Lớp thứ hai là lớp đất thịt được đầm chặt, cuối cùng là lớp đất hỗn hợp gồm: Bột vôi + tro bếp + đất thịt. Có tác dụng chống mối, mọt và dễ thoát ẩm, làm mát nhàm vào mùa gặt nếu trời mưa thóc sẽ được rải xuống nền, lúc đó nền nhà có tác dụng hút ẩm.
Các lớp cấu tạo nền nhà ở kết hợp thờ cúng, nhà giàu có, nhà quan lại. Về cơ bản cấu trúc nền nhà thuộc thể loại này giống cấu trúc của nhà ở dân gian thuần nông, xong khác nhau về mức độ. Hiên và nền nhà được lát gạch nung (300 x 300). Bờ hiên được lát gạch chỉ đuổi nhau so le, trên cùng là lớp gạch chỉ xây vỉa nghiêng hay bờ thềm bằng đá xanh.
V.4.3.3.11. Tường nhà
Nhiệm vụ chính là bao che cho nhà. Tường bao quanh có các loại:
Tường trình : Là loại tường có xuất sứ từ lâu đời. Tường trình là tường đắp hỗn hợp đất bùn, tro và rơm lên hệ xương đan bằng phên tre hoặc nứa, sau đó để khô. Sau này người ta có cải tiến tường trình bằng cách dùng hỗn hợp vữa xây và rơm trát lên phên nứa, tường có độ bền lâu hơn.
Tường xây bằng đá ong: Loại tường này rất phổ biến tại làng cổ ở Đường Lâm. Người ta dùng thuổng để đào đá ong, cắt thành từng khối có kích thước khoảng 40 x 24 x 18 cm. Đá ong ở trạng thái tự nhiên thường mềm, nhưng khi đã phơi nắng một thời gian thì trở thành cứng chắc, có độ bền rất cao. Người ta dùng vữa hoặc hỗn hợp bùn trộn trấu để kết dính những viên đá lại với nhau thành tường.
Tường xây gạch: Là loại tường rất phổ biến trong kiến trúc nhà ở dân gian Đường Lâm. Người ta sử dụng gạch đất nung xây bằng vữa hỗn hợp (vôi + cát + tro + mật) tạo thành hồ kết dính.
Tường xây hỗn hợp: Là tường xây kết hợp giữa tường xây gạch với tường trình hay với các loại tường đá ong.
V.4.3.3.12. Cửa
Cửa nhà ở Đường Lâm bao gồm các loại như cửa bức bàn, cửa phố.
Cửa bức bàn: Có cấu tạo dạng khuôn tranh gồm hệ khung, ván bưng và song gỗ. Cửa bức bàn không dùng bản lề thép mà dùng cấu trúc ngưỡng, cửa có then gỗ cài. Cửa Bức bàn có thể tháo lắp một cách dễ dàng.
Cửa phố: Có hai loại.
Cửa gỗ bưng có bản lề thép
Cửa gỗ bưng, cánh lùa.
V.4.3.4. Đặc điểm kiến trúc mặt đứng, sườn nhà, trang trí bên trong
V.4.3.4.1. Đặc điểm mái
Nhà ở truyền thống tại làng cổ ở Đường Lâm giống như một số tỉnh thành phía Bắc chủ yếu là nhà có dạng 2 mái, loại 4 mái rất hiếm do nhiều lý do
Nhà ở đồng bằng Bắc bộ rất ít làm hiên hai bên nhà cho nên việc làm nhà 4 mái là không cần thiết.
Nhà 2 mái thi công đơn giản hơn, với nhà có 2 dĩ thì không cần vì kèo ở sát tường hồi khi đó các thanh hoành gác trực tiếp lên tường hồi như thế tiết kiệm gỗ hơn.
Mái nhà ở truyền thống Đường Lâm có độ dốc khoảng(33-450) kiến trúc mái gồm các thành phần sau:
Bờ nóc: Xây bằng vữa, ngói vụn có chiều rộng khoảng 20cm, có chiều cao khoảng 25cm có chân đinh xoè ra để tăng diện tích tiếp xúc với ngói. Bồ nóc thường trang trí một số đường chỉ lõm hay chỉ lồi tạo cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại hơn.
Bờ chảy: Nằm ở trên đỉnh tường hồi bao che phần mái trên tường hồi. Bờ chảy xây bằng vật liệu gạch và vữa cũng giống như bờ nóc, bờ chảy trang trí bằng các gờ vữa chạy dọc toàn bộ bồ chảy. một số nhà phần dưới bờ chảy xây giật cấp trên đó có đắp vữa trang trí với chủ đề hoá là cách điệu.
Bít đốc: ( Đấu mái ) nằm ở giao giữa bờ nóc và bờ chảy. Xây dật thành nhiều cấp có dạng trên to dưới nhỏ nhiều gờ, chỉ tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát.
Mái ngói : Gồm các viên ngói lợp sole, chồng lên nhau phần lớn viên ngói bị che khuất bởi viên ngói trên chỉ lộ ra phân mũi cong của viên ngói tạo ra cảm giác nhẹ nhàng cho cả diện rộng của mái.
Diềm mái: Phần kết thúc mái là diềm mái làm bằng gỗ ngăn không cho nước giọt gianh hắt vào phía trong. Diềm mái thường trang trí dạng cánh sen, một số nhà có hình trạm gỗ hoa văn cách điệu.
V.4.3.4.2. Đặc điểm phần thân nhà
Nhà ở truyền thống phổ biến nhất là loại nhà 5 gian và 3 gian hai trái. Đặc điểm kiến trúc phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố:
Hệ thống cửa: Là phần quan trọng nhất của mặt đứng ngôi nhà thông thường hai gian chái không có cửa, chỉ có các cửa sổ nhỏ các ô thoáng để lấy ánh sáng và thông gió. Ba gian giữa đều có cửa mở ra hiên, thường là cửa gỗ 4 cánh panô gỗ đặc, các cửa không có bản lề mà quay xung quanh trụ, các cửa có kèm với nhau, then cửa xoay ở phía trên, phía trên cửa là con nằm, 2 bên là con đứng, phía dưới là con “ nghạch”. Cửa tạo nhiều gờ, chỉ trang trí trên các tấm bưng. Thường thì hệ thống cửa gắn liền với hệ thống cột quân tạo nên liên kết hết sức bền vững và có tính thống nhất cao trong trang trí.
Bậu cửa: Phía dưới cửa đỡ “ nghạch” là ngưỡng cửa một yếu tố khá quan trọng trong nhà ở truyền thống tại làng cổ ở Đường Lâm nó nhằm mục đích:
Buộc mọi người ra vào phải cúi xuống nhìn để bước qua, hành động đó như một cử chỉ tôn trọng chủ nhân ngôi nhà.
Ngăn không cho côn trùng, rắn ,rết vào nhà.
Đỡ cửa Bức bàn phía trên không để cửa tiếp xúc với đất dễ bị ẩm ướt hư hỏng.
Dại che nắng:
Nhà ở truyền thống thường sử dụng dại để che nắng, tránh nắng hắt vào nhà và hơi nóng bức xạ từ sân trước. Dại thường làm bằng tre tạo ra các tấm dại có thể tháo ra xếp lại cho gọn gàng hoặc dùng que chống chúng lên. Ngoài tác dụng nêu trên dại còn đóng góp không nhỏ vào việc tạo dáng mặt đứng bởi hình thức của chúng. Một số nhà dại còn có vai trò như một tấm bình phong che lối vào gian giữa.
Ngoài ra còn một số chi tiết trang trí khác: cửa sổ, cột lồng trụ, hoa văn trang trí đầu tường hồi
V.4.3.4.3. Sườn nhà
Sườn nhà là yếu tố quan trọng nhất trong ngôi nhà truyền thống Việt về chức năng kiến trúc cũng như trang trí thẩm mỹ. Sự vững chắc của ngôi nhà lệ thuộc hoàn toàn vào cơ cấu kiến trúc và kỹ thuật lắp ráp của những yếu tố cột, kèo, xà ngang... Khác với nhà thành thị và nông thôn hiện đại làm theo kiểu châu Âu, tường của ngôi nhà Việt cổ truyền không gĩư vai trò chống đỡ: Chính cột và kèo chịu tất cả sức nặng và sức ép của mái, tuy rằng chân cột không được chôn sâu vào đất, chỉ được đặt trên những tảng đá hình vuông hay hình tròn. Những nhà cổ tại làng cổ ở Đường Lâm, nhất là ở Mông Phụ, chứng minh sự vững chắc của những sườn nhà vì chúng đã trải qua nhiều thế hệ trong một xứ nhiệt đới lắm mưa gió bão lụt. Theo quan niệm cổ truyền, sườn nhà tượng trưng cho ngôi nhà. Vì thế, rời nhà hay mua nhà tức là rời bộ sườn hay mua bộ sườn.
Trong bộ sườn kèo cột là yếu tố cơ bản đúng như câu ca dao đã khẳng định " Có cây mới có dây leo, có cột có kèo mới có đòn tay".
V.4.3.4.4. Đặc điểm trang trí trong nhà
Việc trang trí trong ngôi nhà truyền thống ở rất được chú trọng. Điều đó được thể hiện ngay ở khâu lựa chọn vật liệu, chọn thợ, chọn kiểu nhà dù là nhà được làm bằng tre, nứa, thì cũng phải được lựa chọn cẩn then, mối lạt cũng phải được ưa nhìn. Với nhà giàu có người ta phát huy mọi khả năng để trang trí cho ngôi nhà của mình: Chạm khắc, sơn vẽ. ở tất cả những bộ phận nào có thể. Những hoạ tiết trang trí trên mọi bộ phận cấu kiện của ngôi nhà đều có mục đích của chủ nhân.
Hệ thống cửa vào vách tường bao che phía trước được chạm chiết bằng những đường nét, gờ chỉ, chia ô , chia hộc, sử dụng chắn song con tiện, vừa đáp ứng công năng sử dụng vừa tăng thêm tính thẩm mỹ cho ngôi nhà, ở vị trí thấp rất dễ bị bẩn, ẩm mốc, mà người ta soi các đường gờ chỉ. Vì thuận có rất nhiều hình thức trang trí, người ta thường tập chung trang trí vào khoảng giữa hai cột cái; khoảng giữa cột cái với cột quân phía trước – nơi có cửa vào gian chái. Hai bên cửa vào gian chái soi nhiều gờ chỉ, phía trên chạm khắc hình hoa lá, hình cánh sen, hình chữ triện.
Tại vị trí gian giữa, thẳng cửa chính là nơi đặt bàn thờ tổ tiên là phần nội thất được chú ý nhất, thông thường hai bên cột quân được treo hai câu đối, phía trên xà tử thượng treo cuốn thư hoặc mành che ban thờ, ban thờ, tủ thờ được trang trí rất cầu kỳ, màu sắc thường được sử dụng là màu đỏ, vàng, đen.
Mức độ chạm khắc hoa văn trang trí của nhà ở truyền thống tại làng cổ ở Đường Lâm phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kinh tế và địa vị xã hội của chủ nhân ngôi nhà. Tuy nhiên với mỗi nhà thì mức độ trang trí lại ưu tiên cho từng vị trí cụ thể, được chắt lọc cẩn thận từ kiểu dáng cho đến kích thước hoa văn, các vị trí đó là các vị trí quan trọng, dễ thấy và được đẩy lên theo mức độ cao dần đó là: Từ ngoài vào trong, từ nhỏ đến lớn, từ khái quát đến cụ thể. Kẻ hiên trang trí tập trung vào đầu kẻ; Trong nhà tập trung vào vì ở 3 gian giữa; Vì chính tập trung vào vì nóc và các điểm giao cắt giữa xà, dầm với các cột; Vì thuận tập trung vào cửa vào gian chái. Các vị trí bị che khuất, vị trí không quan trọng thì hầu như không được trang trí: Bảy hậu, vì kèo gian chái.
V.4.3.5. Đặc điểm sử dụng vật liệu
V.4.3.5.1. Vật liệu sử dụng cho bộ khung
Hầu hết vật liệu sử dụng làm bộ khung là gỗ, nhà có bộ khung bằng tre hầu như không còn.
Các loại gỗ thường dùng làm bộ khung gồm hai nhóm:
Nhóm thứ nhất: Là nhóm thiết mộc, nhóm này có tính chất cơ lý tốt, có độ bền cao, ít bị mối mọt hư hỏng: Lim, Đinh, Sến Táu.
Nhóm thứ hai: Là nhóm gỗ hồng sắc, các loại gỗ có màu nâu, hồng, đỏ, vàng, có tính chất cơ lý kém nhóm thiết mộc tuy nhiên cũng là những loại gỗ tốt: Giổi, Trò, Xoan, Muồng, Mít. Hầu hết nhóm gỗ này không chịu được mối, mọt. Dễ bị mục nát và có độ bền kém hơn nhóm thiết mộc.
Trong nhóm này, gỗ xoan là vật được sử dụng nhiều trong cấu trúc nhà ở truyền thống ( trên 60%) bởi gỗ xoan thường được trồng ngay trong vườn nhà, dễ trồng, phát triển nhanh đặc biệt là có khả năng chịu được mối mọt và nhất là khi ngâm xuống bùn ao khoảng 5 - 6 tháng thì chúng trở lên rất bền.
Việc sử dụng loại gỗ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kinh tế của chủ nhà. Nhà có điều kiện kinh tế giàu có thì sử dụng gỗ thuộc nhóm thiết mộc( nhiều nhất vẫn là gỗ lim), nhà có điều kiện kinh tế khá thì sử dụng kết hợp giữa loại gỗ nhóm I và gỗ nhóm II. Trong đó gỗ nhóm I dùng để làm các cấu kiện chính như cột, xà, kẻ, bảy. Gỗ nhóm II sử dụng làm các cấu kiện kém quan trộng hơn không trực tiếp chịu nắng mưa như: Hoành, rui, vì phụ.
Tuy nhiên vì chính và vì thuận thường làm từ 1 đến 2 loại gỗ cùng nhóm để đảm bảo tính thống nhất của vật liệu bởi gỗ nhà truyền thống không sử dụng sơn mà để màu tự nhiên qua năm tháng sử dụng màu của chúng sẫm hơn nhưng mỗi loại gỗ lại có những sắc độ khác nhau. Vì phụ thường làm bằng gỗ xoan, gỗ mít, gỗ thừa của vì chính và vì thuận.
V.4.3.5.2. Vật liệu mái, bao che, nền
Mái: Vật liệu chủ yếu là ngói ta( ngói vẩy cá) được làm bằng đất nung, phía dưới có lớp ngói lót ( ngói chiếu) liên kết với nhau bằng chính trọng lực bản thân viên ngói và lực ma sát giữa chúng. Bờ nóc, bờ chảy, bít đốc được xây bằng gạch, ngói có đắp vữa tạo gờ chỉ.
Vật liệu bao che:
Cửa đi, cửa sổ làm bằng gỗ ( loại gỗ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của chủ nhà)
Dại chắn nắng làm bằng tre, nứa, gỗ.
Tường chủ yếu là tường gạch trong đó có hai loại tường:
Tường xây có trát vữa
Tường xây để gạch trần không trát
Với những nhà có niên đại trên 100 năm thường xây bằng loại gạch có kích thước 5cm x 7cm x 27cm; Những nhà có niên đại dưới 100 năm thường xây bằng loại gạch có kích thước 6cm x 10,5cm x 22cm.
Tường xây bằng đá ong. Đường Lâm là vùng đất đồi có nhiều đá ong. Do vậy đá ong được khai thác để xây dựng. Đá ong có đặc điểm là mềm khi ở dưới nước dễ cắt gọt, để lâu đá ong rắn chắc. Đá ong được sử dụng để xây dựng nhà ở dân gian, xây dựng tường bao quanh, xây hàng rào, cổng, bậc thềm. Vì vậy làng cổ Đường Lâm nổi bật là làng cổ đá ong.
V.4.3.6. Kỹ thuật xây dựng nhà ở dân gian truyền thống
V.4.3.6.1. Tổ chức thi công
Việc xây dựng nhà ở truyền thống nói riêng và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung do các hiệp thợ đảm nhiệm. Kết cấu nhà chủ yếu sử dụng vẫn là thảo mộc, gạch đá chỉ là phụ do vậy công việc của người thợ mộc vẫn là quan trọng nhất. Những người thợ này được kết hợp với nhau thành “hiệp” không theo một nguyên tắc nào nhất định. Thường do một người có tay nghề vững, có uy tín đứng ra chiêu nạp các thành viên để thành lập một nhóm mà dân gian gọi là hiệp thợ. Số thành viên mỗi hiệp cũng không cố định, thường là 4, 5 người nhưng cũng có thể 7, 8 người. Họ thường là những người quen biết hoặc có quan hệ họ hàng. Sự kết hợp này rất co dãn và hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện. Mỗi hiệp thợ thường có bí quyết riêng. Người đứng đầu hiệp thợ là thợ cả ( phó cả) người này tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong xây dựng truyền thống vì vậy ông không những có tay nghề cao về chuyên môn mà còn phải có tài khéo léo tổ chức công việc của hiệp thợ. Các hiệp thợ với người thợ cả có tài thì có thể tồn tại từ đời này sang đời khác, truyền kinh nghiệm của mình từ thế hệ này qua thế hệ khác. Dưới ông thợ cả là những người thợ được gọi là phó mộc, còn những người đang học việc gọi là phó nhỏ.
Việc thi công ngôi nhà được người chủ nhà chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Chủ nhà chuẩn bị vật liệu xây dựng như gạch, gỗ, ngói, đầy đủ mới đi mời hiệp thợ. Người chủ nhà làm việc với người thợ cả về các yêu cầu chính như độ rộng lòng nhà, bộ vì mấy hàng cột, số lượng gian, cách sắp xếp gian, còn cách thức hình dáng của bộ vì do người thợ cả mặc sức sáng tạo. Chính vì vậy, tuy nhà có cùng loại, kiểu kết cấu nhưng hoàn toàn không phải giống nhau mà có những chi tiết nhỏ khác nhau co người thợ cả sáng tạo.
Việc thiết kế ngôi nhà truyền thống hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Từ xa xưa cho đến nay ta vẫn chưa tìm thấy một tư liệu cổ nào nói về quá trình sáng tạo xây dựng một công trình của người thợ cả lành nghề Việt Nam và cũng chưa tìm thấy một bản thiết kế công trình cổ nào được thực hiện trước khi thi công công trình được xây dựng. Việc thi công hòan toàn dựa theo kinh nghiệm và hiểu biết của người thợ cả. Mỗi phường thợ có cách xây dựng và cách tính khác nhau. Xong có chung một đặc điểm là các kích thước cấu kiện đều được vạch ra trên một cây thước tầm hay còn gọi là “ rui mực thần kỳ”. Chính vì vậy, thước tầm được xem như là “ Bản thiết kế” công trình.
V.4.3.6.2. Trình tự thi công lắp dựng
V.4.3.6.2.1. Bước 1
Sau khi chủ nhà lựa chọn nhóm thợ thi công xây dựng, phương án lắp dựng, lựa chọn nguyên, nhiên vật liệu đều được giao cho thợ cả đảm nhiệm. Mỗi nhóm thợ đều có từ 2 đến 3 tốp thợ đảm nhận các phần việc khác nhau trong công trình:
Tốp thợ nề
Tốp thợ mộc (Đóng vai trò chủ đạo)
Tốp thợ xếp ngói. (thường có từ 2 đến 4 thợ có nhiều kinh nghiệm mỗi người thợ sẽ đảm nhiệm xếp 1 mái)
Người thợ cả sử dụng các thông số mà chủ nhà giao cho, tự tính toán ra khung kết cấu và trên cơ sở đó họ lựa chọn gỗ sao cho phù hợp. Thông thường trong nhà ở truyền thống Hà Tây người ta dùng nguyên một loại gỗ, đôi khi họ sử dụng 2,3 loại gỗ kết hợp với nhau
V.4.3.6.2.2. Bước 2
Giai đoạn1: Thi công phần nền móng của đội thợ nề đồng thời với việc gia công các cấu kiện trong hệ khung kết cấu ngôi nhà của đội thợ mộc.(Trong giai đoạn này phần nền được chuẩn bị kỹ đảm bảo các yếu tố chống ẩm, mốc và sử lý côn trùng xâm nhập phá hoại công trình. Phần mộc sau khi gia công được lắp dựng thở ở bên dưới và được căn chỉnh chính xác, đồng thời các cấu kiện cũng đánh dấu vị trí với ký hiệu trùng với ký hiệu khắc trên sào mực.)
Giai đoạn 2: Thi công lắp dựng hệ thống khung kết cấu chính.
Lắp đặt các tảng chân cột đúng vị trí, vững chắc. Các tảng chân cột cùng hàng có cùng một cao độ.
Lắp dặt hệ khung cột, các ngưỡng, xà và kẻ theo nguyên tắc: Cột lắp từ giữa ra, ngưỡng xà theo vị trí lỗ mộng lắp từ dưới lên.
Căn chỉnh chân cột chính xác theo đúng vị trí lắp dựng.
Lắp dựng các cấu kiện còn lại của hệ thống vì chính, vì thuận và vì phụ như: Hệ thống thượng lương, con chồng, kẻ chuyền, đấu. Hệ thống ván dong ... Kết thúc lắp dựng các cấu kiện của hệ thống vì, khung kết cấu chính của ngôi nhà đã được lắp dựng hoàn chỉnh. Người thợ cả gác cây thước tầm lên thượng lương của ngôi nhà để lưu giữ.
Lắp dựng hệ thống kết cấu mái: bao gồm: Xà nóc, hoành, dạ tàu, chẹ tàu, lá mái, then co, dui, mè. ( Trong giai đoạn lắp dựng này công tác lắp dựng thanh xà nóc được đặc biệt coi trọng. Thông thường chủ nhà chọn ngày tốt để lắp dựng xà nóc).
Giai đoạn 3: thi công lắp dựng phần bao che công trình.
Xây phần tường che công trình, đặc biệt là tường hậu và tường đầu hồi có tác dụng che chắn và liên kết trực tiếp với mái.
Xếp ngói: Ngói được xếp cuốn chiếu từ đầu mái tới cuối mái và xếp từ dưới lên theo trình tự: Dưới cùng là lớp ngói chiếu, được xếp thẳng hàng và sát cạnh, phần hoa trang trí quay xuống dưới. Lớp ngói thứ 2 và lớp ngói lót được xếp so le, ken dày từ 2 đến 3 lớp sao cho ngói không bị xô lệch và mặt trên phẳng tương đối theo cấu trúc mái. Lớp ngói thứ 3 là lớp ngói mũi hài được lợp so le, đều theo các phương.
Xây phần bờ chảy giật cấp, hồi, bờ mái và nóc.
Gia đoạn 4: Giai đoạn hoàn thiện công trình.
Lắp dựng các chi tiết trang trí, bạo đứng, bạo ngang, cửa bức bàn, vách búp măng của vì thuận, dại che nắng, chuyến song tiền; hậu...
Lát nền, sân công trình.
VI. CÁC DI VẬT CÓ TRONG DI TÍCH
Di vật có trong di tích là toàn bộ hệ thống di vật có niên đại trải dài từ thời Trần, thời Lê đến thời Nguyễn, bao gồm hệ thống bia đá, minh văn, tượng thờ, sắc phong và các đồ tự khí ... rất phong phú, đa dạng về chủng loại, hình thức cũng như kiểu dáng. Có thể điểm kê một số chủng loại sau:
Tượng thờ:
Nét đặc sắc của tượng thờ ở Đường Lâm hội tụ đủ các yếu tố lịch sử, văn hoá, nghệ thuật tại chùa Mía. Đây là ngôi chùa nổi tiếng bởi hệ thống tượng phật đặc sắc về hình dáng, thể loại và số lượng. Trong chùa hiện tồn 287 pho tượng đất. Tiêu biểu như các pho có giá trị nghệ thuật cao, độc nhất vô nhị như tượng Tuyết Sơn, Di Lặc, Bồ Tát, Nam Hải Quan Thế Âm, Bát Bộ Kim Cương và tượng bà chúa Mía ...
Bia đá:
Tại làng cổ ở Đường Lâm hiện có 21 bia đá đã được Bộ Văn hoá thông tin kiểm kê, trong đó có 09 bia đã được đưa vào thư mục. Nhờ những tấm bia còn lại mà chúng ta lượm được một số thông tin về lịch sử địa phương, về văn hoá làng xã mà biên niên sử chính thống thường không đề cập đến.
Phụng tự bi, dựng ở đình Cam Lâm, khổ 54 x 35cm, khắc vào năm Quang Thái 3 (1390), ghi sự tích Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Phụng tự bi ký, trước ở đình giáp Đoài Thượng, nay ở phòng triển lãm Ngô Quyền (Cam Lâm), khổ 65 x 38cm, khắc năm Hồng Đức thứ 4 (1473), ghi việc thờ cúng Phùng Hưng.
Tín thí, đặt ở Tam quan chùa Mía, khổ 78 x 53cm, khắc hai mặt vào năm Vĩnh Tộ 3 (1621), ghi tên, hiệu, chức vụ của những đóng góp vào việc xây dựng chùa, chợ và việc thu thuế chợ cho chùa.
Sùng Nghiêm Tự bi ký, đặt ở chùa Mía, khổ 180 x 140cm, khắc hai mặt vào năm Đức Long 6 (16340), ghi việc trìng tu chùa vào năm 1632 và công đức của những người đóng góp.
Phụng tự bi ký, ở đền Phủ, khắc vào năm Khánh Đức 3 (1651), khổ 87 x 49 cm, ghi tiền cúng, ruộng thờ, ngày lễ của cụ ông, cụ bà, ông nội, cha mẹ và của bà Liệu.
Bia cột đá, khổ 90 x20cm, lập vào năm Chính Hoà 25 (1470), khắc bốn mặt tượng Giác Môn, Địa Tạng, Mục Liên và Bảo Vương, bài minh ,lời cầu chúc, công đức của những người đóng góp.
Hưng công bi ký, khổ 58 x 43cm, khắc hai mặt vào năm Chính Hoà 26 (1705), ghi tên những người đóng công đức.
Tu lý bi ký, ở ranh giới ba làng Cam Thịnh, Mông Phụ, Đông Sàng, dựng năm Chính Hoà 26 (1705), khổ 81 x 55cm, khắc hai mặt ghi việc tu sửa giếng do Lê Anh Tuấn đỗ Tiến sỹ năm 1694 viết.
Hậu thần bi ký, ở đình Cam Thịnh, khổ 81 x55cm, khắc hai mặt vào năm Vĩnh Thịnh 8 (1712), ghi việc Giang Thị Thắng và Cao Phúc Diễn cúng 400 quan và 2 mẫu ruộng, được dân làng tôn làm hậu thần, tiền cúng hàng năm, ngày giờ kị, danh sách con cháu hậu thần được phối hưởng.
Tiên hiền từ tự bi ký, trước ở Văn chỉ Mông phụ, nay ở nhà Truyền thống, khổ 115 x60cm, khắc hai mặt vào năm Đức Long 2 (1733), ghi tên 48 tư văn của làng.
Tu tạo Sùng Nghiêm tự tiền đường bi ký, ở Tam quan chùa Mía, khổ 90 x65cm, khắc hai mặt vào năm Cảnh Hưng 11 (1750), ghi năm làm Thượng điện, thiêu hương, Tiền đường, Hậu đường, hành lang (Đức Long 4 - 1632) và năm tu bổ lại (1750), danh sách những người có công tu bổ.
Phụng tự bi ký, ở đền Phủ Đông Sàng, khổ 91 x 49cm, khắc hai mặt vào năm Cảnh Thịnh 4 (1795), ghi năm tu bổ đền Phủ của Nguyễn Thị Chiêu Dung (Cảnh Hưng 3, 1776).
Soạn tu bi ký, ở đền Phủ, khổ 92 x 47cm, khắc hai mặt vào năm Cảnh Thịnh 4 (1795), mặt sau khắc lại bia năm Khánh Đức (1651), ghi lại ruộng cúng ở hai xã Nam Nguyễn, Đông Sàng (5 mẫu, 7 sào, 3 thước, 3 tấc) và ruộng cúng ở làng Mông Phụ ( 6 sào, 3 thước, 3 tấc ).
Đại Nam nhân sinh từ bi, trước ở Văn chỉ Mông Phụ, nay ở nhà Truyền thống, khổ 90 x 58cm, khắc một mặt vào năm Minh Mệnh 16 (1835), ghi việc Đỗ Hy Tống, hiệu Định Hiên, người Nam Định, đã có công với làng Mông Phụ, được thờ lúc còn sống.
Bản xã tiên hiền bi ký, ở từ đường Giang Văn Minh, ở thôn Mông Phụ, khổ 66 x 41cm, khắc một mặt vào năm Tự Đức1 (1847), ghi tên họ và quan tước những người khoa bảng: 5 người họ Giang, một người họ Hoàng và một người họ Phan.
Giang thị từ đường bi ký, ở nhà thờ Giang Văn Minh, thôn Mông Phụ, khổ 19 x11 cm, khắc một mạt vào năm Tự Đức 2 (1848), ghi năm lập từ đường (1845), do Giang Văn Hiến đời thứ 10 ghi.
Thám Hoa công truy trạng bi, ở từ đường Giang Văn Minh, khổ 48 x 40cm, khắc một mặt vào năm Tự Đức 2 (1848), ghi lại công trạng của Giang Văn Minh, giỗ ngày 2.6 âm lịch do Nguyễn Hữu Tạo dựa trên gia phả, Lê sử tục biên, Nam triều khai quốc công nghiệp viết lại.
Bia không đề, ở từ đường Giang Văn Minh, thôn Mông Phụ, khổ 15 x11cm, khắc một mặt vào năm Tự đức 6 (1852), ghi tên Đỗ Thị Mỹ Hạnh, vợ cả của Giang Văn Minh.
Bia không đề, ở đền Phủ, Đông Sàng, khổ 20 x46cm, khắc năm Khải Định1 (1916), ghi tên những người tô lại câu đối hoành phi.
Bản xã tiên hiền liệt vị, trước ở Văn chỉ Mông Phụ, nay ở nhà Truyền thống, khổ 60 x 40cm, khắc một mặt vào năm Khải Định 2(1917), ghi tên 11 vị trong xã đỗ đạt làm quan từ năm 1828.
Giáp Đoài đình bi, ở đình Đoài Giáp, khổ 71 x32cm, khắc 4 mặt vào năm Khải Định 6( 1921), ghi ruộng công và khoán ước, ghi tên 14 vị tân cựu chức sắc.
Minh văn:
Minh văn là chữ khắc trên đồ đồng thau. Tại làng cổ ở Đường Lâm, chỉ có Minh văn khắc trên chuông chùa. Một chuông lớn ở chùa Mía có niên đại Cảnh Thịnh 6 (1797). Bản văn do Kiều Đức Nhuận và Kiều Đức Huy, người Đông Sàng biên soạn, ghi lại những nơi đã đóng góp cho chùa như xã, phường, thôn, xóm, trấn, phố, giáp, đặc biệt còn ghi phường An Tuyết, huyện Bồng Sơn, phủ Qui Nhơn đã đóng góp than đốt... Một chuông khác treo ở chùa Mía đúc năm 1872. Chuông chùa ón ở Mông Phụ có tên là Ôn Hoà hồng chung đúc năm 1838. Chuông treo ở đình Đoài Giáp đúc năm 1859, do người trong làng cúng tiến, tên chữ là Đoài Giáp từ chung. Chuông được đúc vào thế kỷ 20 thì nhiều nhưng ít giá trị lịch sử.
Ngoài ra còn có Văn khắc trên khánh đá. Ở Đường Lâm hiện còn 2 chiếc khánh, một treo ở đình Mông Phụ, xưa ở Văn miếu, được tạo tác năm 1844 và một treo ở Tam quan chùa Mía được tạo tác năm 1846.
Gia phả:
Tại làng cổ ở Đường Lâm tuy có nhiều dòng họ nhưng rất ít nhà thờ họ, trái lại gia phả thì nhiều hơn. Đa số gia phả viết bằng chữ Hán, một số ít viết bằng Quốc ngữ. Những gia phả viết bằng chữ Hán cổ hơn, chứa đựng nhiều thông tin về dòng họ. Những gia phả bằng chữ Quốc ngữ mới xuất hiện sau này, thường đơn giản, thiếu sót. Một điều đặc biệt là gia phả đôi khi ghi cả nhánh họ mẹ. Hiện giờ, còn 11 gia phả tồn tại. Gia phả dài nhất ghi lại nhiều thế hệ trải qua khoảng 400 năm, như gia phả họ Hà, Giang, Nguyễn, Đỗ, Phan...
Sắc phong:
Sắc phong là một loại hình văn bản Hán tự cổ, do các triều đại phong kiến phong cho các vị Thành hoàng và những đối tượng là người có công. Sắc được chia làm các loại: Sắc phong thần, sắc phong lên chức, sắc phong cho làng... Sắc hiện đang lưu quản tại làng cổ ở Đường Lâm rất đa dạng và phong phú. Có thể thống kê một số đạo sắc tiêu biểu ở đình Đoài Giáp như sau:
1. Dương Hoà tam niên (1637)
2. Minh Mệnh nhị niên (1821)
3. Tự Đức nhị niên (1849)
4. Tự Đức tam thập tam niên (1880)
5. Đồng Khánh nhị niên (1887)
6. Duy Tân tam niên (1909)
7. Khải Định cửu niên (1924)
VII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HOÁ - KHOA HỌC - NGHỆ THUẬT
VII.1. Giá trị lịch sử
Làng cổ ở Đường Lâm hiện tồn, có niên đại khoảng trên dưới 500 năm. Các ngôi làng cổ được hình thành cùng với quá trình dựng nước và giữ nước. Đặc điểm của các ngôi làng cổ này cùng với các thiết chế xã hội, tín ngưỡng và không gian văn hoá đã phản ánh khá đầy đủ về quá trình hình thành, lối sống, ăn ở và sinh hoạt của người dân trong xã hội phong kiến nơi đây. Những luật lệ và quan niệm dân gian để lại dấu ấn đậm nét trong sinh hoạt và xây dựng nhà ở. Đó là hình ảnh rõ nét nhất về cách tổ chức xa xưa của người dân trong xã hội cũ:
Nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một gia đình (3 đến 4 thế hệ)
Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kinh tế gia đình kiểu tự cung tự cấp: đường xá, vườn cây, chuồng trại, chăn nuôi, nghề thủ công... Chỉ có các gia đình quan lại, địa chủ, buôn bán, nhà nhiều ruộng mới có điều kiện xây dựng các căn nhà có chất lượng tốt còn tồn tại đến ngày nay.
Vật liệu làm nhà chủ yếu là vật liệu địa phương: đất, đá, gỗ, gạch ngói, rơm rạ, tre, nứa.
ơVII.2. Giá trị văn hoá
Làng cổ ở Đường Lâm có giá trị văn hoá mang đặc trưng của nền văn hoá phương Đông với cội nguồn là văn hoá nông nghiệp. Tổ chức không gian tổng thể cho thấy phương thức sống tự cung, tự cấp kết hợp với sản xuất nhỏ của người dân Việt từ ngàn đời xưa và không mấy thay đổi qua thời gian. Cách tổ chức không gian văn hoá, bài trí nội thất đã thể hiện văn hoá tổ chức cuộc sống, phong tục, tập quán và nhất là thể hiện nét đẹp văn hoá trong việc thờ cúng tổ tiên của người dân Việt Nam. Cùng với nét đẹp của văn hoá gia đình nhiều thế hệ mang tính giáo dục cao cho các thành viên trong gia đình nhờ sự ràng buộc gắn bó tình cảm ruột thịt đã giáo dục tư cách đạo đức cho thế hệ trẻ chủ nhân tương lai của gia đình, của đất nước.
VII.3. Giá trị nghệ thuật
Giá trị nghệ thuật của làng cổ ở Đường Lâm được thể hiện rõ nét nhất ở hệ thống kiến trúc tôn giáo và nhà ở dân dụng, trong đó đáng lưu ý ý là bố cục tổ chức không gian khuôn viên:
Khuôn viên được bố cục một cách chặt chẽ, hài hoà, các thành phần trong khuôn viên đều có vai trò và tư cách riêng được liên kết, ràng buộc lẫn nhau, không chèn lấn, không ôm chồng nhưng ngôi thứ rất rõ ràng, tất cả đều lấy nhà chính làm điểm qui tụ, hướng tới và đẩy cao vai trò chính của nó. Kiến trúc nhà ở truyền thống cũng giống như kiến trúc truyền thống Việt Nam nói chung không phát triển theo chiều cao mà phát triển theo bề rộng, kiến trúc dàn trải theo mặt bằng với nhiều đơn nguyên riêng rẽ nhưng được liên kết hết sức hợp lý bằng hệ thống sân, vườn, ao, cây xanh, lối đi...Mặt khác kiểu dáng, vật liệu của từng gian kèo đều mang tính thống nhất cao và có một tiếng nói chung với nhau điều đó vừa đảm bảo yêu cầu công năng của từng gian kèo vừa cải tạo vi khí hậu, cảnh quan môi trường trong khuôn viên.
Mặt bằng tổ chức không gian: Mặt bằng tổ chức không gian nhà ở truyền thống được bố trí hết sức hợp lý trong một không gian có diện tích hẹp và chịu sự gò bó của kiến trúc gỗ (với bước cột, bước gian nhỏ) đó là:
Tính độc lập, khép kín của những không gian cần thiết.
Trong xã hội phong kiến không coi trọng phụ nữ bằng nam giới thì việc tổ chức không gian buồng ( ở hai gian trái ) làm nơi ngủ, sinh hoạt cho phụ nữ là hết sức hợp lý. Chúng được ngăn chia với ba gian chính bằng vách thuận có cửa nhỏ ngay sát cửa ra vào gian bên vừa kín đáo vừa ra vào thuận tiện mà không ảnh hưởng tới xung quanh, mặt khác gian buồng cũng là nơi ở, sinh hoạt của vợ chồng người con trai, cất giữ lương thực, vật dụng gia đình một cách an toàn tránh được sự chú ý của người lạ.
Tổ chức không gian mở có tính chất đa năng.
Việc tổ chức ba gian giữa thông nhau có vai trò như một không gian đa năng, không gian động đáp ứng khá tốt các hoạt động sống trong gia đình: thờ cúng tổ tiên ông bà, tiếp khách, sinh hoạt chung, ngủ của đàn ông và trẻ nhỏ, sản xuất thủ công (đan nát, may vá, thêu thùa). Khi cần thiết không gian này có thể mở rộng ra phía trước cùng với hiên và sân tạo ra không gian đủ rộng cho các việc lớn của gia đình: giỗ chạp, ma tray, hiếu hỉ, sản xuất có quy mô lớn, bằng việc tháo lắp hệ thống giại chắn nắng, mở rộng hoặc tháo nắp hệ thống cửa bức bàn.
Trang trí bên ngoài và bên trong nhà.
Trang trí bên ngoài và nội thất trong nhà hết sức giản đơn và tinh tế. Ngoài nhà lấy sự gắn kết với thiên nhiên cảnh vật xung quang làm tư tưởng chủ đạo, vật liệu sử dụng ở dạng thô mộc dễ gần gũi với tự nhiên. Tỷ lệ mái nhà - thân nhà - nền nhà rất hài hoà với tỷ lệ con người, mặt đứng nhà đối xứng qua gian giữa nhưng bằng sự tinh tế trong trang trí tuân theo các qui luật nhất định đã mang lại cảm giác đăng đối nhẹ nhàng và gần gũi cho con người khi đứng trước ngôi nhà. Cảm giác đó đem đến nhờ sự kết hợp hài hoà, tương phản giữa hệ thống mái với những đường nét trang trí của bờ nóc, bờ giải, đấu mái, diềm mái và sự nhẹ nhàng của hệ thống cửa bức bàn, của các tấm giại, tất cả đặt trên sự ổn định của phần đế làm bằng các vật liệu thô mộc: gạch, đá tảng.
Giá trị nghệ thuật kiến trúc còn được thể hiện rõ nét qua nội thất công trình. Trước hết, ta phải nói đến vẻ đẹp tự thân của hệ kết cấu bộ khung ngôi nhà. Kết cấu gỗ được bộc lộ một cách chân thật không hề bị che dấu, không trang trí giả tạo. Không gian bên trong nhà do hệ kết cấu tạo ra rất cân xứng, đơn giản mà không hề lộ vẻ khô khan. Những đường cong tạo dáng của kẻ, đường cong phình ra của cột, của câu đầu, các đường gờ chỉ của các thanh xà, kẻ tạo cảm giác mềm mại, vững chắc cho kết cấu. Thêm vào đó, trang trí điêu khắc gỗ vỡi những đường chỉ soi liên tục, hoa văn chuyển tiếp từ cấu kiện này đến cấu kiện khác đã tránh được cái thô mộc, nặng nề của vật liệu gỗ. Tỷ lệ công trình hài hoà, gần gũi với đời sống con người. Nội thất trong nhà lấy sự gắn kết giữa các vật dụng: bàn, ghế, giường, tủ, phản gỗ, tràng kỷ, với trang trí điêu khắc gỗ làm chủ đạo. Kiểu dáng kết cấu, hoa văn trang trí trên bộ vì và vách ngăn cùng với chi tiết hoa văn trạm khắc trên cửa võng ban thờ, hoa văn trên tủ thờ, trên sập gỗ, trên trường kỷ, hoà quyện vào nhau trong một không gian mang tính thống nhất cao phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của con người.
Giá trị kiến trúc còn thể hiện ở tính thống nhất. Chúng liên hệ chặt chẽ với nhau qua từng chi tiết, kiến trúc có không gian tổng thể phong phú, kết hợp trong và ngoài nhà một cách khéo léo. Không gian chuyển tiếp từ trong ra ngoài theo kiểu “ kín” của buồng, “ nửa kín, nửa mở” của hiên và “ mở” của sân, vườn, ao, đã kéo thiên nhiên vào sát công trình để làm tăng vẻ duyên dáng và gần gũi hơn. Cảnh quan ngoài nhà hoà quyện với không gian nội thất trong nhà thông qua sự chuyển tiếp từ ngoaì vườn, đến sân, đến hiên, vào trong nhà qua hệ thống cửa mở rộng ở các gian, hoa lá của cây cối ngoài vườn hoà cùng hoa văn trên các vật dụng, hoa văn trên bộ vì, trên vách mang lại sức sống mãnh liệt cho ngôi nhà truyền thống. Với kiểu dáng kiến trúc mộc mạc gần gũi với thiên nhiên, phong cảnh, kiến trúc nhà ở truyền thống vẫn giữ được những nét riêng độc đáo và bản địa, do đó đã không bị đồng hoá trong nền kiến trúc phương Đông nói chung.
VII.4. Giá trị khoa học
Làng cổ ở Đường Lâm có nhiều giá trị khoa học trong việc sử dụng vật liệu phù hợp với kết cấu truyền thống và điều kiện tự nhiên, môi trường, hạn chế được những bất lợi của khí hậu thông qua việc:
Khi xây dựng các công trình kiến trúc phải lựa chọn vị trí và hướng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu đất, thường là khu đất cao, quay về hướng Nam hoặc Đông Nam mà không phạm vào các điều cấm kị.
Lựa chọn vật liệu sẵn có tại địa phương: gỗ xoan trồng trong vườn nhà, tre, nứa, gạch, ngói ở trong làng và vùng lân cận. Kiến trúc sử dụng từng loại vật liệu tuỳ theo điều kiện khai thác của mỗi vùng.
Để chống dột và nhất là để chống nóng, người ta sử dụng hệ mái dày với nhiều lớp xếp chồng lên nhau đã hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của vùng khí hậu nóng ẩm mưa nhiều.
Sử dụng các tấm dại đan bằng tre và hệ thống cửa bức bàn gỗ ngăn không cho bức xạ mặt trời và không khí nóng từ ngoài sân vào trong nhà.
Nền nhà lát gạch hoặc bằng đất nện vừa mát về mùa hè vừa hút ẩm vào những ngày có độ ẩm cao.
Sử dụng các loại vật liệu tốt, bền cho các thành phần, cấu kiện quan trọng: gỗ lim, gỗ đinh cho bộ vì, vách thuận. Các thành phần kém quan trọng hơn hoặc dễ thay thế người ta sử dụng các vật liệu có độ bền kém hơn với kinh phí rẻ hơn: dại chắn nắng làm bằng tre, hệ thống cửa, rui, hoành.
Để tránh ẩm, mốc, mối mọt sâm thực nhà ở truyền thống Đường Lâm thường làm các chân tảng đá để đỡ các cột, các cửa có ngưỡng ngăn không cho côn trùng vào nhà và tránh hiện tượng sâm thực lên hệ thống cửa.
Các hình thức liên kết của bộ khung mang tính ổn định và bền vững, chúng không sử dụng đinh trong liên kết mà chủ yếu dựa vào hình thức liên kết: mộng sập, mộng xiên, mộng ngàm, mộng luồn, mộng đầu tua, mộng đuôi cá, ngoãm, con sỏ.
Nhà ở truyền thống có tường bao che cũng tham gia chịu lực, các thanh hoành gian dĩ gác trực tiếp lên tường thu hồi, kẻ hậu gác lên tường hậu điều đó làm hạ giá thành công trình và tăng cường sự ổn định cho ngôi nhà.
Kỹ thuật xây dựng nhà mang tính chất kế thừa và sáng tạo đòi hỏi người thiết kế phải am hiểu kỹ về kiến trúc truyền thống để áp dụng một cách có sáng tạo.
VIII. TRẠNG THÁI BẢO QUẢN
Trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay, vấn đề bảo tồn di sản văn hoá, di sản kiến trúc làng cổ ở Đường Lâm đang được khẩn thiết đề ra. Các vấn đề như không gian làng cổ và các công trình văn hoá... Đặc biệt là số lượng nhà truyền thống đã bắt đầu có dấu hiệu biến đổi về kiến trúc và cảnh quan môi trường. Qua khảo sát thực tế cho thấy:
Mộng Phụ có khoảng 100/350 nhà cổ; Cam Thịnh 17/182 nhà cổ; Đoài Giáp có 8/214 nhà cổ.
Nhà có niên đại lâu năm (trên 200 năm) có số lượng rất ít (khoảng 5%) chủ yếu là nhà có niên đại khoảng gần 100 năm.
Nhà có giá trị nghệ thuật kiến trúc được coi là đặc sắc chiếm số lượng nhỏ ( khoảng 10 %).
Nhà lâu năm giữ được nguyên vẹn tổng thể và các thành phần chức năng rất hiếm, đa số chỉ giữ lại được nhà chính.
Nhà xuống cấp và bị chắp vá chiếm số lượng lớn.
Mỗi ngôi nhà truyền thống riêng rẽ còn tồn tại đều có một giá trị nhất định ở: bộ khung, hình thức kết cấu, bộ cửa, vật liệu xây dựng hay một chi tiết trạm khắc hoa văn, nếu đem gom lại thì chúng ta có một giá trị to lớn hơn nhiều đó là: sự đa dạng và phong phú về hình thức trang trí và tổ chức không gian của nhà ở truyền thống, các thành phần còn tồn tại của mỗi ngôi nhà bổ xung lẫn nhau cho chúng ta một cái nhìn khá toàn diện về loại hình nhà ở truyền thống đã và đang tồn tại trên vùng đất giàu truyền thống thuộc đồng bằng bắc bộ. Với tình hình hiện trạng hiện nay của nhà ở truyền thống, công tác bảo tồn là cấp thiết và cần có kế hoạch triển khai cụ thể. Việc cấp đất giãn dân, qui hoạch các công trình công cộng...
Do vậy, nét nổi bật trong thập kỷ gần đây đối với cuộc sống ở khu làng cổ là vấn đề bảo tồn di sản văn hoá, cả văn hoá vật thể và phi vật thể ở khu vực này.
Về di sản văn hoá vật thể, tại làng cổ ở Đường Lâm có 16 di tích, bao gồm đình, đền, chùa, nhà thờ họ, lăng mộ... Trong đó có 07 di tích đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng, 01 di tích được Uỷ ban nhân dân Tỉnh xếp hạng (xem phụ lục 01) và 08 di tích chưa được xếp hạng (xem phụ lục 02). Đặc biệt có chùa Mía là di tích được Bộ Văn hoá thông tin xếp loại đặc biệt quan trọng. Ngoài ra còn có trên dưới 1000 ngôi nhà được xây cất bằng các chất liệu truyền thống đã được thống kê thường tập trung ở các làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng và Cam Lâm.
Về di sản văn hoá phi vật thể, còn bảo lưu được các lễ hội, phong tục tôn vinh các anh hùng dân tộc, lưu giữ hơn 2000 trang văn bản Hán nôm ghi chép ngọc phả của làng, gia phả các dòng họ cùng với các tấm bi kýý, hoành phi... ca ngợi quê hương Đường Lâm qua các thời kỳ lịch sử.
Về môi trường sinh thái, nghề truyền thống, Đường Lâm cũng đóng góp những sản vật độc đáo như cơm phố Mía, giống gà Mía nổi tiếng; rặng ruối cổ, Đồi Gươm, Đồi Hổ Gầm... gắn với Phùng Hưng, Ngô Quyền và nhiều địa danh khác, minh chứng cho vùng đất địa linh nhân kiệt.
Do vậy việc bảo quản và xây dựng các công trình văn hoá tại làng cổ ở Đường Lâm hiện nay cho xứng với vị thế của làng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế của địa phương và của tỉnh là một yêu cầu cấp thiết.
Năm 2003, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Văn hoá thông tin, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, Cục Tài sản Văn hoá Nhật Bản và Cục Di sản Văn hoá (Trước đây là Cục Bảo tồn Bảo tàng) đã kýý kết Bản thảo luận về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ và quản lý các công trình xây dựng và làng cổ truyền trong thời gian 06 năm vào ngày 11 tháng 03 năm 2003. Căn cứ nội dung văn bản đã ký kết đó các chuyên gia Cục Tài sản Văn hoá Nhật Bản, Đại học Nữ Chiêu Hoà, Jica Nhật Bản phối hợp với chuyên gia Việt Nam ở Cục Di sản Văn hoá đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát điều tra lấy tư liệu cơ bản. Từ năm 2003 đến tháng 12 năm 2004, phía Nhật Bản đã tổ chức một số cuộc khảo sát lấy tư liệu về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tại Đường Lâm, trước tiên tập trung ở bốn làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng và Đoài Giáp. Phía Việt tham gia nghiên cứu về các vấn đề cụ thể về văn hoá vật thể và phi vật thể tại hiện trường. Cụ thể là Viện Nghiên cứu kiến trúc đã và đang tổ chức vẽ ghi hiện trạng kiến trúc các ngôi nhà cổ tại các làng trên. Khoa Địa chất Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia vẽ bản đồ. Những bản vễ kiến trúc từng ngôi nhà đã được điền vào tấm bản đồ trên bằng công nghệ kỹ thuật số để phục vụ cho việc tra cứu thuận tiện, nhanh chóng chính xác. Những kết quả khảo sát đo vẽ đã cho nhiều kết quả về sự phân bố, phong cách kiến trúc, mật độ tập trung các ngôi nhà cổ tại Đường Lâm.
Tuy vậy trong quá trình lập qui hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cần tập trung vào các vấn đề sau:
Việc lập kế hoạch, khảo sát điều tra cả về vật thể và phi vật thể, phải tiến hành song song với quá trình vận động cộng đồng nhân dân địa phương tham gia vào công tác bảo tồn tại địa phương.
Cần có sự phối hợp liên ngành không chỉ các nhà khoa học tham gia xây dựng qui hoạch mà cả các ngành liên quan đang có những hoạt động xung quanh khu vực di sản.
Xác định thứ tự ưu tiên trong qui hoạch, xây dựng lộ trình thực hiện qui hoạch.
IX. CÁC PHƯƠNG ÁN VÀ BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH
Để bảo vệ và sử dụng tốt di tích làng cổ ở Đường Lâm, các cấp ban ngành cần triển khai các hoạt động nghiệp vụ để có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích, các ngôi nhà truyền thống trong khu vực. Về vấn đề này đã có nhiều cuộc hội thảo trong và ngoài nước nhằm bảo tồn và tôn tạo làng cổ Đường Lâm; đồng thời tiến hành lập Hồ sơ khoa học trình các cấp có thẩm quyền công nhận làng cổ Đường Lâm là di tích Lịch sử - văn hoá. Sau khi được công nhận là di sản cấp Quốc gia, các hoạt động tiếp theo là:
- Xây dựng kế hoạch lập Hồ sơ công nhận các di tích thành phần trong khu vực, đặc biệt là đối với kiến trúc dân dụng;
- Xây dựng kế hoạch bảo tồn những giá trị văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể;
- Lập kế hoạch từng bước khôi phục những điểm di tích có giá trị như nhà, di tích diển hình để xây dựng tuyến tham quan;
- Xây dựng đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn về di sản kiến trúc;
- Có hình thức tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản đối với người dân sống trong khu vực, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của họ đối với làng cổ và những di sản mà họ đang sở hữu;
- Lập trang Web trên hệ thống Internet. Đây là hình thức tuyên truyền và phổ bác những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Những chính sách này rất phù hợp với chủ trương của UNESCO mà Việt là một thành viên về việc"Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc", "Bảo tồn và phát triển văn hoá hữu thể và vô thể ". Song để bảo tồn và phát huy tác dụng của loại hình văn hoá vật thể và phi vật thể tại làng cổ Đường Lâm, Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Lãnh đạo tỉnh cần đưa ra những chủ trương và chính sách cụ thể, hữu hiệu về những vấn đề sau:
+ Có kế hoạch giữ gìn những ngôi nhà truyền thống từ xưa còn lại, tu tạo nâng cấp để trở thành điển mô...
+ Đối với những ngôi đình, đền thờ, lăng mộ...cần có hình thức phát huy tác dụng cụ thể để có thể trở thành những "Bảo tàng sống".
+ Phối hợp xây dựng mô hình làng cổ ở Đường Lâm với các cấp ban ngành có liên quan.
+ Phục hồi các lễ hội dân gian cổ truyền trong làng cổ. Trên cơ sở đó xây dựng mô hình và hình thành lễ hội dân gian trong thời hiện đại.
+ Chú ý bảo vệ môi trường cảnh quan, không xây dựng các ngôi nhà ở hiện đại và công trình mới ở làng cổ trọng điểm Mông Phụ.
+ Các nhà ở cổ bị xuống cấp cần sửa chữa, nhất thiết phải bảo tồn được các yếu tố gốc.
+ Các làng Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm chọn các nhà cổ tiêu biểu cùng các di tích, cảnh quan có giá trị Lịch sử - văn hoá của làng đã và chưa xếp hạng để khoanh vùng bảo vệ nhằm tạo ra không gian làng cổ ở Đường Lâm trên cơ sở lấy làng Mông Phụ làm trọng điểm.
Khu vực bảo vệ I của di tích là toàn bộ làng Mông Phụ bao gồm các nhà cổ có giá trị (Xem phụ lục 03, 05) và 08 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh (Xem phụ lục 01). Ở Mông Phụ cần bảo tồn cổng làng Mông Phụ và tất cả các điếm của làng Mông Phụ, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Đông Sàng. Phạm vi bảo tồn của khu vực I còn gồm cả các ngôi miếu và các giếng nước của các làng nói trên. Đối với các làng Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm một số ngôi nhà ở truyền thống có giá trị kiến trúc nghệ thuật lâu đời (Xem phụ lục 06, 07, 08) và các di tích như Đền, lăng Ngô Quyền, đền thờ Phùng Hưng, rặng ruối nghìn năm tuổi ... cũng thuộc khu vực bảo vệ I của di tích.
Khu vực bảo vệ II:
Là toàn bộ các làng Cam Thịnh, Cam Lâm, Đông Sàng, Đoài Giáp và khu vực ruộng đồng ao hồ... của làng Mông Phụ.
Để bảo tồn được khu vực I cần thực hiện theo điều 32 Luật Di sản văn hoá là bảo vệ nguyên trạng. Chính quyền các cấp cần có biện pháp tạo quĩ đất giãn dân.
Phương châm bảo tồn là: Giữ nguyên hiện trạng diện tích đất ở và đường đi hiện có trong làng. Các ngôi nhà cổ ở làng Mông Phụ sẽ được phân thành 03 loại:
Nhà loại I: Là ngôi nhà truyền thống có niên đại xây dựng lâu đời, kiến trúc mái ngói ri, vì kèo gỗ truyền thống. Những ngôi nhà này được bảo tồn toàn bộ kiến trúc và nội thất ngôi nhà chính.
Nhà loại II: Là ngôi nhà truyền thống đã cải tạo, sửa chữa dưới thời Pháp thuộc. Những ngôi nhà này được bảo tồn hình thức kiến trúc bên ngoài và nội thất ngôi nhà chính.
Nhà loại III: Là những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại. Chấp nhận hiện trạng của những ngôi nhà này. Khi sửa chữa cần đưa trở về hình thức kiến trúc nhà ở truyền thống.
Các loại cổng của những ngôi nhà cổ với những loại vật liệu đá ong và gạch nung truyền thống sẽ bảo tồn và tu bổ nguyên trạng. Loại cổng có mái xây bằng gạch nung truyền thống cũng bảo tồn và tu bổ theo nguyên trạng. Loại cổng có hình thức kiến trúc và vật liệu xây dựng mới khi tu bổ sẽ điều chỉnh theo kiến trúc của những loại cổng của nhà truyền thống.
Trong phương án bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm, cần bảo tồn các loại tường rào xây bằng đá ong và gạch nung truyền thống. Bảo tồn 05 giếng nước cổ hiện có và khôi phục 02 giếng nước đã bị lấp ở thôn Mông Phụ. Đối với các nghề thủ công như nghề làm tương, làm kẹo dồi, kẹo lạc, xôi vò... cũng cần được bảo tồn để phục vụ khai thác du lịch
X. CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ DI TÍCH
Làng cổ Đường Lâm được bảo vệ bằng hệ thống văn bản pháp qui như sau:
- Luật Di sản văn hoá đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/06/2001 tại kỳ họp thứ 9 khoá X và được Chủ tịch nước ký Lệnh số 09/2001/L-CTN ngày 12/07/2001;
- Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá;
- Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại phiện họp thứ 19 ngày 18/06/2004 và được Chủ tịch nước ký Lệnh số 18/2004/L-CTN công bố ngày 29/06/2004;
- Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTT ngày 06/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin về việc ban hành Qui chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích Lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh ;
- Hồ sơ pháp lý các di tích đã được Nhà nước công nhận cùng hệ thống văn bản pháp qui của các ban ngành có liên quan;
- Công văn số 509 CV/SVHTT ngày 16/11/2004 của Sở Văn hoá thông tin Hà Tây về việc bảo vệ và lập Hồ sơ xếp hạng làng cổ Đường Lâm;
- Công văn số 5034 CV/UB -VX ngày 24/11/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây về việc bảo vệ và xếp hạng làng cổ Đường Lâm;
- Công văn số 38/DSVH -DT ngày 18/01/2005 của Cục Di sản văn hoá về việc triển khai thực hiện Dự án làng cổ Đường Lâm;
XI. KIẾN NGHỊ .
Làng cổ ở Đường Lâm được chọn lựa bao gồm làng cổ trọng điểm là làng Mông Phụ và các làng cổ phụ cận là Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm. Tuy nhiên, qui mô và số lượng các ngôi nhà ở những thôn này là rất lớn. Các ngôi nhà truyền thống có giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật trong các làng cổ phụ cận còn lại không nhiều, đồng thời phân bố rải rác và xen kẽ trong các ngôi nhà hiện đại, vì vậy cần có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của di tích.
Xuất phát từ những nội dung, giá trị tổng lược đã nêu ở các phần trên, Ban Quản lý di tích Hà Tây kính đề nghị Sở Văn hoá thông tin Hà Tây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây, Cục Di sản Văn hoá - Bộ Văn hoá thông tin xem xét và ra Quyết định công nhận làng cổ ở Đường Lâm là một di tích Lịch sử - văn hóa .
Nguồn VH Hà Tây
Nguồn : http://duonglam.vn.
dienbatn giới thiệu.
Xin theo dõi tiếp bài 2.
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét